Âm nhạc có tác dụng chữa lành không?
Bạn biết không, tính đến nay, tại Mỹ đã có hơn 10.000 cá nhân được cấp bằng hành nghề trị liệu bằng âm nhạc.
Lùi về xa hơn, trong Kinh thánh cũng có câu chuyện kể về anh chàng David dùng âm nhạc để chữa bệnh cho vua Saul:
“Mỗi khi linh hồn quỷ dữ nhập về nhà vua thì David thường cầm lấy cây đàn và dạo những bản nhạc. Thế là nỗi khổ của nhà vua dịu bớt, nhà vua cảm thấy dễ chịu hơn và linh hồn quỷ dữ phải rời bỏ nhà vua…“.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng cho âm nhạc vào bệnh viện để hỗ trợ bệnh nhân cải thiện sức khỏe.
Nội dung chính ⇒
Âm nhạc với huyết áp
Các nhà khoa học Nhật Bản đã thử nghiệm và phát hiện rằng: Ở những bệnh nhân bị cao huyết áp, nếu ta cho họ nghe một bản nhạc mà họ yêu thích thì sau đó, huyết áp của họ sẽ giảm xuống.
Cụ thể, chỉ số huyết áp của các bệnh nhân tại bệnh viện Đa khoa Iwaminawa đã thay đổi như sau:
– Với những bệnh nhân cao huyết áp được nghe bản nhạc yêu thích: huyết áp của họ giảm 44 mmHg.
– Với những bệnh nhân không được nghe nhạc nhưng được nghe tiếng sóng vỗ, tiếng chim hót: huyết áp của họ giảm 26 mmHg.
– Với những bệnh nhân không được nghe các âm thanh trên: huyết áp của họ tăng 6 mm Hg.
Âm nhạc với hệ thần kinh
Nhiều kết quả nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy âm nhạc không chỉ giúp thư giãn mà còn giúp giảm stress, cải thiện khả năng vận động ở bệnh nhân suy thần kinh, cải thiện năng lực vận động viên và thú vị hơn nữa là làm tăng sự tiết sữa ở gia súc.
Âm nhạc với bệnh lú lẫn ở người già
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát hiện rằng: khi cho người già nghe những bản nhạc mà họ yêu thích vào bữa ăn trưa thì sau đó, họ hấp thụ năng lượng tốt hơn và trí nhớ cũng tốt hơn.
Không chỉ thế, kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Lão khoa Morse (Florida, Mỹ) còn cho thấy: việc ca hát và vỗ tay theo nhạc jazz… có tác dụng hỗ trợ rất tốt đối với bệnh nhân cao tuổi bị lú lẫn (đồng thời còn giúp cải thiện giấc ngủ và kích thích sự thèm ăn).
Âm nhạc và bệnh tâm thần phân liệt
Các nhà khoa học Anh đã thử nghiệm và đưa ra một tuyên bố rất ý nghĩa đối với các bệnh nhân thần kinh, đó là: “việc chơi nhạc cụ thường xuyên có thể làm giảm chứng trầm uất, lo lắng và những biểu hiện tình cảm tiêu cực ở bệnh nhân tâm thần phân liệt”.
Âm nhạc và bệnh tai biến mạch máu não
Theo các chuyên gia thì sau khi bị tai biến mạch máu não, nhiều bệnh nhân bị mất tiếng nói và gặp khó khăn trong phát âm. Tuy nhiên, khi nghe nhạc và mấp máy hát theo nhạc thì nhiều người đã dần dần phục hồi khả năng nói chuyện.
Âm nhạc và giấc ngủ
Nhiều người bị khó ngủ và phải nghe nhạc không lời, nhạc Thiền hoặc những bản nhạc mà họ yêu thích thì mới ngủ được.
Thật vậy, nghe những giai điệu phù hợp giúp bạn ngủ ngon hơn và một nghiên cứu tại Đài Loan đã chứng minh điều này.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã cho những người mất ngủ nghe các bản nhạc nhẹ nhàng, chậm rãi trong 45 phút và thấy rằng họ ngủ ngon hơn, nhịp tim cũng chậm rãi hơn (người tham gia là các cụ già từ 60 – 83 tuổi và thường bị mất ngủ).
Âm nhạc và thai nhi, trẻ nhỏ
Nhiều nghiên cứu cho thấy âm nhạc có thể giúp con người phát triển ngay từ trong bụng mẹ. Với những “thai nhi” được nghe nhạc từ khi còn trong bụng mẹ thì sau khi chào đời, chúng thường khỏe mạnh, thông minh hơn.
Vì vậy, ngày nay, các bác sĩ thường khuyên mẹ bầu nên nghe nhạc Thiền hoặc các bài hát êm dịu, dễ thương, vui tươi… và bật âm lượng ở mức vừa phải (như một phương pháp “thai giáo”).
Không chỉ thế, sau khi đứa trẻ ra đời, các bà mẹ cũng nên hát ru cho trẻ nghe vì như thế sẽ giúp trẻ thông minh hơn, sau này lớn lên ít bị các bệnh về tâm trí hơn (nếu không thể tự hát thì có thể mở nhạc ru em, những bài hát ru trên mạng cho bé nghe).
Với trẻ nhỏ đang bị bệnh và nhập viện, âm nhạc cũng giúp chúng quên đi bầu không khí nặng nề, bớt sợ hãi và bớt quấy khóc hơn. Ở Pháp, người ta còn cho trẻ em nghe nhạc trước khi phẫu thuật cắt Amygdale nhằm tạo cảm giác thân quen, an toàn, tin tưởng, giúp trẻ bớt sợ hãi…
Âm nhạc và phẫu thuật
Nghe nhạc trước và sau khi phẫu thuật không chỉ giúp giảm sợ hãi, lo âu mà còn giúp phục hồi sức lực. Không chỉ thế, nhiều nghiên cứu còn cho thấy sự kích thích của nhạc điệu đôi khi có thể lấn át cảm giác đau đớn, mệt mỏi…
Chẳng hạn, những bệnh nhân bị bệnh tật làm cho mệt mỏi, rã rời nhưng khi nghe được giai điệu, lời ca mang tính khích lệ thì họ có thêm động lực để quên đi phiền muộn, đớn đau.
Về tác dụng này của âm nhạc, tôi còn nhớ câu chuyện mà thầy tôi kể về những chiến sĩ thời đánh Mỹ: Có 1 chiến sĩ bị thương, phải cưa chân trong tình trạng không có thuốc tê, thế là cả tiểu đội đứng thành vòng tròn, tay xiết chặt nhau, hát vang bài quốc ca để cỗ vũ cho người chiến sĩ kia vượt qua cơn đau đớn… dù người hát, người cưa, ai nấy đều nước mắt lưng tròng!
Âm nhạc và phút cuối đời
Với những người sắp qua đời, nếu nghe được những bản nhạc phù hợp cũng sẽ giúp tạo ra khung cảnh thanh thản, bình yên, giàu lòng yêu thương…, giúp người ra đi yên tâm, thanh thản.
Dùng âm nhạc như thế nào?
Âm nhạc có tác dụng lôi cuốn, hòa hợp, thu hút sự chú ý và nhập tâm của con người. Bạn thấy đó, khi chúng ta nghe một bài hát thì giai điệu, câu từ của nó lôi kéo chúng ta bước vào thế giới nghệ thuật, đánh lạc hướng chúng ta khỏi những mệt mỏi, thù hận, buồn đau…
Tôi còn nghe câu chuyện về những người lính khác nhau chiến tuyến, ban ngày bắn nhau nhưng đêm đến thì lại ngồi cùng nhau để được nghe “bên kia” đàn mấy câu vọng cổ…
Âm nhạc là như vậy đó. Thậm chí, có khi bạn không hiểu người đó hát nội dung gì nhưng thông qua giai điệu, âm thanh, bạn cũng cảm thấy sự hòa điệu tâm hồn và lâng lâng cảm xúc.
Tuy nhiên, cũng cần nói rằng với những bệnh nhân khác nhau thì sẽ cần những liệu thuốc khác nhau và âm nhạc trị liệu cũng vậy: tùy trạng thái chúng ta muốn hướng tới mà lựa chọn dòng nhạc cho phù hợp.
Một ví dụ dễ hiểu nhất, đó là khi tâm trí rối bời, cần yên tĩnh thì chúng ta sẽ nghe nhạc Thiền, nghe tiếng nước chảy, những âm thanh êm dịu… (chứ không phải những bài nhạc xập xình, sôi động, giật gân…).
Xem thêm: Liệu pháp tắm rừng, bạn đã nghe qua chưa?
Tư liệu tham khảo
- Nhiều tác giả, Bác sĩ tốt nhất là chính mình, tập 4.