Atiso là loại trà thanh nhiệt rất phổ biến hiện nay.
Tuy nhiên, bạn có thắc mắc nên uống trà từ hoa hay từ lá của cây thì sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất không? Uống atiso có tác dụng gì?
Vâng, đáp án chính là tùy mục đích sử dụng của bạn.
Hiện nay, trên thị trường đa phần bán các sản phẩm từ hoa atiso. Tuy nhiên, có những loại bệnh chúng ta phải dùng lá atiso thì mới hiệu quả, bạn nhé!
Nội dung chính ⇒
Hoa atiso có ăn được không?
Hoa atiso có chứa chất đạm (3.15%), chất béo (0.1 – 0.3%) và đường (11 – 15%). Điều quan trọng là loại đường tự nhiên này không gây hại mà còn có lợi cho bệnh nhân tiểu đường.
Ngoài ra, hoa atiso còn chứa vitamin A, vitamin B1, B2, C… và các khoáng chất như Mangan, Sắt, Phosphor…
Được biết, sau khi chế biến, hoa atiso có thể ăn được và các cách chế biến thường thấy là luộc, hấp, nhồi thịt, nhồi đậu hủ, nấu lẩu… (dùng cụm hoa chưa nở).
Uống trà hoa atiso có tác dụng gì, điều trị bệnh gì?
Theo y học cổ truyền, sau khi nấu chín và ăn như món ăn thông thường, hoa atiso sẽ mang lại các lợi ích như:
- Bổ dưỡng cơ thể và tăng lực.
- Giúp lợi tiểu, giảm mỡ máu, thanh lọc cơ thể.
- Giúp trợ tim, chống độc.
- Giúp thúc đẩy sự tiết mật và bổ gan.
- Giúp mát gan, điều trị chứng đau gan và viêm gan cấp tính.
- Là món ăn dễ tiêu hóa, giúp giảm đau bao tử.
- Kích thích ăn ngon, lợi sữa (tăng tiết sữa) ở phụ nữ sau sinh.
- Hỗ trợ tốt cho người bị tiểu đường.
Cách dùng: Hoa atiso cần được chế biến thành các món ăn, thường sẽ là chẻ hoa theo chiều dọc và hầm cùng với thịt, sau đó ăn và uống cả nước (với món này thì bạn nên nêm lạt một chút để dễ uống nước hầm).
Những lưu ý khi nấu hoa atiso
- Khi nấu hoa atiso (hầm, hấp, nấu nước uống…), bạn nên dùng nồi thủy tinh (hoặc nồi inox, nồi sứ, đất) để nấu; không nên nấu bằng nồi nhôm hoặc nồi gang (vì nếu nấu bằng các loại nồi này thì nước nấu có thể sẽ đắng và hương vị của hoa cũng kém ngon).
- Khi làm sạch hoa, bạn nên gọt bỏ lớp vỏ của đế hoa (vì nó hơi cứng) và nếu bạn làm thành món ăn thì nên móc bỏ nhị hoa bên trong luôn nhé.
- Hoa atiso dễ bị ngả màu sau khi cắt ra, vì vậy, bạn nên chế biến ngay sau khi cắt (hoặc lấy miếng chanh chà lên lát cắt rồi đem ngâm hoa trong nước muối).
- Chỉ dùng với lượng vừa đủ, không nên lạm dụng, bạn nhé!
Lá atiso có công dụng gì, điều trị bệnh gì?
Lá atiso có chứa chất kết tinh và chất này thường là phức hợp với các chất khác như Kalium, Calcium, Natrium và Magnesium.
Đáng chú ý, trong lá atiso tươi có chứa cynarin. Chất này có nhiều công dụng như:
- Giúp lợi mật, thông mật.
- Giúp bảo vệ gan.
- Giúp giảm cholesterol trong máu.
- Tăng sự bài niệu.
Ngoài ra, lá atiso còn được biết đến với các công dụng quý như:
- Chữa bệnh vàng da do viêm gan, thiểu năng gan.
- Chữa bệnh viêm thận cấp tính và mãn tính.
- Giúp tẩy máu, làm trẻ hóa tế bào.
- Giúp nhuận tràng.
- Điều trị gút, sỏi niệu đạo.
- Điều trị thấp khớp, thủy thũng.
- Điều trị xơ vữa động mạch có kèm theo các triệu chứng như: ù tai, choáng váng, nhức đầu, tê liệt ngón tay, thừa urê trong máu (thừa urê huyết) và hiện tượng ruồi bay.
Cách dùng: nấu lấy nước uống từ 10 – 20 g lá tươi mỗi ngày (chỉ dùng phiến lá của những cây chưa ra hoa và nhớ rọc bỏ phần cuống lá vì phần này rất ít dược chất). Nếu dùng lá khô thì sắc uống từ 5 – 10 g mỗi ngày (không được dùng quá liều).
Hiện nay, trên thị trường có bán nhiều dạng atiso khác nhau như:
- Dược liệu khô, dược liệu tươi.
- Dạng cao atiso.
- Dạng trà túi lọc.
- Dạng thuốc viên, thuốc nước.
Vì vậy, tùy hướng dẫn của thầy thuốc và bác sĩ mà bạn chọn loại phù hợp nhé!
Lưu ý khi dùng trà atiso
- Dùng đúng liều lượng, không lạm dụng (vì atiso là một vị thuốc thực thụ, nếu dùng quá liều sẽ gây mệt mỏi cả ngày và nhiều tác dụng phụ khác, thậm chí làm hại gan).
- Nếu dùng trà túi lọc thì chỉ nên dùng 1 túi nhỏ mỗi ngày hoặc theo hướng dẫn của thầy thuốc.
- Người huyết áp thấp, sợ lạnh, hay bị lạnh bụng, trướng bụng, thể tạng hư hàn… không nên uống trà atiso (vì sẽ khiến mệt mỏi, bủn rủn, choáng váng, tụt huyết áp…).
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú không nên dùng.
- Người bị sỏi mật hoặc tắc nghẽn ống mật cũng không nên dùng.
- Không nên pha cùng gừng.
- Không dùng lúc đói.
Cách trồng Atiso
Có thể khẳng định rằng: atiso là vị thuốc quý, nổi tiếng với tác dụng lợi mật từ nhiều thế kỷ nay. Không chỉ giúp kích thích sự bài tiết mật, atiso còn kích thích tiêu hóa và tăng cường chức năng bài tiết của thận.
Vì vậy, atiso được trồng rất nhiều ở Tây Nguyên (Đà Lạt) và các tỉnh phía Bắc.
Cây atiso thường được trồng từ các cây con (mọc ra từ gốc cây mẹ). Ngoài ra, ta cũng có thể trồng cây từ hạt (nhưng phải là hạt giống tốt, thường là hạt giống nhập khẩu thì mới có tỉ lệ nảy mầm cao).
Tư liệu tham khảo
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018.