Bạn đã ăn chay đúng cách chưa?
Tại sao có người ăn chay thì thon thả, khỏe mạnh hơn còn mình thì lại mập và yếu ớt hơn?
***
Ba năm trước, mình nặng 60 – 63 kg (dù chỉ cao 1m6) và hay bệnh lắm. Lại còn bị mụn nữa.
Bạn mình hỏi: Ê, tui thấy mấy người ăn chay, da mặt họ láng o à, đẹp lắm, còn bà ăn chay sao lại bị mụn he?
Câu hỏi đó như một chiếc khăn voan cứa vào trái tim mình. Ban đêm, mình nằm suy nghĩ: Mình đã sai chỗ nào ta? Mình ăn chay 9 năm, vậy mà máu vẫn nóng, gan vẫn nóng, mặt thì nổi mụn, thây thì mập, ốm yếu…, chắc chắn là mình đã sai chỗ nào rồi!
“Khi cơ thể bạn gặp vấn đề thì có nghĩa là bạn đã làm sai cái gì đó rồi…”.
Ăn chay đúng cách
Bây giờ, khi mặt đã bớt mụn, sức khỏe ổn hơn và bản thân cũng đã ốm thành công (từ 60 – 63 kg giảm còn 55 kg), mình mới nghiêm túc nhìn lại đoạn đường vừa qua của mình.
12 năm ăn chay.
Trong đó, 9 năm đầu, mình chỉ biết ăn thôi.
Còn 3 năm sau, mình mới biết ăn đúng cách.
Thật ra, hồi nhỏ, mình quyết định ăn chay là vì cứ hễ ăn mặn là ói. Hơn nữa, mình thấy đồ chay cũng rất ngon. Thế là ăn.
Ngặt một nỗi, tánh mình rất ham ăn. Cho nên, vào bữa ăn là mình ăn cho tới căng bụng, đi hết nổi mới thôi.
***
Sau này, mình mới biết, mình bị mập và mụn là do ăn quá no và quá vội (hồi đó, mình ăn cơm tầm 5 – 10 phút là xong ak, ăn ào ào, chẳng thèm nhai luôn!).
***
Vì sao ăn quá no lại có hại?
Từ khi còn là một đứa con nít, chúng ta đã quen với những câu hỏi chăm sóc, kiểu như: “Con ăn no chưa? Giở bụng lên coi…”.
Người lớn còn giỡn, vỗ vỗ lên bụng chúng ta: “Ồ, bụng tròn căng luôn he!”.
Đi đám tiệc, người ta cũng hỏi: “Em no chưa? Sao ăn ít vậy? Ăn thêm đi. Cái bụng có thấy gì đâu!”.
Bạn thấy đấy, tâm lý chung của mọi người là phải ăn no cái đã (rồi mới tính cái gì thì tính). Và “ăn là phải no bụng”.
Thật ra, việc ăn uống rất quan trọng.
Sáng phải ăn sáng, chiều phải ăn chiều, nếu không ăn là mình không có sức, nhúc nhích không nổi luôn ak.
Có một lần, mình ngu ngốc giảm cân bằng cách nhịn ăn từ trưa đến chiều. Thế là tối đến, mình nằm trằn trọc mãi, thấy nhức đầu nữa chứ. Sau đó, mình nhắn tin than thở với bạn bè rằng: “Tao bị bệnh mất ngủ rồi!”. Thế là đứa chỉ cách này, đứa chỉ cách nọ.
Tới 12 giờ đêm, mình lọ mọ giở mùng chui ra, nấu gói mì ăn. Trời ạ, ăn xong thì ngủ ngon tới sáng (cạn lời chưa!). Vậy nên, nhịn ăn để giảm cân là một ý tưởng rất ngây thơ, phải không?
Cho nên, đói thì cứ ăn nhưng ăn đúng cách là được.
Muốn ăn đúng cách, điều đầu tiên cần nhớ là: không ăn quá no (chỉ ăn lưng bụng là ngưng).
Điều thứ hai cần nhớ là: Không được ăn vội!
Tụng như thần chú luôn.
Không ăn quá no! Không được ăn vội!
Không ăn quá no! Không được ăn vội!
Không ăn quá no! Không được ăn vội!
…
Vì sao như vậy?
Vì khi bạn ăn quá no, bao tử (dạ dày) của bạn sẽ phải làm việc rất vất vả: nào là tiết ra men tiêu hóa, nào là co bóp, nhào trộn thức ăn với men; rồi còn hấp thu dinh dưỡng một phần nữa… Vì vậy, nếu cứ tiếp diễn lâu ngày thì dạ dày sẽ bị đuối, bị quá tải, bị ABCXYZ…
Trong “Chư bệnh nguyên hậu luận” có phần nói về “thất thương” là bảy điều làm tổn hại cơ thể. Một trong bảy điều ấy chính là “đại bão thương Tỳ”, nghĩa là ăn uống quá no thì sẽ tổn hại Tỳ (trong Đông y, Tỳ Vị là để chỉ hệ tiêu hóa nói chung).
***
Gần đây hơn, trong quyển “Nhân tố enzyme“, tác giả người Nhật là Hiromi Shinya cũng nói rằng: “Người có sức khỏe tốt là người có dạ dày đẹp, ngược lại, người có sức khỏe kém là người có dạ dày không đẹp.”
Vì vậy, ăn quá no thì dạ dày chúng ta sẽ giống như một người 50 kg mà phải vác bao lúa 200 kg vậy. Gánh còng lưng luôn ak!
***
Hơn nữa, khi bạn ăn quá no thì không chỉ hệ tiêu hóa mệt mà hệ bài tiết cũng mệt. Các cơ quan nội tạng khác (như gan, thận…) cũng mệt lây.
Hãy tưởng tượng bạn phải đứng trong một chiếc xe buýt chật kín người, người này lấn qua người kia, xô qua bên nọ, chật chội muốn ngộp thở, không mệt cũng thành mệt. Ăn quá no cũng như vậy đó!
Vậy nên, đừng bao giờ ăn quá no, bạn nhé! Bạn chỉ cần ăn no vừa tới, no lưng bụng, no 70 % thôi.
Như vậy, hiệu quả tiêu hóa sẽ cao hơn, ít có mỡ thừa ứ đọng hơn, cơ thể bạn cũng thấy nhẹ nhàng hơn!
Còn ăn vội cũng có hại, vì sao?
Ví dụ nhé. Bạn đưa mình một quầy dừa tươi rồi kêu mình sơn màu lên cho đẹp (để trang trí ngày Tết) thì mình sẽ sơn rất tỉ mỉ trong 1 ngày.
Còn nếu bạn đưa mình 100 trái dừa, ừ, thì cũng trong thời gian quy định đó, mình sẽ sơn vội để đủ dừa cho bạn, để bạn có đầu ra, có điều là sẽ bị sót tùm lum vì mình sơn đâu có giáp hết.
Ăn nhiều, ăn vội cũng như vậy đó! Cơ thể sẽ có sai sót ở chỗ nào đó… vì men tiêu hóa có kịp thấm đều thức ăn đâu!
(Ghi chú: mình không có bán dừa, cũng không biết sơn luôn nha, ở đây là mình ví dụ ak).
Cho nên, nếu bạn mê điện thoại, mê chơi, gấp làm việc… rồi nhai ào ào, ăn trong 5 phút (như mình của trước đây) thì về lâu dài sẽ rất có hại.
Bạn sẽ không hấp thu được tối đa tinh hoa từ ngũ cốc (dinh dưỡng từ thức ăn). Chưa kể, ăn vội vàng, nhai không kỹ còn gây ra nhiều hậu quả như:
– Đau bao tử (tổn thương niêm mạc dạ dày).
– Tăng nguy cơ béo phì (vì não chưa kịp gửi tín hiệu “no, no, ngưng ăn đi baby”… thì bạn đã ăn hết bữa rồi). Ô la la!
– Hệ tiêu hóa suy kiệt (Bao Tử said: “Cái thằng răng nó nhai ẩu nhai tả, để đồ ăn xuống tới đây mà còn nguyên miếng tùm lum, mệt thiệt chứ, bây giờ tùm lum công việc mà còn phải ngồi nhồi bóp mấy cục to tướng này nữa, sao không đập vào đầu tao luôn đi…” huhu).
***
Vậy nên, chốt lại, mình bị mập là do ăn quá no mà còn ăn vội nữa. 2 tội luôn.
Nhớ nha, bạn phải nhai chậm để cho các loại enzyme trong nước bọt thấm nhuần, hòa quyện vào từng mảnh thức ăn (… trời ạ, đoạn này giống quảng cáo quá….).
Mình sẽ kể tiếp ở bài sau nha. Bài này dài quá.

Ăn chay 10 ngày là những ngày nào?
Theo Phật giáo và Cao Đài giáo thì ăn chay 1 tháng 10 ngày là ăn vào các ngày Âm lịch sau đây: mùng 1, mùng 8, ngày 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30. Nếu là tháng thiếu thì ăn thêm ngày 27.
Xem thêm: Giảm cân đúng cách là như thế nào?
Keyword: Ăn chay đúng cách