Cây rau răm quen thuộc đến nỗi ít ai biết rằng hoa của nó rất đẹp. Không chỉ thế, toàn cây rau răm còn là vị thuốc quý trong y học cổ truyền.

Rau răm có tác dụng gì, chữa bệnh gì?
Trong công trình “Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2“, nhà nghiên cứu Võ Văn Chi đã ghi nhận ít nhất 7 bài thuốc hữu hiệu có dùng rau răm.
1. Rau răm tính ấm, giúp hỗ trợ tiêu hóa
Theo y học cổ truyền, rau răm có tính ấm, giúp kích thích tiêu hóa và chữa đầy bụng, khó tiêu.

Đặc biệt, với trường hợp lạnh bụng khiến cho khó tiêu, dễ buồn nôn sau khi ăn thì dùng rau răm sẽ có tác dụng rất tốt.
Cách dùng như sau: lấy 20 g lá rau răm tươi, rửa sạch rồi nấu nước uống (nếu ăn cay được thì có thể ăn sống rau răm hoặc xay nát, vắt lấy nước uống đều được).
2. Rau răm chữa chứng đau tim bất chợt không chịu nổi
Gặp trường hợp này, ta nhổ ngay rễ cây rau răm (chỉ dùng rễ tươi), liều lượng khoảng 50 g, rửa sạch, xắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước, chắt ra, sau đó lấy nước ấy hòa với một chén rượu rồi uống (mỗi lần uống 1 chén).
3. Chữa chứng say nắng chết khát vào mùa hè
Cách dùng rất đơn giản: bạn chỉ cần hái một ít rau răm tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước ép rồi nấu cho sôi thì tắt bếp, đợi bớt nóng thì uống.
4. Chữa chứng chán ăn, mất cảm giác ngon miệng khi ăn
Rau răm kích thích tiêu hóa nên chỉ cần ăn sống từ 10 – 20 g là chứng chán ăn sẽ được cải thiện (nếu không ăn cay được thì lấy 10 – 20 g cả cây rau răm, nấu lấy nước uống, lưu ý uống sau bữa cơm).

5. Chữa chứng tê bại hoặc tụ máu bầm
Với trường hợp này, bạn hái một lượng rau răm vừa đủ, rửa sạch, xay nát rồi trộn với long não (có thể mua ở các tiệm thuốc Bắc), sau đó xoa lên những chỗ tê đau.
6. Sơ cứu khi bị rắn cắn
Nếu không may bị rắn cắn, bạn có thể tìm và hái nay một ít rau răm, nhai và nuốt cả cây tươi (hoặc hái 20 ngọn rau răm rồi giã nát, sau đó hòa với một ít nước, vắt lấy nước uống), phần xác thì đắp lên chỗ bị rắn cắn, sau đó nhanh chóng đưa đến trạm y tế.
7. Chữa các bệnh ngoài da
Với các bệnh ngoài da như sâu quảng, ghẻ lở, chốc…; bạn có thể lấy một lượng rau răm vừa phải (dùng cả cây), cắt nhỏ rồi ngâm rượu.
Mỗi khi dùng, bạn lấy rượu này thoa lên và nên thực hiện nhiều lần như thế để thấy hiệu quả.
Nếu không thích ngâm rượu, bạn cũng có thể giã nát cây tươi rồi đắp lên và dùng vải băng lại, khi thấy khô nước thì gỡ ra (cách dùng này cũng có hiệu quả với bệnh hắc lào).
Ăn rau răm nhiều có tốt không? Tác hại của rau răm
1. Rau răm có nhiều công dụng quý nhưng trong đời sống hàng ngày, bạn chỉ nên ăn vài lá để kích thích tiêu hóa, làm ấm bụng, không nên ăn nhiều. Khi dùng làm thuốc, nếu thấy khỏi bệnh thì ngưng.

Đó là vì theo kinh nghiệm dân gian, nếu ăn quá nhiều rau răm sẽ gây tổn hại về mặt sinh lý (ở cả nam và nữ).
Với nam giới, dùng quá nhiều rau răm (hơn 20 g) trong thời gian dài có thể làm kém cường dương tráng khí, làm giảm ham muốn (vì vậy, những người tu hành độc thân thường ăn rau răm để tránh những cơn “bốc hỏa”, ham muốn sinh lý).
Với nữ giới, dùng quá nhiều rau răm cũng sẽ khiến chân huyết khô đi, kinh nguyệt thất thường.
2. Ngoài ra, rau răm còn gây phá huyết nên các bà bầu không được dùng.
3. Với các chị em đang trong kỳ kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt không đều, hay trễ kinh, tắc kinh… thì cũng không nên dùng.
Về vấn đề rau răm gây giảm ham muốn ở phái mạnh, dùng bao nhiêu là đủ, cách dùng rau răm ăn với hột vịt lộn…; bạn có thể xem thêm tại bài viết sau: Sự thật về rau răm: tăng cường hay ức chế ham muốn sinh lý?
Ăn rau răm có làm ngưng kinh nguyệt?
Theo kinh nghiệm dân gian, nếu bạn đang có kinh mà ăn nhiều rau răm (hoặc uống nước ép rau răm) thì sẽ bị ngưng kinh.
Nhìn chung, khi ăn rau răm, bạn chỉ nên dùng một lượng vừa phải để làm rau gia vị, giúp món ăn thơm ngon và kích thích tiêu hóa tốt hơn; không nên ăn quá nhiều để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý.
Bà bầu ăn rau răm được không?
Như đã nói, bà bầu không được ăn rau răm vì rau răm có tính phá huyết, gây sảy thai.
Nguồn tổng hợp
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, HN, 2018, trang 538.
- Rau răm, https://vi.wikipedia.org/wiki/Rau_r%C4%83m