Bắp (ngô) là thức ăn quen thuộc hàng ngày. Tuy nhiên, bạn đã biết nó có tác dụng gì và kỵ với gì chưa?
Nội dung chính ⇒
Bắp ngô kỵ với gì?
Khi ăn bắp ngô, bạn nên chú ý các điểm sau:
- Không nên ăn bắp rang theo kiểu rang với cát nóng vì món ăn này chứa nhiều chì. Nếu ăn quá nhiều, bạn có thể bị nhiễm chì và gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của cơ thể.
- Hạn chế ăn bắp nướng vì qua quá trình nướng, trái bắp nướng có thể sẽ sinh ra các chất gây hại và các virus gây hại.
- Không nên ăn bắp cùng những thức ăn giàu chất xơ (như các loại rau cải, hạt é…) vì bản thân bắp đã chứa nhiều chất xơ. Vì vậy, nếu lại ăn cùng các thực phẩm giàu chất xơ khác thì sẽ dễ làm tăng nhu động ruột, dễ gây rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy.
- Nếu trái bắp đã bị mốc thì không được ăn (vì trái bắp bị hư mốc có chứa chất gây ung thư).
Những tác dụng quý của trái bắp
Ngày nay, con người quen với việc ăn gạo nên thường quên đi trái bắp quê mùa. Trong khi đó, trái bắp là loại ngũ cốc quý giá, không chỉ giúp cứu đói mà còn giúp bổ sung nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe.
Đặc biệt, nếu chúng ta ăn được bắp luộc thì hiệu quả lại càng cao vì đây là cách chế biến thô sơ, ít gây tổn hại đến giá trị dinh dưỡng của trái bắp (thực phẩm thô tốt hơn tinh chế).
Ở Mỹ, người ta ăn nhiều thực phẩm tinh chế nên tỉ lệ người mắc các bệnh về chuyển hóa cũng cao hơn (như tiểu đường, béo phì, tim mạch…). Ngoài ra, ăn nhiều thực phẩm tinh chế còn dễ dẫn đến ung thư ruột kết (do mất đi lượng chất xơ cần thiết giúp nhuận tràng).
Giá trị dinh dưỡng của bắp
Bắp rất giàu dinh dưỡng. Bạn biết đấy, 100 g hạt bắp chứa hơn 8,5 g chất đạm, 72 g đường, 4,3 g chất béo, ngoài ra còn có Can xi, Phốt pho, Sắt, vitamin B1, B2, vitamin E…
Vì vậy, ăn bắp luộc sẽ mang lại nhiều lợi ích như:
- Giảm mỡ máu, giảm nguy cơ cao huyết áp và bệnh mạch vành.
- Giúp làm chậm lão hóa.
- Giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.
- Giảm nguy cơ thoái hóa chức năng não.
- Giảm nguy cơ ung thư (nhờ chứa chất kháng ung thư là gluthation – chất này làm mất độc tính của chất gây ung thư và thải ra ngoài qua đường tiêu hóa).
- Phòng chống táo bón và giảm nguy cơ ung thư ruột kết.
Cách dùng râu bắp làm thuốc chữa bệnh
- Bài thuốc chữa viêm thận gây phù thũng: lấy 30 g râu bắp và 120 g vỏ quả dưa hấu (vỏ trái dưa hấu chín, gọt lấy lớp vỏ bên ngoài rồi xắt nhỏ); sau đó cùng cho vào nồi, nấu lấy nước uống.
- Bài thuốc chữa cao huyết áp: Lấy 30 g râu bắp và 20 g vỏ quả chuối, thái nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống (lưu ý uống khi nước thuốc còn ấm).
- Bài thuốc chữa vàng da do viêm gan: lấy 30 g râu bắp và 30 g nhân trần, cùng nấu lấy nước uống trong ngày.
- Bài thuốc chữa ho đờm và lao phổi: lấy 30 g râu bắp, 9 g vỏ quýt, xắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước, khi uống thì cho thêm một ít mật ong vào cho ngọt ngọt dễ uống.
Nguồn tham khảo: Kiêng kỵ và phối hợp trong thực phẩm trị bệnh, trang 6.