Bí đao là loại quả quen thuộc với tác dụng thanh nhiệt. Thế nhưng, ít ai biết rằng nó còn là vị thuốc điều trị phù thũng, giúp thông tiểu, giảm mụn, giảm cân, mát tim…
Vậy, cách dùng bí đao như thế nào?
Nội dung chính ⇒
Bí đao bao nhiêu calo, có giúp giảm cân không?
Quả bí đao chứa một lượng nước lớn và các chất dinh dưỡng như: chất đạm, chất béo, chất xơ, Ca, P, Fe, caroten, vitamin B1, B2, C và vitamin PP.
Điều đáng chú ý là 100 g bí đao chỉ cung cấp 12 kcal (thấp hơn nhiều loại rau và trái cây thông dụng).
Cách dùng: chế biến thành các món ăn như luộc, kho, xào, nấu canh (mỗi tuần ăn 3 lần).
Bí đao có tác dụng gì trong Đông y?
Theo y học cổ truyền thì bí đao có tính lạnh và có nhiều công dụng như:
- Lợi tiểu, thông tiểu, tiêu phù thũng, hỗ trợ người tiểu buốt…
- Nhuận tràng, giúp đại tiện dễ dàng.
- Giúp giảm cân (tốt cho người thừa cân, béo phì).
- Giúp thanh nhiệt (trừ phiền nhiệt), làm mát cơ thể và giúp mát tim.
- Giúp giảm mụn nhọt do nóng trong người.
- Giúp tiêu viêm, giải khát, giải nhiệt vào mùa hè.
- Phòng ngừa tiểu đường.
Cách dùng bí đao: lấy quả bí đao nấu thành các món ăn, tốt nhất là nấu canh (khoảng 40 g thịt quả mỗi ngày), mỗi tuần ăn 2 hoặc 3 lần.
Các bài thuốc chữa bệnh có dùng bí đao
Quả bí đao còn được dùng trong nhiều bài thuốc kết hợp như:
1. Điều trị phù thũng (phù cả mặt và mình mẩy)
Lấy 40 g thịt quả bí đao và 40 g đậu đỏ (chọn loại đậu đỏ hạt nhỏ), cùng nấu bằng lửa vừa vừa cho ra chất nước thật đặc rồi uống trong ngày. Bài thuốc này gây lợi tiểu mạnh.
2. Điều trị khí hư (huyết trắng ở nữ giới) và tiểu ra chất đục như nước vo gạo (ở nam giới)
Với các bệnh này thì ta dùng hạt bí đao, đem phơi khô, sau đó cho vào chảo, rang lên rồi nghiền nát thành bột. Mỗi lần dùng, lấy 15 g bột hạt bí đao, hòa với nước cơm (nước chắt ra từ nồi cơm sắp cạn) và uống. Lưu ý uống vào lúc đói.
Khi dùng bí đao cần lưu ý gì?
- Bà bầu không nên ăn nhiều bí đao.
- Trẻ nhỏ và phụ nữ sau sinh cũng không nên ăn vì bí đao có thể gây khó tiêu.
- Bí đao phải nấu chín mới ăn được, không nên uống nước ép hoặc ăn sống vì sẽ gây hại cho hệ tiêu hóa.
- Người tỳ vị hư hàn, đang mắc bệnh về bao tử thì không nên ăn.
- Không dùng giấm để làm gia vị cho các món có bí đao vì giấm sẽ triệt tiêu các chất dinh dưỡng có trong bí đao.
- Người bình thường thì không nấu bí đao cùng đậu đỏ vì hai thứ này kết hợp lại sẽ gây lợi tiểu mạnh, làm mất nước (chỉ kết hợp khi điều trị phù thũng như bài thuốc vừa chia sẻ ở trên).
Nguyên liệu và cách nấu sâm bí đao
Nước sâm bí đao là loại nước mát quen thuộc, được nhiều chị em yêu thích và bạn có thể dễ dàng nấu tại nhà. Được biết, nước sâm bí đao không chỉ giúp thanh mát cơ thể, giải nóng nhiệt, giải khát mà còn giúp giảm mụn do nóng trong người và phòng ngừa rôm sảy vào mùa hè.
Nguyên liệu: Thịt quả bí đao già (quả càng già càng tốt, bỏ vỏ và ruột), thái lát mỏng, phơi khô (nếu nấu hết trong một lần thì chỉ cần phơi cho héo dốt dốt là được).
Cách nấu: Trước tiên, bạn cho phần bí đao (đã phơi) vào chảo, sao vàng rồi đổ ra dĩa (nên sao mỗi lần một nắm để các lát bí đao được sao đều hơn), sau đó để nguội và cho vào nồi, đổ nước vào, nấu bằng lửa vừa. Khi thấy nước có màu hơi nâu nâu, bạn thêm đường phèn vào và đợi đến khi các lát bí đao tiết ra hết chất thì bạn tắt bếp, để nguội, lược lấy nước và cho vào ngăn mát tủ lạnh để uống dần trong ngày.
Gợi ý:
Để nước sâm bí đao ngon hơn thì khi bắt đầu nấu bí đao (với nồi 5 lít – 10 lít nước), bạn nên cho thêm vào nồi các nguyên liệu sau đây (đủ luôn thì càng tốt):
- 2 quả la hán quả, bẻ nát ra rồi bỏ vào (mua ở các hiệu thuốc Bắc hoặc ở chợ, trên mạng… nhưng cần chọn chỗ uy tín và kiểm tra xem la hán quả có bị mốc mọt không nhé). La hán quả là cái quả tròn tròn, màu nâu bóng, rất ngọt, giúp hạ huyết áp, hạ đường huyết, thanh nhiệt, nhuận tràng… Nếu dùng quả này thì nước nấu của bạn sẽ ngọt hơn và bạn không cần nêm nhiều đường.
- 20 g hoa cúc (cũng mua ở các tiệm thuốc Bắc) giúp mát gan, sáng mắt, thanh nhiệt, hạ huyết áp…
- 10 g thục địa (thục địa là cái cục màu đen đen), vừa để tạo màu cho nước sâm, vừa có tác dụng tư âm bổ huyết, dưỡng nhan.
Số lần dùng: Mỗi ngày, mỗi người chỉ nên uống 1 ly và mỗi tuần chỉ cần uống 2 hoặc 3 lần, không được lạm dụng trong thời gian dài để tránh các tác dụng phụ.
Đối tượng cần tránh: Phụ nữ mang thai, người huyết áp thấp, đường huyết thấp, thể tạng hư hàn, tiêu chảy, sợ lạnh… không nên uống.
Lưu ý khi dùng
- Bạn nên cảnh giác với các loại nước sâm bí đao bán sẵn trên thị trường vì khó có thể xác định được độ an toàn của nó (bạn nên tự nấu tự dùng).
- Hiện nay, có nhiều nơi bán cao bí đao đã làm sẵn để dễ nấu nước sâm bí đao hơn, tuy nhiên, dạng thành phẩm này vẫn chưa được kiểm định về độ an toàn đối với sức khỏe người dùng.
Tư liệu tổng hợp
- Đào Ẩn Tích, Thần nông bản thảo kinh, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2012, trang 190.
- Bí đao giảm cân, làm mát cơ thể và điều trị phù thũng, https://caythuoc.org/bi-dao-giam-can-lam-mat-co-the-va-dieu-tri-phu-thung.html
Từ khóa: bí đao có tác dụng gì?