Theo bạn, thế nào là người tôn quý?
Người tôn quý không phải là người có quyền cao chức trọng, cũng không phải là người giàu có.
Người tôn quý thực sự chính là có được ba điều sau:
Nội dung chính ⇒
1. Nhân ái làm nên người tôn quý
Đứa con của bạn bị té ngã, trầy xước, bạn thấy xót lòng, đó là tình thân.
Đứa con của bạn gặp nguy hiểm; bạn liều mình, thậm chí hy sinh tính mạng của mình, làm những việc mà bản thân trước đây sợ hãi nhất…; đó vẫn là tình thân.
Thế nhưng, khi thấy một người xa lạ bị đau đớn; đột nhiên, trong lòng bạn cũng thấy xót xa, đó chính là biểu hiện rõ ràng nhất của lòng nhân ái (yêu thương cả những người không có mối quan hệ máu mủ ruột thịt với mình).
Vì sao nhân ái làm nên sự tôn quý?
Tôi từng xem một cảnh quay ngắn về nạn đói ở Châu Phi.
Từ trên xe, một người phụ nữ ăn mặc sang trọng bước xuống.
Trước mặt bà, những đứa trẻ đói đến mức không còn sức nói chuyện. Mắt chúng lờ đờ, chỉ còn bàn tay trơ xương đang cào vào đống cát như để tìm gì đó và khi thấy bà, chúng tiến lại gần, toàn thân như một bộ xương khô.
Đột nhiên, bà ấy ngồi xuống, ôm mặt khóc nức nở.
Giây phút đó, tôi hiểu rằng chính là lòng nhân ái.
Nhân ái khiến con người giàu lòng trắc ẩn hơn
Lại có một lần, tôi thấy mấy đứa nhỏ đang ngồi xúm lại. Tôi tiến lại gần, thì ra chúng nó đang chôn một con chim. Trong số 5 đứa con nít đang ngồi xem ấy, có một bé gái khóc sụt sịt, đôi mắt và lỗ mũi đều đỏ hoe.
Và có lẽ bạn cũng như tôi, từng thấy những đứa trẻ khóc lóc thảm thiết khi bố mẹ chúng đòi cắt cổ vịt, cắt cổ gà hay làm thịt những con vật xung quanh.
Chúng nó ôm mãi con vật không buông, tay vuốt cái cổ rồi vuốt cái đầu, đụng cái chân, cái mình… quyến luyến, đau đớn, sợ hãi như bạn thân mình sắp bị làm thịt vậy. Đôi mắt ngây thơ ấy, không sâu sắc nhưng mãnh liệt khẩn cầu lòng thương từ người lớn.
Bạn biết không, lòng nhân ái không chỉ là tình thương đối với con người mà còn đối với con vật và những thứ mà ta đã từng gắn bó.
Thật vậy, ta có thể cảm thông cho một người thích nuôi chó nhưng vẫn thích ăn thịt chó, vì lựa chọn ăn uống là quan điểm cá nhân của mỗi người.
Thế nhưng, thật khó để hình dung một người nuôi chó mà sau đó lại ăn thịt chính con chó của mình…
Cũng như thật khó hình dung một người ngày ngày nâng niu con mèo trên tay, ôm hôn nó rồi ngày kia cầm dao cắt cổ nó…
Đối với những thứ đã từng gắn bó và nảy sinh tình cảm, chúng ta còn không nỡ làm tổn thương, huống hồ lại gây tổn hại, đoạn tuyệt sinh mạng của nó?
Và bạn tin điều này không?
Có những người giữ mãi chiếc xe bị hỏng, không bán đi vì đó là chiếc xe đã cùng họ vào đời, vượt qua những ngày tháng gian khổ nhất.
Có những người giữ mãi cái bếp gas cũ, cái điện thoại cũ, một chiếc lược, một lá thư…
Cũng như mẹ tôi giữ mãi cái bàn nạo dừa bằng gỗ…
Giữa họ với những đồ vật ấy có một sự liên kết yêu thương khó tả. Và nếu bạn đã từng trải qua, bạn mới hiểu vì sao có những người đi xa trở về, việc đầu tiên họ làm lại là cúi mặt xuống, hôn lên mảnh đất quê hương.
Lòng nhân ái sinh ra dũng cảm.
Thật sự như vậy. Có lẽ bạn đã nghe không ít câu chuyện về những vị lãnh tụ không ngại hiểm nguy, xông pha để cứu đất nước. Nói một cách khác, đó là cứu những người xa lạ.
Nếu không có lòng nhân ái, làm sao họ có thể làm được điều đó?
Câu chuyện trên có lẽ còn xa lạ. Thế nhưng, có một câu chuyện khác gần gũi hơn. Đó là những tấm gương cứu người chết đuối.
Bạn biết đấy, cứu người chết đuối là việc làm rất nguy hiểm, đòi hỏi người thực hiện phải giỏi bơi lội và biết phương pháp cứu người. Nếu không, trong lúc hoảng loạn, người sắp chết đuối sẽ bám chặt lấy họ, khiến họ đuối sức theo (đã có không ít trường hợp những người bơi ra sông cứu người chết đuối nhưng lại bị chết đuối theo).
Rất nhiều người, sau đó đã rút kinh nghiệm và đưa ra lời khuyên rằng: khi thấy người chết đuối, hãy đứng trên bờ và tìm nhánh cây cho người đuối nước nắm lấy, nếu họ không nắm được thì ta mới tiếp cận từ sau lưng và dùng chân hoặc tay đẩy họ vào bờ, tuyệt đối không ôm lấy họ trong trạng thái mặt đối mặt và cũng không để họ nắm lấy mình.
Thế nhưng, dường như ít ai đặt câu hỏi rằng: động lực nào đã giúp những người ấy quyết định cứu người chết đuối, điều gì đã giúp họ trở nên dũng cảm như vậy?
Vâng, chính là lòng nhân ái: không nỡ lòng nhìn người khác lâm vào cảnh nguy nan.
2. Tiết kiệm làm nên người tôn quý
Có người nói: tiết kiệm làm mất phong độ, như vậy làm sao có thể trở thành người tôn quý được?
Thật ra, tiết kiệm khác với hà tiện và không làm mất phong độ mà ngược lại, tiết kiệm còn giúp bạn trở nên cao quý hơn, được nhiều người tôn trọng hơn.
Bạn biết đấy, một trong những bí quyết làm giàu chính là tiết kiệm. Thực hành tiết kiệm thì mới thoát khỏi nghèo khó.
Ông bà ta có câu “phú quý sinh lễ nghĩa” còn chúng ta thì chẳng phải vẫn thường hay nói “nghèo hèn” với lại “giàu sang” sao?.
Chữ “giàu” đi cùng với chữ “sang” là bởi khi bạn có tiền; bạn mới có thể sống một cuộc sống sung túc, rộng rãi, không phải lo thiếu trước hụt sau. Thứ gì cần mua thì mua, quà cáp tặng phẩm cho hàng xóm, ông bà cũng không cần đắn đo, dè sẻn.
Khi mua bó rau, bạn không cần phải bắt chẹt giá chỉ vì con bạn sắp đóng tiền trường, bởi bạn biết, người bán rau kia kiếm tiền cũng không dễ dàng gì.
3. Không dám đứng trước thiên hạ
Người không dám đứng trước thiên hạ là người thế nào?
Là người khiêm cung, không háo thắng và cũng không thích thể hiện. Ở họ toát lên khí chất của bậc “chân nhân bất lộ tướng”. Rõ ràng là nội tâm sâu sắc, trí tuệ cao vời nhưng lại từ tốn, nhún nhường người khác. Họ cho người khác cơ hội được thể hiện còn họ thì lui về hậu phương quan sát và hỗ trợ. Phẩm chất này thường thấy ở những bậc lãnh đạo cao cấp.
Cho nên, phẩm chất thứ ba làm nên người tôn quý chính là khiêm cung, không dám đứng trước thiên hạ mà làm chủ được thiên hạ.
Xem thêm: Có phải chúng ta đã quá lụy tình?