“A giao được lấy bằng cách dùng roi da đánh vào con lừa đang sống, cho da lừa rướm đầy máu rồi đem ninh nấu cho sắc lại thành một dạng keo (rắn). Mặc dù nó có tác dụng bổ máu, cầm máu, tư âm nhuận táo nhưng nghĩ đến cái cảnh bị trói và bị đánh của con lừa, bị giày vò đến chết thì đúng là không có chút xót thương!. Dùng một sinh mạng để đổi lấy công dụng bổ máu là nên ư?…”.
Đó là bình luận của một khán giả khi xem video giới thiệu về vị thuốc A giao (trên kênh Youtube đài truyền hình thương mại TVB – Hồng Kông).
Hiện tại, chúng tôi chưa tìm được tư liệu về việc người ta dùng roi đánh vào những con lừa cho đến rướm máu. Tuy nhiên, các thông tin còn lại trong bình luận trên là đúng với sự thật.
(Chúng tôi xin lỗi vì những hình ảnh trong bài viết này có thể làm bạn khó chịu).
Nội dung chính ⇒
A giao (keo da lừa) là gì?
A giao là vị thuốc cổ truyền của người Trung Quốc và có nguồn gốc từ tỉnh Sơn Đông (chữ “A” là để chỉ huyện Đông A, tỉnh Sơn Đông, chữ “giao” có nghĩa là chất keo).
Để có A giao, người ta dùng da lừa ninh nấu trong nhiều ngày (và nhiều lần như thế) cho chất keo trong da lừa tiết hết ra, sau đó cô đặc lại thành một dạng keo có màu nâu trong (thường được bán dưới dạng các miếng thuốc hình chữ nhật).
A giao (keo da lừa) chữa bệnh gì? Tác dụng của A giao
Trong Đông y, A giao được biết đến là vị thuốc bổ huyết, bổ phổi, cầm máu, an thai, điều trị đại tiểu tiện ra máu, đau nhức lưng eo, mất ngủ… và các bệnh khác (1) (2). Ở nước ta, khi kê các toa thuốc cầm máu, an thai, các thầy thuốc vẫn thường dùng A giao.
A giao – hàng triệu sinh mạng mỗi năm và lợi nhuận hàng tỷ nhân dân tệ
Theo một thống kê, doanh thu năm 2016 từ vị thuốc A giao đạt hơn 7 tỷ nhân dân tệ, đứng đầu về doanh số bán thuốc ở Trung Quốc! Không chỉ Trung Quốc mà ở Hồng Kông, nhiều nghệ sĩ cũng tham gia quảng cáo A giao.
Theo nguồn tin, chỉ trong vòng 15 năm (từ 2001 đến 2016), giá bán lẻ mỗi kg A giao trên thị trường đã tăng hơn 41 lần (3). Và, đằng sau lợi nhuận khổng lồ của các nhà cung cấp là hàng triệu sinh mạng bị giết mỗi năm (ở Sơn Đông, có nhà máy phải xử lý 3000 tấn da lừa mỗi năm).
Vì sao A giao (keo da lừa) lại được ưa chuộng?
A giao là vị thuốc cổ truyền của người Sơn Đông (Trung Quốc) và được ghi chép trong các sách y học. Tuy nhiên, hiện tại, tác dụng thực sự của vị thuốc này đã bị đồn thổi dần, khiến người ta tin rằng nó là “thần dược” bổ huyết, an thai, điều trị mất trí, vô sinh và nhiều bệnh khác…
Keo da lừa – quá trình tận diệt loài vật vô tội
Từ những lời quảng cáo về công dụng thần hiệu của A giao và quá trình điều chế công phu của nó, người ta bắt đầu tin dùng và các nhà sản xuất thì bắt đầu quá trình tận diệt.
Như đã biết, lừa là 1 trong 10 loài động vật có thời gian mang thai dài nhất (từ 11 – 14 tháng). Hơn nữa, trong mỗi lần mang thai, lừa mẹ cũng chỉ sinh được 1 con non và chúng cũng rất hiếm khi sinh đôi.
Vậy mà, những con vật ngoan ngoãn ấy, vốn chỉ bị giết thịt trong các câu chuyện ngụ ngôn, nay lại bị giết thịt ở ngoài đời một cách tàn nhẫn chỉ vì da của chúng có thể làm thuốc! Và tệ hại hơn, đó chỉ là một loại thuốc chuyên về bổ huyết mà rất nhiều thảo dược khác có thể thay thế. Đáng nói hơn, đôi khi người ta chỉ dùng A giao như nguyên liệu để làm đồ ăn nhẹ và mỹ phẩm.
Hơn nữa, nếu lấy toàn bộ da của một con lừa trưởng thành để đem đi điều chế thì cũng chỉ thu được 0,9 kg A giao (một sinh mạng để đổi lấy chưa đến 1 kg thuốc bổ!) (5). Theo thông tin từ thanhnien.vn, nếu tình trạng sản xuất và tiêu thụ A giao cứ thế tiếp diễn thì chỉ sau 5 năm nữa, một nửa số lừa trên thế giới sẽ có nguy cơ bị xóa sổ! (6).
Bốn lý do không nên dùng keo da lừa
Theo tiến sĩ y học Trung Quốc Lý Vũ Minh, có 4 điều cần xem lại về vị thuốc này.
1. Nếu nói về tác dụng bổ huyết của A giao thì dùng thực vật sẽ hiệu quả hơn
“Ví dụ như thục địa, đương quy, xuyên khung, thược dược; so với A giao thì tác dụng bổ huyết càng mạnh hơn nhiều! Người xưa dùng A giao là do bệnh tình xuất hiện sự mâu thuẫn, thuốc ôn bổ không thể dùng mới phải dùng đến A giao.”
2. Nói về công hiệu bổ huyết (của A giao) thì không có thuốc bổ huyết nào có tác dụng nhanh cả.
“Trong việc dùng thuốc để bổ huyết của Đông y, không phải chỉ dùng một vị thuốc là có thể bổ lên được mà còn phải phối hợp cùng các vị thuốc khác để chúng tương hỗ lẫn nhau. Nếu chỉ uống A giao để bổ huyết thì e rằng sẽ khó bề tiêu hóa, hấp thu.”
3. Truyền thống dùng A giao: chỉ dùng cho bệnh nguy cấp
“…trường hợp nhiệt nhập vào máu làm hôn mê nguy hiểm… mới dùng thuốc kết hợp với A giao. Đó là bởi A giao vị ngọt, tính bình, không làm tăng thêm nhiệt bên trong…, còn như trường hợp huyết hư bình thường thì không cần phải sử dụng. Hơn nữa, nếu chỉ dùng một loại A giao thì hiệu quả cũng không bằng thực vật...”
4. Không bị bệnh nguy cấp mà dùng A giao thì có thể gọi là tội ác.
“Tôn Tư Mạc – nhà y học nổi tiếng đời Đường có nói: “Lấy mạng nuôi mạng, sai lại càng sai”. Bệnh tình nguy hiểm mà dùng A giao thì còn có thể tha thứ. Nếu chỉ vì mục đích bổ máu mà dùng A giao thì chính là “lạm sát vô tội”. Không phải chỉ riêng vị thuốc A giao này mà sừng tê, sừng trâu bò đều mang sinh mệnh như nhau. Là một nhà y học, tôi cần phải lên tiếng về việc này. Trừ khi có một đơn thuốc có thể chữa bệnh nghiêm trọng để làm thực chứng tận mắt, nếu không, dân chúng cần dừng ngay việc dùng A giao” (Lý Vũ Minh) (3).
Thông tin thêm
Trên trang bách khoa toàn thư mở Trung Quốc (baike.baidu.com) có một bài viết về A giao (阿胶). Khác với các nội dung khác, văn bản viết về vị thuốc này được bảo hộ và không cho phép mọi người tự do chỉnh sửa, đồng thời tuyên bố rõ ràng rằng:
“Nội dung của mục này chỉ để kế thừa văn hóa y học cổ truyền Trung Quốc, không đề cập đến thuốc và điều trị. Một số động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ. Vui lòng tuân thủ luật pháp để bảo vệ động thực vật hoang dã”. (1).
Những lưu ý khác
1. A giao, loại có màu nâu trong suốt được dùng làm thuốc còn loại trọc đục mà đen thì không làm thuốc được (thường làm thành keo dán dụng cụ). Trong lựa chọn nguyên liệu làm A giao thì da của những động vật đã già sẽ cho ra A giao tốt hơn.
2. A giao được xem là vị thuốc bổ đặc biệt và cao cấp. Tuy nhiên, trên thực tế điều tra, nhiều sản phẩm A giao bị phát hiện là kém chất lượng, kém vệ sinh, có thêm phụ gia hoặc bị pha trộn với da của các loài động vật khác.
2. Chỉ có A giao được làm từ da lừa là có tác dụng đáng kể (trước đây A giao cũng được làm từ da trâu, da bò, gọi là Hoàng minh giao). Với A giao được làm từ da ngựa, nó còn có thể gây sảy thai (1).
3. Không phải ai cũng dùng A giao được. Vị thuốc này không thể dùng trong các trường hợp như phụ nữ mới mang thai, những người tỳ vị hư nhược (gây khó tiêu, tiêu chảy, thổ huyết…) (1). Ngoài ra, A giao cũng kị đại hoàng nên cần tránh kết hợp hai thứ này.
4. Cần tránh nhầm lẫn A giao là keo da lừa làm thuốc (cao da lừa) với A giao là tên gọi khác của cây giao (cây xương cá) hay sản phẩm keo nước A dao.
Bài viết này không nhằm đả kích những người sử dụng A giao mà chỉ đặt vấn đề dùng A giao trong những trường hợp thật sự cần kíp (không có thuốc khác thay thế) để tránh lạm dụng A giao. Đó không chỉ là cách để chúng ta bảo vệ loài lừa mà còn thể hiện lòng nhân đạo của con người trong trải nghiệm sinh tồn.
Xem thêm: Nhụy hoa nghệ tây có thực sự phù hợp với người dùng hiện nay?
Tư liệu tham khảo
- 阿胶, https://baike.baidu.com/item/%E9%98%BF%E8%83%B6
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 945.
- 它被残忍鞭打活剥夺命!请对阿胶说NO!!!, https://wemp.app/posts/c90d6ed6-22c7-4c7c-8d4a-252bbca662c3?utm_source=latest-posts
- 阿膠的功效-什麼人不宜吃阿膠?, https://kknews.cc/health/qe946no.html
- Trung Quốc khiến thế giới lo âu vì ‘thần dược’ cao da lừa, https://tuoitre.vn/trung-quoc-khien-the-gioi-lo-au-vi-than-duoc-cao-lua-1354861.htm
- Loài lừa có thể bị tận diệt vì nhu cầu bào chế đông dược Trung Quốc, https://thanhnien.vn/the-gioi/loai-lua-co-the-bi-giet-mot-nua-vi-nhu-cau-bao-che-dong-duoc-trung-quoc-1150696.html