Bạn viết di chúc chưa?
Mình viết rồi. Từ hai năm trước.
Không phải mình chán đời hay mắc bệnh hiểm nghèo gì.
Chỉ là: mình muốn chuẩn bị thật tốt cho việc trọng đại trong đời. Sinh ra là trọng đại, chết đi cũng là trọng đại, không phải sao?
Có gì mà phải né tránh! Có gì mà cho là xúi quẩy!
Bắt đầu thành thực thôi.
Mình không bất tử. Bạn cũng vậy.
Mình có thể chết bất kỳ lúc nào. Bạn cũng vậy.
Và lỡ ngày mai mình không thức dậy nữa thì sao?
Hiểu điều đó nên mình muốn sống trọn vẹn hơn. Mình viết di chúc, trong đó, những thứ cần sắp xếp sẽ được sắp xếp.
Như thế, dù mình “ra đi” lúc nào, trong hoàn cảnh nào, mình cũng sẽ luôn thanh thản.
Không cần lo sợ “mình chết đi sẽ như thế nào?”.
Việc còn lại chỉ là trải nghiệm cuộc sống này.
Có thứ sẽ khiến mình khổ đau, có thứ sẽ khiến mình hạnh phúc. Nhưng mình chọn thích nó. Bởi vì bây giờ mình ghét nó, mệt mỏi với nó, biết đâu, sau này, khi rời khỏi sinh mệnh này, mình sẽ lại nhớ nó thì sao?
Mình chỉ được ở trong thể xác này một lần duy nhất.
Một lần duy nhất.
Dù cho thể xác này đủ thứ bất tiện… thì mình cũng trân trọng nó. Tìm cách làm cho nó tốt lên.
Điều quan trọng là: mỗi khi nghĩ đến việc “mình sẽ chết đi”, mình không còn muốn “tranh đấu” với bất kỳ người nào nữa. Không còn muốn tích lũy quá nhiều.
Mình chỉ muốn dành thời gian hưởng thụ sự sống của mình, ngắm nhìn cỏ cây sinh trưởng.
Bạn thấy đó, cái chết không tiêu cực như chúng ta vẫn nghĩ. Ngược lại, khi bạn hiểu rằng bạn sẽ chết, bạn sẽ bắt đầu sống trọn vẹn hơn.
Bớt “trẻ trâu” hơn.
Và nếu như hôm nay lỡ khóc thì ngày mai sẽ cố gắng mỉm cười. Có gì đâu!
Xem thêm: Những câu nói giác ngộ của Sadhguru
Bài 2.
Tạo hóa có thật không?
Sức mạnh nào đã khiến cho hạt đậu – từ một khối phôi chứa tinh bột, vitamin và khoáng chất… có thể vận hành, sinh trưởng, nảy mầm?
Sức mạnh nào đã khiến cho hạt táo, cứng như thế nhưng nhân hạt của nó lại có thể đẩy nứt ra?
Phải chăng, đó là sức mạnh của sự vận hành?
Tạo hóa là sự vận hành.
Thật vậy, đấng sáng tạo không phải cần thiết phải là con người, thay thần linh.
Đó có thể chỉ là sự vận hành.
Bạn nói xem, tòa lâu đài cũng có ngày sụp đổ, nơi biển sâu, qua kiến tạo lại nhô lên thành núi, thành đồi. Bạn của một giây trước cũng đã khác bạn của giây này, mãi mãi không quay trở lại.
Luôn luôn vận hành, luôn luôn đổi thay cũng chính là sáng tạo!
Chính là tạo hóa.
Chỉ là, con người hình dung không nổi nên muốn tạo hóa phải là cái gì đó cụ thể, phải là “ông trời” – cho dễ gọi, cho thân thuộc, cho đỡ sợ.
Dần dần, họ làm quen luôn với thiên lôi, ông táo, bà thủy, thần tài thổ địa, ông tà… Hễ định danh được thì sẽ đỡ sợ. Và gọi bằng “ông”, bằng “bà”… cho có mối liên hệ. Dù sao, có họ hàng với nhau thì cũng yên tâm hơn.
Ví dụ như nghe con “cọp” thì sợ, cảm thấy man rợ hoang dã… nhưng nghe “ông cọp” thì thấy thiêng liêng, thần thánh lên liền! Và còn có cảm giác “ông cọp” không hại mình nữa chứ – chỉ hại người ác thôi!
Ôi, nếu được như vậy thì cho con lập danh sách, ghi tên mấy người ác với. Con ghi không sót đứa nào hết (sót ên con thôi 😆)
Vén bức màn thần thánh ảo mộng ra mới thấy phàm tục cũng gần minh triết. Còn minh triết thật hay không thì để từ từ tìm hiểu tiếp.
Mọi thứ luôn vận hành mà.