Nội dung chính ⇒
1. Không suốt ngày kể lể niềm vui nỗi buồn của mình, đó là trí tuệ
Đã bao nhiêu lần bạn kể lể niềm vui, nỗi buồn của mình? Những lần như thế, có bao nhiêu người thực sự thấu hiểu?
Thật ra, con người thông qua việc tâm sự để hiểu nhau hơn, tuy nhiên, chúng ta chỉ nên tâm sự có chừng mực, cái gì cần nói thì nói, không cần nói thì thôi.
Đừng suốt ngày kể lể cảm xúc của mình, bởi vì, có bao nhiêu người thực sự muốn nghe?
Niềm vui của bạn, người kia có thực sự thích nghe không? Ví dụ, bạn kể bạn vừa mua được một chiếc xe, họ sẽ thấy bạn đang hạnh phúc hay thấy bạn đang khoe khoang? Họ sẽ vui cho bạn hay sẽ bắt đầu đố kỵ?
Nỗi buồn của bạn, đáng buồn thật đấy, nhưng nếu bạn cứ kể mãi thì không phải nhàm chán lắm sao?
Hơn nữa, nếu người đó không thực sự quan tâm đến bạn thì khi nghe bạn kể chuyện buồn, họ còn cảm thấy bạn “đang làm quá lên”.
Người đời bận rộn nên họ chỉ có thể tập trung cho cuộc đời của chính họ. Chỉ có những người thực sự yêu thương bạn, họ mới lắng nghe bạn, nhưng nếu họ phải nghe bạn kể lể nhiều quá, họ cũng sẽ mệt mỏi.
Còn lại, đa phần đều là những người muốn “nghe ngóng” từ bạn.
Cho nên, vui buồn cuộc đời, chỉ có riêng bạn trải qua, người khác dẫu tận tâm lắng nghe cũng chắc gì đã hiểu được.
Chén trà để trên tay, lạnh ấm riêng mình biết.
Vì vậy, người trưởng thành chỉ chia sẻ niềm vui nỗi buồn cho người thực sự muốn nghe.
2. Không “đâm chọc” vào chỗ khó xử của người khác, đó là tử tế
Nhà viết kịch người Nga là Anton Pavlovich Chekhov nói: “Người có giáo dưỡng không phải là ăn cơm mà không làm đổ canh, mà là khi người khác chẳng may làm đổ canh, đừng nhìn chằm chằm vào họ.”
Thật vậy, mỗi người đều có những lúc “lỡ tay”, “lỡ lời”, “lỡ lầm”… và rơi vào hoàn cảnh khó xử. Nếu ta nhìn ra điểm yếu của họ thì nên giấu cho họ, không nên vạch trần, bởi vì nhân lúc người khác sa cơ mà “chọc ngoáy” thì rõ ràng là hành động của tiểu nhân.
Có những bà vợ, thấy chồng mình có điểm yếu gì là cứ xăm soi nói vào chỗ đó, khiến cho người chồng khó chịu.
Có những người, biết rõ người kia không biết uống rượu lại cứ ép họ uống rượu, biết rõ người kia nhút nhát lại cứ thách đố họ, thấy người khác té lại cười phá lên… Đó rõ ràng là người thiếu tử tế.
Mình gặp nhiều trường hợp, những người làm từ thiện đi tặng quà, tặng tiền nhưng người kia lại không chịu nhận và lảng tránh đi, thậm chí còn nổi giận. Vì sao ư?
Vì họ đã bày tỏ sự thương hại một cách thô thiển, khiến cho người kia cảm thấy khó chịu, mất mặt… trước mặt mọi người. Người nghèo, họ cũng có lòng tự trọng của họ. Đừng nghĩ mình có tiền, mình ban phát đồ ăn, tiền bạc cho họ thì mình được quyền quay, chụp, hỏi, nói… và làm những thứ mình muốn. Không ai muốn người khác thấy sự yếu đuối, nhếch nhác và đáng thương của mình cả.
Cho nên, thấy người khác sa cơ thất thế thì đừng ngoáy vào hoàn cảnh của họ, bởi vì họ đã tủi nhục lắm rồi. Nếu cần mô tả hoàn cảnh thì cũng cẩn trọng ngôn từ để không làm họ tổn thương.
Không “xé toạc” chỗ khó xử của người khác, đó cũng là tích đức.
Nhiều người bảo: Tánh tôi thẳng thắng, có sao nói vậy, có gì mà phải giấu?
Không, nói toẹt ra cái khó khăn của người khác, đó không phải là thẳng thắng mà là vô duyên.
3. Không hạ thấp người khác, đó là giáo dục
Có nhiều người, thấy người khác giàu hơn mình thì liền nổi tính đố kỵ, cho rằng họ làm chuyện xấu mới giàu được như vậy.
Có người, thấy người khác xinh đẹp thì cho rằng người đó chắc phẫu thuật thẩm mỹ mới đẹp được như vậy, hoặc cho rằng họ ăn dọn cho đẹp để bán sắc buôn hương, để thu hút người này người kia.
Ngược lại, thấy người khác nghèo khó, thấp kém, xấu xí hơn mình thì tỏ vẻ khinh thường; tấy người khác thiếu hiểu biết thì cười nhạo, cho rằng họ là dân thất học, ngu đần, nhà quê.
Kiểu người như vậy, họ nghĩ họ hay lắm nhưng rõ ràng, họ chỉ đang ảo tưởng về chính mình. Cũng có thể họ giỏi thật nhưng với bản tính tự kiêu đó, họ sẽ khó có thể thành công và mọi người cũng sẽ dần xa lánh họ.
Vì vậy, thấy người khác thành công thì nên tặng cho họ một tràn vỗ tay, một sự chúc mừng, đó chính là khí độ của người có giáo dục.
Thấy người khác thiếu hiểu biết thì cảm thông, hướng dẫn; đó chính là phong thái của người trí tuệ.
4. Không tọc mạch chuyện của người khác, đó là tầm nhìn
Nếu bạn đã đủ trí tuệ, bạn sẽ thấy điềm nhiên trước hết thảy những chuyện trên đời.
Lúc đó, bạn sẽ không còn muốn soi mói, tọc mạch hay hóng hớt bất kỳ chuyện nào nữa.
Chuyện nào cần xảy ra thì sẽ xảy ra. Hiểu được điều đó, bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm trước cuộc sống.
Đối với những chuyện của người khác, bạn cũng không muốn tọc mạch, “bà tám” nữa…
Bởi vì mỗi người có một cuộc đời riêng và bạn chỉ muốn tập trung vào chính mình, để phát triển chính mình.
Người khác như thế nào, đó là cách sống của họ. Bạn không cần giáo dục họ, không cần thay đổi họ, cũng không cần khó chịu với cách sống của họ.
Bạn chỉ tập trung vào cuộc sống của mình.
Bạn không hướng ngoại nữa mà hướng nội để tu dưỡng nội hàm của mình, cho bản tốt đẹp hơn, sống hạnh phúc hơn, thư thả hơn.
Xem thêm: Sự quyến rũ của phụ nữ nằm ở đâu?