Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia có dân số sống thọ. Có được điều này là nhờ vào nhiều yếu tố, từ sự phát triển của ngành y cho đến những nguyên tắc giữ gìn sức khỏe hàng ngày. của người Nhật
Theo các chuyên gia, 10 bí quyết sau đây của người Nhật không chỉ mang tính triết lý mà còn rất khoa học. Đó là:
Nội dung chính ⇒
1. Bớt ăn thịt, ăn nhiều rau
Nếu có đọc các tài liệu về dinh dưỡng và sức khỏe của người Nhật, ắt hẳn bạn sẽ thấy có một điểm rất tương đồng, đó là các tác giả đều khuyên mọi người nên ăn nhiều rau quả xanh, bớt thịt cá (chẳng hạn như quyển Nhân tố enzyme).
Cụ thể, chúng ta nên ăn rau xanh và thịt cá với tỉ lệ 80 : 20 hoặc 85 : 15.
Và ắt hẳn bạn cũng sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng: các loại rau quả nói chung hầu như có thể cung cấp toàn bộ các loại dưỡng chất mà cơ thể chúng ta cần. Không chỉ thế, đây còn là nguồn dinh dưỡng tự nhiên, an toàn và ít tác dụng phụ.
Không chỉ thế, các loại rau ăn được đều có thể dùng làm thuốc và lịch sử y học đã cho thấy: rau muống, rau má, rau bợ, rau trai, rau xà lách, rau răm… đều là những vị thuốc nổi tiếng, điều trị được nhiều loại bệnh thường gặp trong đời sống hàng ngày.
Mặt khác, nếu bạn lo sợ việc ăn ít thịt cá sẽ làm thiếu chất đạm thì đậu nành, đậu rồng, nấm rơm, nấm hương, … sẽ bổ sung điều đó. Đơn cử như nấm rơm, kết quả nghiên cứu cho thấy trong loại nấm này có chứa đến 17 loại axit amin (thành phần cấu tạo nên chất đạm) và trong đó, có 8 loại là cần thiết cho sức khỏe con người (1).
Đáng chú ý hơn là: nếu bổ sung quá nhiều chất đạm có nguồn gốc từ động vật thì nguy cơ bị ung thư lại càng cao. Trong khi đó, các loại rau nói chung đều chứa nhiều chất oxy hóa, giúp tăng cường miễn dịch và phòng ngừa ung thư (ngoại trừ một số loại như rau ngót, rau cần tây… không nên ăn nhiều trong thời gian dài vì sẽ gây tác dụng phụ).
2. Bớt ăn mặn, ăn nhiều chất chua
Có một sự thật về muối đó là: ăn nhiều muối làm tăng huyết áp và dẫn đến nhiều loại bệnh khác. Trong khi đó, vị chua, xét từ góc nhìn Đông y thì thông vào kinh Can (gan) và giúp thanh lọc cơ thể.
Bạn có thể thấy rõ điều này qua những trái cây có vị chua như chanh, bưởi, khóm, … và ngay cả món canh chua, nó cũng cho thấy mối liên hệ giữa vị chua với tác dụng thanh nhiệt.
3. Bớt ăn đường, ăn nhiều hoa quả
Đường là kẻ thù của sức khỏe và ngày nay, thế giới đang đối mặt với những hệ lụy của việc ăn quá nhiều đường: mụn nhọt, rụng tóc, sâu răng, hơi thở hôi, tiểu đường, lao phổi…
Xem thêm: Ăn nhiều đường sẽ nguy hại thế nào?
Trong khi đó, trong trái cây cũng chứa nhiều đường nhưng đây là những loại đường tự nhiên và ít gây nguy cơ béo phì, tăng huyết áp hơn. Đó là vì khi ta ăn hoa quả có vị ngọt (để thỏa mãn cơn thèm ngọt), cơ thể ta tiếp nhận đồng thời cả đường và các dưỡng chất khác, trong đó có chất xơ.
Khi đi vào cơ thể, chất xơ hòa cùng đường nên sẽ làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu, từ đó tránh được tình trạng tăng đường huyết đột ngột. Hơn nữa, khi đường được hấp thu chậm thì chúng sẽ được chuyển hóa hoàn toàn thành năng lượng đi nuôi cơ thể, không tạo thành mỡ gây béo phì.
4. Bớt ăn chất bột
Bớt các thực phẩm chứa bột là điều quan trọng trong chế độ ăn hàng ngày để tránh béo phì và các bệnh liên quan.
5. Bớt mặc nhiều quần áo, tắm nhiều hơn
Điều này không quá khó hiểu vì mặc nhiều quần áo sẽ khiến cơ thể bí bách, ngột ngạt và kém năng động.
Không chỉ thế, mặc nhiều quần áo còn làm tăng ẩm thấp, tạo môi trường phát triển cho các loài ký sinh như mạt, chấy, … và các vi khuẩn gây bệnh trên da.
6. Bớt đi xe, tăng đi bộ
Ai cũng biết người Nhật có thói quen đi bộ.
Và “bớt đi xe, tăng đi bộ” có lẽ là một trong những lời khuyên quen thuộc và nhàm chán nhất của thế kỷ XXI. Ai cũng biết đi bộ tốt cho sức khỏe nhưng lại khó thực hiện nó vì những bận rộn của cuộc sống mưu sinh.
Tuy nhiên, những người thành công đều hiểu rằng sức khỏe là kho tài nguyên đầy tiềm năng để tạo ra tiền và các giá trị khác.
Và nếu nói rằng, đi bộ có thể mang lại những lợi ích sức khỏe sau đây, liệu bạn có bắt đầu đi bộ từ ngày mai?
- Cải thiện trí nhớ.
- Tốt cho sức khỏe tim mạch.
- Giúp giảm nguy cơ ung thư.
- Cải thiện chứng rối loạn cương dương.
- Cải thiện tâm trạng và sức khỏe tổng thể.
- Hỗ trợ điều trị béo phì và giúp vóc dáng đẹp hơn (2).
Vì thế, mỗi ngày, hãy dành khoảng nửa tiếng cho việc đi bộ, bạn nhé! Nếu không có thời gian, bạn hãy tranh thủ đi bộ trong khả năng có thể: thay vì đi thang máy – hãy đi bộ, thay vì ngồi một chỗ trước máy tính quá lâu – hãy rời khỏi vị trí và đi dạo vài vòng…
7. Bớt phiền muộn
Trong cuộc sống hàng ngày, những điều phiền muộn, không vừa ý là không thể tránh khỏi.
Thế nhưng, nếu như chúng ta biết chấp nhận nó và hướng về những điều tốt đẹp, những niềm vui thì phiền muộn cũng sẽ qua đi.
Mỗi người chỉ được sống một lần, cho nên, mỗi phút giây trôi qua đều vô cùng quý giá, hà tất gì phải dành nó cho sự phiền muộn, phải không bạn?
8. Bớt nóng giận, cười nhiều hơn
Bạn có biết, nóng giận nhiều sẽ làm tổn thương gan không?
Không chỉ thế, nóng giận còn khiến bạn mất kiểm soát và dễ có những hành động làm tổn thương người khác.
Vì vậy, hãy vui vẻ và cười với mọi người. Khi bạn cười, bạn không mất đi thứ gì cả nhưng đổi lại, bạn có được rất nhiều thứ: niềm vui, sự thân thiện, bạn bè…
9. Bớt nói, làm nhiều
Đây là nguyên tắc cơ bản để thành công.
Có người nói: “Cuộc đời nói chuyện với nhau bằng kết quả” và cũng có ý kiến cho rằng: “Hãy làm trong im lặng và để thành công của bạn lên tiếng”.
Bạn nghĩ thế nào?
10. Bớt ham muốn, chia sẻ nhiều hơn
Đây là nguyên tắc cơ bản để có một cuộc sống ý nghĩa. Vâng, bớt ham muốn và chia sẻ nhiều hơn.
Bạn hãy xem, trong câu “Tôi muốn hạnh phúc”, chỉ cần bớt đi “Tôi” và “muốn” thì sẽ còn lại “hạnh phúc”.
Vì vậy, hãy bớt tự cao, bớt thể hiện, bớt mong cầu và biết đủ. Được như vậy, bạn sẽ luôn vui với những gì mình có, vui trong hiện tại và vui trong mọi hoàn cảnh sống.
Những nguyên tắc, bài học trên đây của người Nhật vừa để giữ gìn sức khỏe, vừa để nuôi dưỡng tâm hồn. Thật vậy, một cuộc sống chất lượng không bao giờ tách rời giữa tinh thần và thể xác. Thân thể khỏe mạnh, tâm hồn rộng mở thì mới an nhiên trải nghiệm làm người!
Tư liệu tham khảo, tổng hợp
- Nguyễn Văn Toàn – Trần Như Thành, Những bài thuốc thần bổ, khỏe, trường sinh, tập 3, Hội Y học dân tộc tỉnh Đồng Nai, 1993, trang 60.
- Kênh Youtube Tuệ An.