Bo bo (ý dĩ) chữa được những bệnh gì và có phải là loại hạt được ăn vào thời bao cấp không?
Nội dung chính ⇒
Bo bo (ý dĩ) là cây gì, hạt gì?
Bo bo là tên gọi chung của nhiều loại cây, trong đó, loại thường được dùng để ăn và làm thuốc có tên khoa học là Coix lacryma-jobi (trong y học, nó được gọi là “ý dĩ” 薏苡 hay các tên khác như: “dĩ nhân” 苡仁, “ý dĩ nhân” 薏苡仁, “ý châu tử” 薏珠子, ý nhân 薏仁, dĩ mễ 苡米, “bạch ý nhân” 白薏仁…
Bo bo thời bao cấp có phải là ý dĩ không?
Bo bo thời bao cấp không phải là ý dĩ mà là các loại bo bo khác như lúa miến, lúa mạch đen… Đó là những loại hạt kém ngon và khó tiêu hóa hơn ý dĩ (trước đây, nhiều người hay nói đùa về bo bo thời bao cấp là “ăn thế nào, ra thế ấy“).
Ý dĩ (bo bo) ăn có ngon không?
Nhân hạt bo bo có màu trắng như gạo nhưng mập tròn hơn, khi nấu chín lên thì dẻo, mềm và ăn rất bổ. Nếu thường xuyên ăn sâm bổ lượng truyền thống hay các món chè thập cẩm…, bạn sẽ thấy những hạt bo bo trắng dẻo cùng với hạt sen, táo Tàu, rong biển, củ năng…
Nhìn chung, chất gạo bên trong bo bo hơi thô nên ít gây ngán. Tuy nhiên, nếu chỉ ăn một mình bo bo, có thể bạn sẽ hơi thất vọng vì nó không đủ hấp dẫn để kích thích vị giác. Ngược lại, đây lại là món ăn rất tốt với hệ tiêu hóa, không gây nặng bụng mà còn giúp thông tiêu hóa nữa (sau khi ăn nhiều có thể sẽ có biểu hiện “trung tiện” – “thả bom” để báo hiệu hệ tiêu hóa đang hoạt động tốt nữa đấy!). Để dễ ăn hơn, bạn có thể cho thêm một ít đường nhé (người tiểu đường thì nên dùng loại đường chuyên biệt cho người bệnh).
Ăn hạt ý dĩ (bo bo) có tác dụng gì?
Theo y học cổ truyền, nhân hạt bo bo có vị ngọt, tính hơi lạnh và không có độc. Vị thuốc này có tác dụng lợi tiểu, bổ dưỡng, nếu dùng lâu thì nhẹ mình và tăng cường trí nhớ.
Tương truyền, khi quân đội Mã Viện sang xâm lược Việt Nam và bị chướng khí, tê bại do không quen thời tiết nóng ẩm, họ cũng nhờ ăn cháo bo bo mà khỏi bệnh.
Lá và hạt bo bo (ý dĩ) chữa những bệnh gì?
1. Phế ung
Khi bị ung phổi, người bệnh thường khạc ra đờm với mùi tanh và thối. Trong trường hợp này, có thể lấy ba nắm hạt bo bo, đem giã nát rồi nấu trong hai chén nước, nấu đến khi nước sắc còn lại một chén thì đổ thêm rượu vào (một lượng vừa đủ), sau đó chia thành hai lần uống trong ngày (phần cái thì dùng để ăn) (2).
2. Mụn mọc trong cổ họng gây sưng đau
Lấy một nắm nhân hạt bo bo tán thành bột và ngậm cho tan từ từ rồi nuốt dần (cách này nên kiên trì nhiều lần) (2).
3. Tiểu ra sỏi
Tiểu ra sỏi, hay còn gọi là “sa thạch lâm”, là loại bệnh thường gặp với các biểu hiện như đi tiểu khó, tiểu buốt, bàng quang trướng nhức và có sỏi nhỏ trong nước tiểu. Gặp trường hợp này, có thể dùng một nắm hạt bo bo, sắc đặc rồi uống khi nước còn ấm.
Lưu ý, nếu uống thuốc này vào mùa hè thì để nước nguội hẳn rồi mới uống. Ngoài ra, nếu không có nhân hạt bo bo thì dùng lá bo bo thay thế cũng được (với lượng lá vừa nắm gọn trong lòng hai bàn tay) (2).
4. Tay chân mức mỏi khiến nằm ngồi không yên
Đổ một ít cám gạo lên đáy nồi rồi để hạt bo bo vào (khoảng 1 nắm bo bo), sau đó sao lên cho thật vàng rồi đem ngâm trong một lít rượu và uống dần (như thuốc rượu).
Khi ngâm, các bạn có thể gói hạt bo bo trong miếng vải sạch để sau này dễ rót rượu hơn (2).
5. Phong thấp, đau nhức mình mẩy
Lấy ma hoàng (3 g), hạnh nhân (4 g), cam thảo Bắc (4 g) và hạt bo bo (8 g), sắc lấy nước uống mỗi ngày (3).
6. Tiểu ít, bí tiểu và phù thũng
Lấy hạt bo bo, vỏ bí đao và xích tiểu đậu (hạt đậu đỏ nhỏ), mỗi thứ đều 30 g rồi nấu thành cháo ăn (3).
Công dụng làm thuốc của rễ cây bo bo (ý dĩ)
Bên cạnh nhân hạt và lá, rễ cây bo bo cũng được dùng làm thuốc.
Theo Đông y, rễ bo bo có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, chữa bệnh viêm màng phổi, viêm gan, vàng da, động kinh, sỏi bàng quang, sỏi thận và giúp tẩy giun (3).
Cách dùng: lấy 25 – 50 g rễ bo bo, sắc lấy nước uống hàng ngày (uống thay nước) (3).
Lưu ý khi dùng
1. Bo bo phải dùng lâu mới thấy hiệu quả và bo bo nếp hay bo bo tẻ đều có thể dùng.
2. Nếu dùng bo bo với tác dụng kiện tỳ thì sao vàng rồi mới nấu uống (3).
3. Tránh nhầm lẫn bo bo với ý dĩ đá (vỏ ngoài màu xanh, nhân hạt nhỏ và rất cứng, loại này không dùng làm thuốc được) (3).
4. Những người đại tiện táo kết, phụ nữ có thai và những người tỳ hư mà không có biểu hiện của thấp nhiệt thì không nên dùng (4).
5. Những người hay bị lạnh bụng khiến cho buồn nôn, khó tiêu, chướng bụng, đau bao tử thể hư hàn và cơ địa hư hàn, hay lạnh tay chân, sợ lạnh… thì không nên dùng.
6. Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.
Cây và hạt bo bo (ý dĩ) trông như thế nào?
Thoạt nhìn, bạn sẽ thấy cây bo bo rất giống cây bắp, từ mầm cây, dáng cây cho tới các lá hình dải.
Tuy nhiên, hạt bo bo thì khác hạt bắp rất nhiều. Khi các hạt này già, người ta chặt cả cây, phơi khô rồi đập cho hạt rụng ra, sau đó tiếp tục phơi khô và xay để tách nhân hạt ra khỏi vỏ.
Tư liệu tổng hợp
- Ý dĩ, https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%9D_d%C4%A9.
- Tạ Duy Chân, Rau cỏ trị bệnh, trang 49.
- Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược, NXB Y học, trang 340.
- 薏珠子, https://zhongyibaike.com/wiki/%E8%96%8F%E7%8F%A0%E5%AD%90