Ăn rong sụn có tác dụng gì và khi ăn cần lưu ý điều gì? Mời các bạn cùng Cây Hoa Lá tìm hiểu nhé!
Rong sụn là loại rong biển có màu trắng trong, các rễ nhánh mọc nhiều và đàn hồi như chất sụn, khi ăn vào có vị lạt hoặc hơi mặn.
Được biết, đây là loại rong rất tốt cho sức khỏe và rất thanh mát nên hợp với những người hay bị các bệnh do nóng nhiệt.
Nội dung chính ⇒
Ăn rong sụn có tác dụng gì?
Rong sụn nổi tiếng với tác dụng thanh nhiệt và giải khát, làm mát cơ thể. Không chỉ thế, theo kết quả nghiên cứu, rong sụn còn là loại thực phẩm lành mạnh giúp chống oxy hóa và bảo vệ sức khỏe con người (2).

Đối với hệ tiêu hóa, rong sụn được xem là loại thực phẩm tốt cho đường ruột vì nó giúp nhuận tràng, dễ đại tiện, tiểu tiện hơn và cũng đồng thời giúp giảm táo bón, bệnh trĩ (do nóng nhiệt). Trên thực tế, những người hay nóng trong người và khó đi đại tiện hễ ăn rau câu hay rong sụn, phổ tai là đi đại tiện dễ lại.
Ngoài ra, ăn rong sụn còn giúp giảm mụn do nóng trong người, nhờ thế mà da dẻ các chị em cũng trẻ đẹp hơn.
Theo thông tin từ trang penzai.com, rong sụn còn giúp giảm mỡ máu, tăng cường miễn dịch và phòng ngừa ung thư.

Với những người hay mệt mỏi, bị bệnh tim mạch hay tiểu khó, viêm bàng quang, sỏi mật, béo phì hay rối loạn chức năng gan thì ăn rong sụn cũng có tác dụng hỗ trợ nhất định. Chính vì vậy, với các chị em muốn giảm cân thì hãy bổ sung thêm rong sụn vào khẩu phần ăn của mình nhé.
Tuy nhiên, những người tỳ vị hư hàn, hay bị lạnh bụng, tiêu chảy thì không nên ăn (trên thực tế nếu ăn quá nhiều rong sụn trong một ngày thì bạn sẽ dễ bị tiêu chảy hơn) (1).
Cách dùng rong sụn rất đơn giản: bạn chỉ cần ngâm rong sụn trong nước lã thông thường, sau 1 tiếng trở lên thì rửa lại nhiều lần rồi ăn.
Liều lượng: Mỗi tuần chỉ nên dùng từ 2 – 3 lần, mỗi lần dưới 1 ly.
Thông tin thêm: Rong sụn còn là nguyên liệu để nấu món sâm bổ lượng truyền thống của người Hoa (vừa bổ vừa mát).

Xem thêm: Thành phần nguyên liệu và cách nấu sâm bổ lượng
Cách làm nước mát thanh nhiệt, giảm mụn từ mủ gòn, rong sụn, phổ tai và hạt é
Bạn có thể pha một ly rong sụn với đường phèn rồi cho nước đá vào ăn, rất ngon đấy! Tuy nhiên, thông thường, để ly nước mát có màu sắc hấp dẫn hơn và ngon hơn, người ta thường pha rong sụn cùng với phổ tai, mủ gòn và hạt é.
- Rong sụn thì ngâm trong nước lã rồi đợi nó nở to ra thì rửa lại nhiều lần, sau đó vớt ra (lưu ý không ngâm trong nước nóng vì nếu ngâm nước ấm nóng thì nó sẽ bị nhũn chảy mềm ra và cọng rong cũng nhỏ lại, nước pha cũng sẽ bị nhầy, không ngon).
- Hạt é thì bạn ngâm trong nước uống thông thường cho đến khi nở to là được.
- Phổ tai thì bạn cũng ngâm trong nước thông thường cho đến khi nở rồi rửa lại nhiều lần, rửa cho đến khi nước không còn nhớt nữa (thường là rửa 5, 6 lần).
- Mủ gòn thì bạn ngâm lâu hơn, thường là từ 1 ngày cho mủ nở to đều, sau đó cắt bỏ các phần gỗ (nếu có dính vào mủ), sau đó rửa lại và vớt mủ ra.
Các thành phần trên bạn pha chung cũng được, hoặc có bao nhiêu thì pha bấy nhiêu, sau đó cho đường phèn vào, thêm đá và thưởng thức.
Ngoài ra, nếu bạn có sương sâm thì bạn cho vào uống chung cũng rất ngon đấy nhé!
Xem thêm: Cách vò lá sương sâm để làm thạch sương sâm, ăn sương sâm mang lại lợi ích gì?
Tư liệu tổng hợp
- 鹿角菜和龙须菜的区别, 龙须菜的禁忌, https://www.penzai.com/huahuizhongzhi/2160.html, ngày truy cập: 06/09/2020.
-
Antioxidant activity, Total Phenolic and Flavonoid Contents of Selected Commercial Seaweeds of Sabah, Malaysia, https://www.researchgate.net/publication/260062017_Antioxidant_activity_Total_Phenolic_and_Flavonoid_Contents_of_Selected_Commercial_Seaweeds_of_Sabah_Malaysia, ngày truy cập: 06/09/2020.