Bạch chỉ là vị thuốc Bắc vừa có tác dụng điều trị bệnh, vừa giúp làm đẹp.
Nội dung chính ⇒
Vị thuốc bạch chỉ mua ở đâu?
Bạn có thể mua bạch chỉ ở các hiệu thuốc Bắc hoặc mua online (nếu mua online thì phải chọn nhà cung cấp uy tín để tránh mua nhầm hàng bị xông quá nhiều lưu huỳnh, bạn nhé!).
Dược liệu bạch chỉ có tác dụng gì?
Vị thuốc bạch chỉ trong y học cổ truyền là rễ cây hương bạch chỉ, có tên khoa học là Angelica dahurica (ngoài ra còn dùng rễ của xuyên bạch chỉ – Angelica anomala – tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thì không nên dùng xuyên bạch chỉ vì nó có chứa hoạt chất gây tăng huyết áp, nôn mửa, co giật, tê liệt… nếu dùng với liều cao).
Trong Đông y, bạch chỉ được biết đến với các công dụng như:
- Giúp máu huyết lưu thông.
- Thúc đổ mồ hôi (vì thuốc có tính ấm).
- Giúp giảm nhức đầu, hoa mắt và điều trị cảm mạo (cảm lạnh).
- Làm thông kinh nguyệt, điều trị đau bụng kinh (do trễ kinh).
- Giúp giảm đau nhức xương khớp.
- Trị bệnh sốt xuất huyết.
- Trị viêm xoang (có kèm chảy nước mũi nhiều và hôi tanh).
- Trị chứng đại tiện ra máu, xích bạch đới, chảy máu cam, viêm ruột.
Cách dùng làm thuốc: lấy 3 – 6 g bạch chỉ (đã thái mỏng, phơi khô), nấu lấy nước rồi chia thành 2 lần uống trong ngày. Thuốc có vị hơi đắng và the the, có mùi hương đặc trưng, nhìn chung cũng không khó uống.
Dùng làm thuốc ngoài da
Bạch chỉ còn được dùng ngoài da trong các trường hợp như:
- Ghẻ lở, sưng vú và lao hạch (tràng nhạc): lấy một lượng vừa đủ, giã nát, hòa thêm chút nước cho sệt rồi đắp lên (đắp 2 lần mỗi ngày, sau 2 ngày nếu không thấy thuyên giảm thì nên đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị thêm).
- Giúp giảm nhức răng do lỗ răng sâu (giảm tạm thời): lấy một lượng vừa đủ, cũng giã nát rồi lấy tăm bông (bông gòn) chấm vào bột ấy, sau đó nhét vào lỗ răng sâu. Nếu không dùng cách này, bạn cũng có thể dùng nụ đinh hương, giã nát rồi nhét một ít vào chân răng và lỗ răng sâu (dùng đinh hương cho hiệu quả cao hơn và nhanh hơn).
Khi dùng bạch chỉ cần lưu ý gì? Phụ nữ mang thai dùng được không?
- Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng (không tự tiện dùng chữa bệnh theo thông tin trên mạng).
- Bà bầu không nên dùng bạch chỉ.
- Những người âm hư hỏa vượng, huyết hư, khí hư, huyết nhiệt… không được dùng (vì thuốc có tính ấm nên sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn).
- Người bị mụn nhọt, ung nhọt (do nóng trong, hỏa uất) cũng không nên dùng,
- Nếu phơi khô thì phơi ở nơi ánh sáng yếu, nếu sấy thì sấy ở nhiệt độ thấp, điều chỉnh khoảng 50 độ là được.
- Cần chọn nguồn dược liệu tốt (củ to, mập, bẻ ra có mùi thơm rõ rệt).
- Không dùng quá liều vì sẽ làm tổn thương khí huyết.
Kiêng kị: Không dùng chung với tuyền phúc hoa, hùng hoàng, lưu huỳnh…
Bạch chỉ đắp mặt trị mụn, làm đẹp, dưỡng trắng da
Bạch chỉ còn có tên trong danh sách những vị thuốc giúp làm đẹp, trị mụn, dưỡng trắng da. Thông thường, dân gian phơi khô rồi nghiền nát thành bột mịn, sau đó kết hợp cùng các thành phần khác như bột củ mài, bột cam thảo, thiên hoa phấn… để làm thành dạng bột hỗn hợp.
Cách dùng: hòa với chút nước rồi thoa lên mặt, sau đó massage vài phút rồi rửa lại với nước (hoặc đắp lên mặt từ 15 – 20 phút rồi rửa lại cũng được).
Lưu ý: Thử trước một vùng da nhỏ xem da có hợp không rồi mới dùng cho toàn mặt.
Được biết, bạch chỉ giúp da bớt nhờn, bài trừ mủ và làm sạch da. Với công thức bột gồm 4 thành phần kể trên, sau khi đắp, da bạn sẽ trắng hơn, sạch hơn, giảm mụn sưng viêm, giảm mụn mủ và đặc biệt là rất mát mịn.
Liều lượng: vừa đủ dùng, mỗi tuần thực hiện 2 hoặc 3 lần thôi nhé!
Với bạch chỉ, bạn dùng mỗi lần một ít (trộn cùng các loại bột thảo dược khác) thì sẽ cho hiệu quả cao hơn. Nếu chỉ dùng riêng bột bạch chỉ để thoa lên da thì với những làn da mỏng, nhạy cảm, loại bột này có thể gây nóng, căng da. Theo cảm nhận cá nhân của mình, sau những buổi đi nắng và có cảm giác da tay, da chân, da mặt… bị ăn nắng thì mình sẽ rửa bằng hỗn hợp bột bạch chỉ và cam thảo. Sau khi rửa xong, da dịu lại, mịn màng và trắng hơn nhiều. Hiển nhiên, cách tốt nhất để không bị ăn nắng vẫn là thoa kem chống nắng trước 30 phút và hạn chế ra nắng!
Tư liệu tham khảo
- Thiên Kim, Những phương thuốc làm đẹp từ rau củ quả, NXB Mỹ Thuật, 2009, trang 59.
- Bạch chỉ Bắc chữa bệnh viêm xoang và đại tiện ra máu, https://caythuoc.org/bach-chi-bac-dieu-tri-hoi-mieng-viem-xoang-va-dai-tien-ra-mau.html
- Bạch chỉ, trang Thầy thuốc của bạn.
Xem thêm: Cam thảo có tác dụng gì?