Các vị thầy đã dạy chúng ta quản lý cảm xúc, quản lý cơn giận, nhưng chúng ta không làm được, đúng không?
Bạn có biết tại sao không?
Bởi vì chúng ta chỉ biết chúng ta giận khi chúng ta đã giận rồi. Và chúng ta thường chỉ quản lý bằng cách nén nó thôi.
Kết quả thì sao?
Bên ngoài thì bạn tỏ vẻ như không có gì, nhưng bên trong thì tức bầm gan tím ruột, phải không?
Ngay cả khi “nội công” của bạn thâm hậu, có thể điều hóa cơn giận bằng cách tự nói với mình là “không được sân giận”, “phải định tâm”… thì cơn giận vẫn còn đó, chỉ là mức độ của nó nhẹ hơn thôi. Rồi sau đó nó mới từ từ hết.
Hầu hết chúng ta vẫn chưa đủ năng lực để đang giận mà nói hết giận là hết ngay!
Vậy thì phải làm sao?
Theo mình thì có nhiều cách, ví dụ như:
1. Đánh lạc hướng
Thường thì khi thấy một đứa con nít tức giận, quấy khóc, bạn làm gì?
Nếu bạn bảo nó: “con đừng tức giận, đừng tức nữa, hãy tịnh tâm”. Nó có hết tức không?
Không.
Bạn phải kiếm đồ chơi cho nó chơi, cho nó món ăn mà nó thích, hoặc đánh lạc hướng nó bằng cách nói với nó chuyện mà nó quan tâm, kể cho nó chuyện gì đó thú vị, phải không?
Bạn đã biết làm như thế với con nít, vậy tại sao bạn lại không làm thế với mình?
Tâm trí này là một tâm trí tiếp diễn và bạn hầu như không thể ngăn nó lại. Bạn chỉ có thể đánh lạc hướng hoặc pha loãng nó. Ví dụ, bạn đang rất tức giận một ai đó nhưng đột nhiên có 3, 4 chuyện ập tới cần phải làm, và nó rất quan trọng với bạn… thì bạn có rảnh để ở đó tức không?
Không. Bạn sẽ bỏ qua.
Đó là tình huống quen thuộc, khi mẹ của bạn định xách roi đánh bạn nhưng phải đi chợ nên hẹn “để lát tao đi chợ về rồi mày biết tay tao”. Phải không?
Tâm trí này sẽ luôn tiếp nhận dữ liệu mới và chú ý những dữ liệu quan trọng.
Vì vậy, khi bạn tức giận, bạn hãy nghĩ về những việc bạn cần phải làm. Quá nhiều, phải không?
Còn bao nhiêu chuyện phải làm!
Còn phải nỗ lực kiếm tiền, nỗ lực giảm cân, còn phải làm đẹp, đủ thứ! Còn bao nhiêu cuộc hẹn bạn bè chưa gặp, rảnh đâu mà tức, phải không?
Lỡ tức rồi thì thôi, bây giờ phải dành thời gian cho mấy cái quan trọng nhất!
Và hãy nghiêm túc nghĩ về những thứ quan trọng nhất với bạn, những thứ bạn cần làm và nhớ nó.
Mỗi khi cơn giận nổi lên, thay vì ở đó xả giận hay kìm nén, bạn hãy đánh lạc hướng tâm trí sang những thứ khác, như vậy sẽ hiệu quả hơn.
2. Tạo nền tảng vui vẻ
Bạn có để ý mấy đứa đang yêu, nó ngồi cười tủm tỉm, bạn chửi nó, nó đâu có giận, đúng không?
Vì cảm giác ngọt ngào vui vẻ đã lan khắp tâm trí nó rồi. Khi đó, dù có chuyện khó chịu xảy ra, nó cũng không quan tâm lắm, không tức lắm.
Và bạn có để ý, khi bạn rất vui, bạn cũng không quan tâm lắm đến những người làm bạn tức, đúng không?
Và bây giờ, hãy tưởng tượng bạn được trúng số, giải đặc biệt, khi đó, mình chửi bạn, nhéo bạn, vò đầu bạn…, bạn có quan tâm không?
Không.
Vì não bạn đã lâng lâng với chuyện đó rồi. Nó không quan tâm lắm với những dữ liệu phụ.
Vì vậy, để ít nổi giận hơn, bạn hãy tạo nền tảng vui vẻ và dễ chịu cho mình. Khi bản chất của bạn là niềm vui thì dù nguồn kích động có xảy ra, bạn cũng không tức giận lắm.
Như vậy sẽ tốt hơn so với kìm nén cơn giận.
Bạn ở trong rừng thì ít tức giận hơn ở ngoài chợ. Bạn chơi một mình thì ít tức giận hơn chơi với người khác. Đơn giản vậy thôi. Hễ có hai con người là có chuyện lu bu, bởi vì không ai có thể vừa ý bạn 100 %.
Vì vậy, đừng quá hà khắc với mình. Khi bạn còn mang thân xác con người thì không thể nào hoàn toàn “không biết giận”, trừ khi bạn bị tê liệt thần kinh hoặc bị chết não.
Chỉ là, chúng ta làm sao để ít giận nhất có thể, để cơn giận tan nhanh nhất có thể, vậy là được.
Vì vậy, khi hiểu tâm trí này, bạn sẽ sử dụng nội tâm sao cho nó ít lu bu nhất, ít tức giận nhất.
Gợi ý của mình là: mỗi sáng thức dậy, hãy vui vì mình còn sống, bởi vì rất nhiều người đã mắc chứng ngưng thở khi ngủ hoặc đột quỵ giữa đêm. Họ đã không tỉnh dậy nữa. Bạn vẫn còn tỉnh, thật là may mắn!
Sau đó, hãy nghĩ về những điều tốt đẹp xung quanh. Nghĩ về tương lai rộng mở, chỉ cần bạn nỗ lực và luôn tỉnh táo, vượt qua khó khăn này, bạn sẽ thành công!
Điều quan trọng là: bạn có những đam mê, sở thích riêng.
Nếu bạn đam mê và yêu thích mọi thứ, điều đó thật tốt.
Nhưng nếu không thể thích mọi thứ, bạn hãy tìm cho mình một vài thú vui lành mạnh, ví dụ như trồng cây, chơi nhạc cụ, nấu ăn, thêu thùa, điêu khắc, nuôi cá cảnh…, đại loại vậy.
Mỗi lúc ngồi với đam mê của mình, thật dễ chịu làm sao, phải không?
Hãy để sự dễ chịu và êm ái đó ngấm đủ sâu vào bạn, để nó ướp dần tâm hồn khô cằn của bạn, ngấm dần, ngấm dần…
Phải để nó ngấm đủ lâu, để nó trở thành bản chất của bạn. Sau đó, bạn bước ra với nền tảng ngọt ngào. Khi đó, bạn sẽ ít nổi giận hơn.
Đó là lý do vì sao khi bạn ngồi thiền, trồng cây, đi bộ trong vườn, du lịch dưỡng sinh…, bạn lại ít tức giận hơn, bởi vì sự dễ chịu đã ăn sâu vào bạn.
Hiển nhiên, bạn không thể suốt ngày hưởng thụ với các thú vui. Bạn cũng phải làm việc để đảm bảo kinh tế.
Vì vậy, hãy làm công việc mà bạn yêu thích. Nếu không, hãy yêu thích công việc bạn đang làm.
Có thể bạn làm không giỏi, có thể bạn không thực sự thích nó ngay từ đầu… nhưng bạn cần nó và thích nó vì nó giúp bạn có thêm thu nhập. Thực sự là vậy.
3. Bớt xen vào chuyện của người khác
Nhiều khi, cái tánh con người lạ lắm!
Thấy con bé hàng xóm ăn mặc hở hang cái tức.
Thấy thằng cháu nhuộm đầu xanh đầu đỏ cái tức.
Thấy mấy đứa đồng nghiệp ẻo lả, giả nai… cũng tức. Thấy thằng bạn được thăng chức cũng tức.
Thấy người ta chia tay cũng tức!
Mà thấy người ta quen nhau cũng tức!
Trong khi: Đó đều là chuyện của người khác.
Chỉ có một chuyện của mình thôi, đó là bản thân này.
Nếu bạn cứ để ý người này người kia, tâm trí bạn sẽ thành một đống rác!
Mà một đống rác thì có dễ chịu không?
Không. Đó là lý do vì sao bạn lại khó chịu, dễ quạo.
Từ giờ, bạn chỉ cần tập trung vào chính mình thôi.
Tự nhiên cái khỏe ra.
🍀🍀🍀
🌾🌾
Chào bạn,
Mình là Nhi, người viết bài này.
Bạn có thể liên hệ mình qua sdt 0979 254 124.
Bạn cũng có thể thưởng cho mình ly sữa để tiếp tục viết văn qua stk Agribank 1800 259 157 122 (Đồng Tuyết Nhi).
Cảm ơn bạn.