Chào mọi người, mình là Phụng Nghi. Mình xin trả lời câu hỏi: “Bí quyết viết hay, viết ra tiền…”
Cái này là kinh nghiệm cá nhân của mình thôi nhe.
Bây giờ, có phải cứ đem hết kiến thức vào bài viết, viết một bài thật chất lượng, thật công phu… là sẽ có tiền không?
Không. Câu trả lời rất tàn nhẫn nhưng nó là sự thật.
Bởi vì mọi người để ý đi, mấy bài của các nhà nghiên cứu, rất hay, rất chất lượng và đầy kiến thức trong đó. Nhưng nó ra được bao nhiêu tiền? Có nhuận bút đó, nhưng phải bỏ bao nhiêu công sức mới có một chút nhuận bút ít ỏi, làm sao mà đủ chi tiêu?
Cho nên, muốn bài viết hay cuốn sách của bạn đẻ ra tiền thì phải có nhiều người đọc và hành động.
Chứ nếu người ta chỉ đọc rồi thôi thì sẽ không ra đơn, và bạn sẽ phải tốn rất nhiều tiền để chạy quảng cáo. Mà bây giờ, chi tiền chạy quảng cáo thì có khác nào đốt tiền đâu.
Vì vậy, bạn phải viết làm sao cho bài bán hàng của bạn, người ta đọc xong, người ta muốn mua, hoặc muốn chia sẻ, hoặc ít nhất là nhớ sản phẩm đó, để lần sau người ta mua. Cuốn sách của bạn, bạn phải đặt tên và thiết kế bìa làm sao cho người ta nhìn là muốn mua. Bạn phải viết làm sao cho người ta đọc xong, người ta muốn đăng lên mạng xã hội, hoặc chia sẻ cho bạn bè, như vậy thì bạn mới có nhiều tiền mà không cần phải chạy quảng cáo.
Hiển nhiên, nếu bạn chạy quảng cáo giỏi, ra đơn tốt thì bạn cứ chạy. Còn ở đây, trường hợp chúng ta không có vốn nhiều và muốn đi một nước đi an toàn.
Như cuốn này, hồi tháng 3 vừa rồi, mình in 500 cuốn và mình tự bán, không thông qua đơn vị nào hết, đã bán được 400 cuốn, trừ tiền in thì mình lời khoảng 20 triệu. Hiện tại thì mình không chạy quảng cáo, nhưng vẫn bán đều đều từ 1 – 3 cuốn mỗi ngày. Mình chỉ ngồi không, không quảng cáo nữa, nhưng khách tự tìm tới. Giả sử, mình viết được 5 cuốn như vầy thì mỗi ngày lời ít nhất 4 trăm ngàn mà không cần tốn 1 xu nào cho quảng cáo.
Vậy thì, ưu điểm của nó là gì he?
Đó là: Bìa của nó khiến người ta muốn mua. Nếu bạn viết sách, bạn phải biết bìa sách là thứ quyết định 70 % tương lai của cuốn sách đó. Nội dung chỉ quyết định khoảng 30 % thôi, bởi vì thông thường, khi bạn viết bài quảng cáo cuốn sách nào đó, bạn chỉ trích một đoạn nội dung thôi, phải không, mình cho đoạn đó hay nhức nhối, hay xỉu xỉu luôn, nhưng nếu bìa sách không đẹp, tên sách không hút… thì người ta sẽ không mua. Họ có thể sẽ chụp màn hình lại, sẽ lưu lại trích đoạn đó, nhưng sẽ không mua. Nó không đủ sức khiến cho họ phải mua về.
Vậy, tên sách liên quan đến chủ đề gì thì sẽ có nhiều người muốn mua he? Đó là tiền bạc, sau đó, cần kể nữa thì là sức khỏe, sắc đẹp và tâm lý, nhưng hút nhất vẫn là tiền bạc.
Ví dụ như cuốn sách của mình, ngay cả khi nó thuộc dạng ngách, tức nó chỉ liên quan đến Sadhguru thôi, nhưng mình vẫn phải đặt cái tên sao cho nó mang tính kinh tế: “Tư duy thành công trong mọi ngành nghề”, phải có mùi tiền trong đó. Hơi thô thiển, phải không? Nhưng nếu bạn là một nhà bán hàng và muốn bán chạy thì bạn không cần bán triết lý. Triết lý của bạn rất đẹp, rất hay, nhưng bạn đang bán hàng. Bạn phải bán sản phẩm mà người ta muốn mua. Người ta mua thì bạn mới thu hồi vốn được, sau đó mới nói đến chuyện lợi nhuận. Ý này mình có nói trong cuốn “Tư duy thành công“… của mình. Tác giả Phụng Nghi nhe. Hiển nhiên, nội dung của cuốn sách này vẫn có giá trị riêng của nó, nhưng đầu tiên là bìa sách phải đẹp, tên sách phải hút.
Bạn thấy đó, cho đến thời điểm này, tiền bạc vẫn là chủ đề nhiều người quan tâm nhất chứ không phải các triết lý. Bạn không thấy trên mạng sao, những người không giàu nhưng vẫn đi bán khóa học làm giàu! Mình không thích cách làm của họ, không thích chút nào, nhưng mình cũng phải thừa nhận rằng: họ đã nắm được tâm lý khách hàng.
Mối bận tâm duy nhất của chúng ta bây giờ, nói thẳng ra cũng chỉ là tiền bạc thôi, không phải sao? Nó không có gì thô thiển cả. Tiền bạc rất hữu dụng.
Sau khi có bìa sách lý tưởng rồi thì nội dung của bạn cũng phải hay. Hay ở đây là gì? Hay ở đây là dễ hiểu và chạm tới cảm xúc của người đọc, chứ không phải là nhồi nhét đủ thứ kiến thức trong đó, bởi vì khán giả của bạn chỉ là những người bình thường thôi, họ không phải nhà nghiên cứu.
Đây là thời đại của sự đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu. Để làm chi? Để sau khi người ta đọc sách của bạn, người ta thấy mọi thứ thật nhẹ nhàng, thật bình an, chứ không phải đọc xong cảm thấy thù hận.
“Ôi là chời, nó viết cái gì mà khó hiểu vậy?”
Có khi nào bạn đọc một cuốn sách, bạn biết nội dung của nó chất lượng lắm, tác giả biên soạn công phu lắm, nhưng mà bạn đọc không trôi không? Đọc không vô nhưng vẫn gáng, cảm giác đọc sách mà như cực hình vậy.
Không hẳn là nội dung của nó dở đâu, mà là tác giả cuốn sách đó chưa biết cách viết làm sao cho người ta dễ đọc.
Bây giờ, mình không cần biết bạn có học thức như thế nào, mình không cần biết bạn am hiểu nội dung đó ra sao… Nhưng nếu mấy câu đầu bạn viết khó hiểu là người ta sẽ dội. Người ta sẽ bỏ qua bài đó luôn. Cho nên, mình luôn niệm thần chú trong đầu mình là: Phải viết dễ hiểu, dễ hiểu, dễ hiểu…
Bởi vì viết hay không phải là viết ra hết một đống kiến thức trong đầu, với đủ thứ thuật ngữ chuyên ngành, để chứng tỏ mình cao siêu, chuyên nghiệp và trí tuệ.
Viết hay là viết làm sao cho người ta đọc câu đầu xong là muốn đọc tiếp và có thể đọc từ đầu đến cuối mà không thấy ngán.
Cho nên, năng lực đầu tiên của người viết lách, đó là: viết rõ ràng, dễ hiểu. Ngay cả những nội dung cao siêu, bạn cũng phải chuyển hóa nó thành dễ hiểu.
Có 4 cách chuyển hóa:
- Bạn lấy ví dụ cụ thể cho người ta hiểu rồi mới kết luận.
- Bạn chọn những từ mà ai nghe cũng hiểu. Khán giả của bạn, họ là bình dân. Bình dân thì mới đông, đông thì bạn mới bán được nhiều. Chứ nếu bạn nhắm đối tượng của bạn là những nhà nghiên cứu thì bạn bán được bao nhiêu bản? Và họ có mua không?
- Bạn viết câu ngắn thôi, câu nào gọn câu đó. Đừng viết những câu dài, người đọc mệt lắm.
- Bạn phải hiểu vấn đề bạn đang viết và viết nó ra rõ ràng, mạch lạc, từng ý từng ý như nãy giờ mình liệt kê đó, 1,2,3,4, không bị rối, không bị mơ hồ. Bạn là tác giả mà bạn còn không rõ ràng là người đọc ngu luôn ak.
Năng lực thứ hai là năng lực chạm đến cảm xúc của người đọc. Con người chúng ta, hầu hết đều hành động dựa trên cảm xúc. Muốn chạm đến cảm xúc người đọc thì bài viết của bạn phải có 1 trong 2 yếu tố sau:
- Bạn phải chân thành. Nếu mục đích của bạn chỉ là moi tiền của người đọc thì bạn sẽ không bao giờ viết được một câu chân thành. Bạn bán hàng, bạn bán sách… nhưng bạn cũng phải mang đến cái gì đó cho khách hàng của bạn. Bạn phải vì họ, rồi mới vì bạn, như vậy thì mới chạm được tới cảm xúc của người đọc. Mình chân thành hay giả dối, người ta đọc, người ta biết chứ.
- Bạn phải biết lấy những chi tiết dễ chạm đến cảm xúc con người: ví dụ như kỷ niệm thời thơ ấu, niềm vui sướng, nỗi đau, nỗi cô đơn mà hầu hết mọi người đều trải qua, những cái mà bạn đã trải nghiệm và mọi người cũng đã trải nghiệm… Ví dụ, hồi nãy mình có nói một câu: “Ôi là trời, cuốn sách này, nó viết cái gì mà khó hiểu vậy!” Trạng thái này, hầu hết mọi người đều đã từng trải qua, cho nên mọi người nghe là hiểu liền, chạm cảm xúc liền.
Mọi thứ rồi sẽ qua đi, nhưng sự dễ hiểu và chân thành thì sẽ ở lại. Có những bài viết rất hay nhưng đọc xong cứ cảm thấy máy móc, không đáng tin. Ngược lại, cũng có những bài viết rất quê mùa, rất bình dân, nhưng đọc xong lại cảm động.
Đọc xong lại muốn mua cái gì đó, làm cái gì đó để ủng hộ người viết. Nó là như vậy đó.