Bạn có công nhận bắp luộc là món ăn rất ngon không? Vào buổi sáng, ăn một khúc bắp luộc thì vừa thơm ngon lại vừa tốt cho hệ tiêu hóa.
Nội dung chính ⇒
Ăn bắp (ngô) có tốt không, có tác dụng gì?
Ăn bắp mang lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như:
- Giúp mắt nhanh nhạy, nhìn rõ hơn.
- Giúp bổ sung năng lượng, có sức lực mà không làm tăng cân.
- Phòng ngừa táo bón.
- Tốt cho tim mạch.
- Góp phần phòng ngừa ung thư.
- Hợp với người mắc hội chứng không dung nạp gluten (vì bắp không chứa gluten).
- Giúp cải thiện và tăng cường trí nhớ, tăng cường khả năng tập trung.
Trong bắp (ngô) có chứa các chất dinh dưỡng gì?
Trái bắp chứa nhiều chất dinh dưỡng như:
- Protein (chất đạm).
- Lipid (chất béo).
- Vitamin B1, B9.
- Vitamin C.
- Vitamin B12.
- Vitamin B8 (axit folic).
- Vitamin E.
- Ma giê.
- Ka li.
- Sắt.
- Mangan.
- Kẽm.
- Magie.
- Can xi.
- Phốt pho.
Ai nên ăn bắp?
Bắp có mức năng lượng vừa phải, ít chất béo nhưng lại có nhiều công dụng như: làm tăng cảm giác thèm ăn, lợi tiểu, giúp mắt chậm lão hóa và tăng khả năng hấp thu dưỡng chất của bao tử (dạ dày).
Bắp hợp với những người như:
- Người thể tạng nặng nề, dễ đau nhức… nên ăn bắp.
- Người máu huyết lưu thông không đều khiến cho cơ thể ứ trệ nên ăn bắp.
- Người bị cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, táo bón lâu ngày không khỏi… nên ăn bắp.
- Người bị phù nề do viêm thận mãn tính nên ăn bắp.
- Người suy nhược, thiếu máu, thiếu vitamin A, suy dinh dưỡng… nên ăn bắp.
- Người hay lạnh tay chân, tê tay chân, dễ ho khi trời lạnh… nên ăn bắp.
- Người bụng yếu, ăn uống kém ngon, tiêu hóa kém… nên ăn bắp.
Nên ăn bao nhiêu bắp mỗi ngày? Ăn nhiều có tốt không?
Mỗi ngày, bạn chỉ nên ăn từ nửa trái đến 1 trái bắp là đủ, không nên ăn quá nhiều vì sẽ gây đầy bụng, rối loạn tiêu hóa (vì bắp chứa nhiều tinh bột); ngoài ra còn làm tăng nguy cơ bị dị ứng, nứt da, bệnh tim mạch…
Ăn bắp luộc (ngô luộc) có béo không, có giúp giảm cân không?
Theo thông tin thì 100 g bắp cung cấp khoảng 86 calo. Mặt khác, trái bắp còn chứa nhiều tinh bột và chất xơ. Vì vậy, nếu bạn ăn bắp ở lượng vừa phải (vào buổi sáng) thì nó sẽ giúp giảm cân.
Ngược lại, nếu như ngày nào bạn cũng ăn bắp hoặc thường ăn vào buổi tối thì nó sẽ phản tác dụng và gây tăng cân (vì nó chứa nhiều tinh bột và năng lượng).
Ăn bắp (ngô) có tốt cho bà bầu không?
Phụ nữ mang thai có thể ăn bắp (ngô) để phòng ngừa táo bón, thay đổi khẩu vị và giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Tuy nhiên, chỉ nên ăn nửa trái hoặc một trái và không nên ăn liên tục ngày này qua ngày khác. Nếu ăn quá nhiều, bạn có thể bị mất ngủ, tăng đường huyết, thừa cân, sinh non (thậm chí là gây dị tật ở thai nhi).
Những ai không nên ăn bắp (ngô)?
- Người bị đái dầm (tiểu dầm), tiểu không tự chủ… không nên ăn.
- Người đang mắc các bệnh về da không nên ăn.
- Những người bị viêm đại tràng hoặc bị các bệnh về đường tiêu hóa không nên ăn.
- Người bị xơ gan không nên ăn.
- Người bị giãn tĩnh mạch thực quản không nên ăn.
Bắp ngô kỵ gì? Lưu ý khi ăn bắp
- Không ăn bắp cùng ốc, sò (vì sẽ gây ngộ độc).
- Nên mua và tự nấu chín, không nên mua bắp đã chế biến sẵn, luộc sẵn (vì nhiều nơi dùng các nguyên liệu độc hại để nấu bắp).
- Nên luộc vì đây là cách ăn mang lại hiệu quả cao nhất.
- Nên ăn bắp truyền thống, không nên ăn bắp đã biến đổi gen.
Người bị tiểu đường có ăn bắp được không?
Có ý kiến cho rằng người bị tiểu đường không nên ăn bắp.
Tuy nhiên, cũng có nhiều tư liệu và sách về sức khỏe khuyên người tiểu đường nên ăn bắp. Cụ thể, nếu ăn bắp nguyên hạt ở dạng bắp luộc thì chất xơ và các chất có trong bắp sẽ giúp tăng cường chuyển hóa, kiểm soát bệnh tiểu đường (tránh tăng đường huyết đột ngột).
Ngoài ra, bắp luộc còn tốt cho người bị bệnh mỡ máu cao.
Tuy nhiên, mỗi ngày, mỗi người không nên ăn quá 1 trái bắp luộc (để tránh phản tác dụng).
Ăn bắp và bắp rang bơ có nóng không, có nổi mụn không?
Nếu bạn đang bị mụn thì không nên ăn nhiều bắp vì nó sẽ làm mụn nhiều hơn (chỉ ăn nửa trái bắp luộc thôi nhé và lâu lâu ăn 1 lần).
Và nếu bạn vừa nặn mụn xong thì không nên ăn bắp vì nó sẽ khiến các nốt mụn lâu lành hơn.
Riêng món bắp rang bơ, bắp nướng mỡ hành… thì chúng chứa nhiều chất béo, chất đường và có thể gây nóng trong người, gây nổi mụn, tăng cân…. Vì vậy, hãy cân nhắc trước khi ăn nếu bạn đang thừa cân và bị mụn nhé!
Râu bắp (râu ngô) có tác dụng gì?
Râu bắp thường được biết đến trong các công thức nước mát hay các bài thuốc cổ truyền.
Được biết, râu bắp có chứa vitamin C, K và nhiều hoạt chất khác. Trong y học, nó được biết đến với nhiều công dụng như: giúp thanh nhiệt, an thần, lợi tiểu, tốt cho thận và bàng quang.
Bên cạnh đó, râu bắp còn chữa được bệnh phù thũng, tiểu buốt, cao huyết áp, viêm gan vàng da, viêm đường tiết niệu, viêm túi mật và cải thiện tình trạng nước tiểu vàng.
Cách dùng làm thuốc: lấy 20 – 30 g râu bắp, nấu lấy nước uống.
Lưu ý:
- Không nên uống cùng các loại thuốc Tây hoặc các loại thuốc có tính chất lợi tiểu.
- Không nên uống vào ban đêm.
Trái bắp và kỷ niệm ngày xưa
Hồi tôi còn nhỏ, nhà tôi chuyên trồng bắp để bán vào mùa lúa (bán cho những người vác lúa). Cũng có khi bán vào dịp Tết, đắt nhất là đem đến các sòng bài.
Hồi ấy chưa có bắp Mỹ nên nhà tôi chủ yếu trồng bắp nếp nù. Mỗi cây chỉ chừa 1 trái để nuôi, những trái non còn lại thì bẻ vào, đem xào ăn, ngon đáo để.
Đến khi bắp đủ ngày, cả nhà xúm ra bẻ, chất đầy sân rồi bán sỉ, bán lẻ. Bao giờ cũng vậy, mẹ tôi cũng nấu một nồi để chiều hôm đó, chị em tôi xếp vào thúng, bưng đi bán. Bắp luộc đây! Một trái một ngàn! Vâng, hồi ấy cái gì cũng rẻ!
Hương bắp luộc, bạn còn nhớ không? Thật là thơm.
Cùi bắp luộc, bạn còn nhớ không? Ăn xong không nỡ bỏ. Cứ đưa vào miệng mà mút chút chút. Nước bắp luộc tất nhiên là ngọt rồi (có bỏ đường mà). Lại dằn thêm muối nữa. Cho nên nước mút ra từ cùi bắp còn ngon hơn cả trái bắp.
À, mà ăn bắp, bạn ăn từ từ thôi. Nó không phải là món dành cho người nóng vội.
Đầu tiên là bạn bóc vỏ, ê, coi chừng phỏng! Khói bay nghi ngút kìa. Từ từ thôi.
Đây này, lấy tay túm một đầu, nắm từng lớp vỏ kéo lên từ từ, coi chừng nước nhiễu phỏng chân bây giờ!
Kéo hết vỏ lên thì gỡ tiếp mấy cọng râu bắp, xong mới bẻ cụp ngang phần đầu. Ừ, giờ thì lấy chiếc đũa xỏ vào đi, vỏ xong. Rồi, cầm chiếc đũa ấy, từ từ ăn.
Cứ từ từ thôi, làm cái gì mà cạp cạp vậy! Mất hết sự thanh nhã.
Này, nại từng hạt bắp ra, cho vào miệng, nhai và cảm nhận độ dẻo của nó. Rồi xem, bắp nếp nù ngon hơn bắp thường ở chỗ nào, ngon hơn bắp lai ở chỗ nào… Vừa ăn vừa nhâm nhi tận hưởng như thế, tinh thần mới thư thái thong dong, dạ dày mới tiết ra enzyme tiêu hóa đầy đủ hơn, quá trình tiêu hóa mới hiệu quả hơn…
Mẹo nhỏ khi dùng bắp
- Khi luộc bắp, bạn không nên lột hết vỏ mà nên để lại vài lớp vỏ. Với phần vỏ đã lột, bạn xếp ở đáy nồi rồi đặt bắp lên, đổ nước vào ngập và cho thêm chút muối, sau đó lấy vài lớp vỏ bắp đậy lên phía trên rồi mới đậy nắp và nấu. Như thế, bắp sẽ thơm ngon hơn rất nhiều.
- Để bảo quản bắp trái được lâu hơn, bạn lột sạch vỏ bắp, râu bắp rồi bọc lại bằng màng bọc thực phẩm (hoặc túi nilon), sau đó để vào ngăn mát tủ lạnh.
Thông tin thêm về dầu bắp
Dầu bắp tinh chế là loại dầu thực vật được tinh luyện từ phôi của hạt bắp. Ở các nước phương Tây, dầu bắp được xem như một loại dầu thực vật cao cấp và thường được gọi bằng các tên cao sang, lý tưởng như: dầu trường thọ, dầu an tâm, dầu sức khỏe…
Tư liệu tham khảo
- Bị tiểu đường ăn ngô bắp có được không?, https://caythuoc.org/vi-sao-bap-nguyen-hat-lai-duoc-khuyen-dung-cho-benh-nhan-tieu-duong.html
- Ăn ngô bắp có tác dụng gì, có mập không?, trang vinmec.
- Phụ nữ mang thai ăn bắp ngô có tốt không?, trang hellobacsi.
- Bị mụn có nên ăn ngô bắp không?, trang meotrimuntrungca.
- Quả bắp ngô có công dụng gì, https://caythuoc.org/cay-ngo-bap.html
- Ăn bắp ngô có tăng cân không, trang suckhoedoisong.
- Ăn bắp ngô có tốt không, trang bachhoaxanh.
Xem thêm: Ăn củ su su có tốt không?