Bạn có thấy, khi chúng ta bị đứt tay, máu chảy ra rồi dần dần đông lại và vết thương cũng dần lành lại không?
Và không chỉ thế, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra nước bọt của chúng ta cũng chứa nhiều loại enzyme giúp kháng khuẩn, chống viêm và làm lành vết thương. Vì vậy, khi đứt tay, nhiều người đưa ngón tay lên miệng mút lấy, mục đích là để nước bọt làm lành vết thương.
Những năng lực này sẵn có và thuộc về bản năng. Giống như con mèo, con chó, khi bị thương, nó liền liếm láp vết thương ấy và nằm nghỉ ngơi. Dần dần, vết thương ấy được chữa lành.
Có thể thấy, ngoại trừ những vết thương sâu, làm tổn hại đến tính mạng, thân thể thì những vết thương nhẹ đa phần đều được cơ thể tự chữa lành. Ngay cả từng tế bào da của chúng ta cũng rất giỏi: Nếu chẳng may bạn bị gai đâm, chỗ bị đâm ấy sẽ báo tín hiệu “không chấp nhận” những phần tử không thuộc về nó (những thứ không giống nó) và bắt đầu sưng đỏ ở chỗ ấy, thậm chí là làm mủ. Và bằng một cơ chế nào đó, các tế bào da sẽ đẩy những thứ “ngoại tộc ấy” ra khỏi cơ thể, không để lẫn vào mình.
Khi chúng ta bị mụn, bạn có thấy mụn trên da cũng không bao giờ bị hòa vào các tế bào da mà có phạm vi riêng của nó và khi nó già, chúng ta nặn thì nó sẽ trồi ra (hoặc tự trồi và rơi ra). Khi cơ thể bị mất cân bằng, da của chúng ta cũng giảm khả năng thanh thải và lúc này, các nốt mụn không dễ bị đẩy ra mà dính lại và viêm nhiễm ở đó, thậm chí trở thành tàn nhang.
Cho nên, bí quyết làm đẹp da tốt nhất chính là làm sao cho da khỏe, để nó tự chống lại và bài trừ những chất thải, đồng thời bảo vệ nó trước các tác nhân mà đôi khi chúng ta không phát hiện được. Danh y Hippocrate từng nói: “Bản năng của người bệnh cũng chính là bác sĩ của người ấy“. Bạn có thấy vậy không?
Với vết thương lòng cũng vậy. Bạn hoàn toàn có thể chữa lành nó.
Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng vết thương lòng chính là một phần của tâm hồn. Cho nên, bạn đừng sợ hãi cũng đừng chối bỏ, thù ghét nó. Hãy chấp nhận nó.
Khi bạn đã chấp nhận sự thật rồi thì có còn gì đáng buồn nữa đâu.
Thật vậy, sau khi chấp nhận những điều đã xảy ra đối với mình, ghi nhận nó, bạn sẽ thấy nó không còn đáng sợ nữa.
Từ trong tổn thương, bạn rút ra được bài học để lần sau không mắc phải. Chỗ này có gai này, chỗ này có nguy hiểm này…, lần sau sẽ không dại dột bước vào.
Vượt qua những hoàn cảnh không như ý, tâm hồn bạn sẽ trở nên già dặn, sâu sắc và đằm thắm hơn.
Cho nên, lúc bị tổn thương trong tâm hồn, đừng mong cầu ai đó sẽ kéo bạn ra khỏi bế tắc ấy. Những người đó, bạn vẫn cần lắm chứ!. Được họ cố vấn, bạn sẽ có hướng đi đúng và có thêm động lực. Thế nhưng, muốn mạnh mẽ bước ra với một tâm hồn của kẻ chiến thắng nghịch cảnh thì chính đôi chân bạn phải bước đi.
Thật ra, chúng ta cố chấp trước một vấn đề xảy ra, chúng ta cho rằng nó như vậy và rồi mặc định rằng nó sẽ luôn như vậy. Bị người khác làm tổn thương, chúng ta tự nói với mình rằng: Suốt đời này tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác này!
Thật ra, có những người hận đến lúc chết, yêu đến lúc chết… không quên được một số chuyện… cho đến chết, chẳng qua cũng vì cố chấp mà thôi. Thỉnh thoảng, họ lại nhớ câu chuyện đó thì làm sao mà quên được?
Còn những người thấu hiểu hơn, họ sẽ nhớ bài học mà mình nhận được thay vì nỗi đau và sự tổn thương. Họ không thấy hoàn cảnh họ vừa trải qua là bất hạnh mà thông qua đó thấy được bài học. Họ bắt đầu hiểu mình hơn và phát triển bản thân hơn.
Theo năm tháng, những cảm giác đau thương tiêu cực đó sẽ giảm dần và đến một ngày nào đó, nó sẽ biến mất. Lúc đó, nếu bạn có vô tình nhớ lại, bạn cũng sẽ không thấy đau khổ nữa. Sự thật là vậy! Liều thuốc tốt nhất chính là thời gian.
Có những cuộc tình, trải qua thời gian, ta mới biết cái ta nhận được là viên thuốc bổ hay viên thuốc giã rượu giúp ta tỉnh mộng. Có những chuyện buồn mà thời gian là viên thuốc giảm đau hữu hiệu nhất. Có những tổn thương mà thời gian là viên thuốc liền sẹo, chữa lành.
Hôm nay, bạn có còn nhớ những chuyện buồn nào xảy ra vào 5 năm trước không? Nếu có thì nó còn quan trọng không? Chắc chắn là không rồi.
Cho nên, có nhiều người nói rằng: tôi có đang mù quáng trong mối quan hệ này không? Câu trả lời chính là: hãy để thời gian làm sáng tỏ. Con người chúng ta đặc biệt lắm: khi mệt mỏi đã đủ, không cầm nổi nữa thì tự khắc sẽ buông tay.
Cuối cùng, thứ bạn cần nhất có lẽ vẫn là một ngày cho bản thân. Một ngày dừng lại công việc, ngừng suy diễn, ngừng trách móc, ngừng tủi hổ, ngừng khổ đau… để dành cho chính mình, tận hưởng phút giây hiện tại.
Hãy nấu một món ăn bạn thích, mở bản nhạc bạn muốn nghe và tìm một không gian yên tĩnh để di dưỡng tinh thần. Và tự hỏi chính mình xem: Mình muốn gì? Mình phải làm gì?
Thật vậy, nuôi dưỡng tâm tính tốt nhất là sự yên tĩnh. Khi đó, bạn sẽ nghe, sẽ hiểu được tiếng lòng mình.
Xem thêm: Tổn thương đó, bạn đã chữa lành chưa?