Cải thìa có tác dụng gì và làm món gì ngon?
Cách nay 700 năm, người ta đã biết dùng cải thìa (tươi hoặc khô) nấu canh ăn để cung cấp dinh dưỡng và ngăn ngừa bệnh hoại huyết cho những người đi biển nhiều ngày (nhất là những người đi các tàu viễn dương).
Trong y học cổ truyền, cải thìa được xem là thực phẩm dưỡng sinh quý giá, có thể chế biến đa dạng thành nhiều món ăn tốt cho sức khỏe như xào, nấu canh, sốt, hấp, nấu cháo…
Nội dung chính ⇒
Ăn cải thìa có tác dụng gì?
Không chỉ tốt cho đường ruột, giúp nhuận tràng; cải thìa còn giúp lợi tiểu tiện, làm mát cơ thể và ngăn ngừa các bệnh ngoài da do nóng nhiệt phát tiết ra. Vì vậy, nếu bạn hay bị nóng trong người và nổi mụn thì có thể dùng thêm cải thìa để thanh nhiệt.
Không chỉ thế, cải thìa còn được biết đến với công dụng ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh Scorbut. Đây là loại bệnh do thiếu vitamin C gây ra (với các biểu hiện thường thấy như chảy máu tự phát, vết thương lâu lành, thiếu máu, rụng răng, suy nhược, sưng phù một bộ phận nào đó…).
Có được công dụng này là nhờ cải thìa chứa rất nhiều vitamin C (đứng nhất nhì trong các loại rau, thậm chí, ngay cả khi đã phơi khô thì lượng vitamin C còn lại vẫn cao).
Ngoài ra, trong cải thìa còn chứa vitamin A, B và nhiều loại khoáng chất như Ma giê, Sắt, Kẽm…
Các món ăn từ cải thìa tốt cho sức khỏe
Có nhiều cách chế biến cải thìa để làm thành món ăn để hỗ trợ điều trị bệnh, chẳng hạn như:
- Kết hợp với tàu hủ (nấu canh) để giảm mỡ máu.
- Kết hợp với nấm đông cô (hay còn gọi là nấm hương) để bồi bổ tổng quát cho cơ thể (có thể xào).
- Kết hợp với tôm khô (đã tách vỏ), đem xào lên để bổ tim, dưỡng da…
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý không nên nấu cải thìa chung với bí đỏ hoặc dưa leo vì nếu nấu chung thì vitamin C trong cải sẽ bị phân giải, triệt tiêu…
Những người nào nên ăn cải thìa?
Những người bị nội nhiệt nặng (nóng trong người) khiến cho môi khô, sưng nướu, chảy máu chân răng, cổ họng khô khát… thì nên dùng thêm cải thìa trong các bữa ăn (mỗi tuần hai hoặc ba lần là được).
Cải thìa có tên khoa học là gì?
Cải thìa có tên khoa học là Brassica chinensis (đồng nghĩa: Brassica rapa var. chinensis) (1) (2).
Tư liệu tổng hợp
- Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1 (Võ Văn Chi).