• Sadhguru và các tác giả khác
  • Hạt giống tâm hồn
  • Cảm nghiệm cá nhân
  • Trà dư tửu hậu
  • Văn chương Cộng tác viên
  • Tản mạn
  • Sức khỏe
  • Làm đẹp
  • Thảo dược
  • Món ngon dễ làm
  • Sáng tác văn học
  • Góc trồng cây

CâyHoaLá.com

Blog chia sẻ!

💗💗💗💗💗💗💗GIÁ 99 k/ quyển 💗💗💗💗💗💗🌿🌿🌿🌿NHẤP VÀO ẢNH ĐỂ ĐĂNG KÝ KÊNH YOUTUBE CỦA MÌNH NHÉ 🌿🌿🌿🌿

Sách Tư duy thành công trong mọi ngành nghề bài học từ Sadhguru
  • Giới thiệu
  • Thông tin liên hệ
  • Điều khoản và điều kiện
  • Chính sách bảo mật
Trang chủ » Sáng tác văn học » Truyện ngắn: Bức tranh Hội nghị Diên Hồng

Truyện ngắn: Bức tranh Hội nghị Diên Hồng

27/09/2020 09/03/2021 Cây Hoa Lá

Truyện ngắn: Bức tranh Hội nghị Diên Hồng

Năm 1284, trước lựa chọn “hòa” hay “đánh” quân Mông Nguyên,

thái thượng hoàng Trần Thánh Tông

đã triệu họp các bô lão trong cả nước về

để trưng cầu dân ý trước thềm điện Diên Hồng.

*** 

Gốc sung già không được đeo tang cho chủ nó đã chết lâu rồi. Về chiều, đường nét của cây in lên nền trời thành một bức tranh thô mộc.

Thiếu phụ luồn tay qua nách trâm bầu, gỡ sợi dây xuồng và thằng bé con chừng mười tuổi nhảy thoắt xuống, thò tay vọc nước.

Chiếc xuồng chầm chậm trôi, xa dần ngôi nhà có bức tranh vẽ người con gái tay cầm nón lá, tay vịn tà áo, đứng nổi bật trên nền cảnh hội nghị Diên Hồng.

***

Khi chiếc xuồng ra đến giữa đồng thì bóng chiều cũng phủ đầy mái tóc. Thằng bé vừa giỡn nước vừa tíu tít mấy câu nó tự sáng tác: “Cá ơi mày ăn đi nghe. Nghe chưa cá. Ăn đi rồi tao thương…i..ưa…là con cá bự…”.

Gió đồng thổi từng đợt ớn lạnh, thiếu phụ rùng mình.

– “Lạnh không con?”

Thằng bé không trả lời vì mải mê đùa nước. Chiếc xuồng lướt êm qua những bờ ngầm, thỉnh thoảng nghe tiếng “ruột ruột” của bông súng ma cọ vào be xuồng.

Trên mặt nước, bóng người và bóng xuồng gấp khúc nhịp nhàng, lướt qua những nhành hoa súng đang nở.

Mùa nước nổi

Giá như đồng ruộng kia là một mặt hồ phẳng lặng, nền nước chắc chắn sẽ in một khuôn mặt yên tịnh, sáng trong. Nhưng không, nắng chiều từ mặt nước hắt lên làm thiếu phụ nheo mắt lại.

Người họa sĩ năm xưa khó mà vẽ được ánh mắt ấy!.

Cũng như nhiều buổi giăng câu khác, chiếc xuồng con hướng về phía cánh đồng có nghĩa địa. Những nơi như thế, người ta sợ ma, ngại tới và như vậy sẽ có nhiều cá hơn.

Bây giờ, thiếu phụ không sợ ma bởi công việc chằm nón lá không đủ để nuôi một gia đình. Vả lại, đêm nào thằng bé cũng xin đi theo.

***

Cứ hoàng hôn là đất trời đẹp lạ lùng và thiếu phụ cũng vậy. Nếu phải hình dung đôi má hồng của cô gái trong tranh thì chỉ cần nhìn đôi má của người thiếu phụ lúc này là đủ.

Trước đây, có bao nhiêu họa sĩ bất lực vì không tài nào tả được sắc hồng ấy, ngoại trừ người đã vẽ bức tranh kia. Bây giờ, chỉ có màn đêm vĩ đại lạnh lùng buông xuống, phủ lên đôi bàn tay ngón bút đang thả luồng câu ba ngàn lưỡi.

Thằng bé phụ mẹ bơi xuồng, một chân để thõng dưới nước theo thói quen.

– “Lấy chân lên con!”

Đứa nhỏ rút chân lên, lấy đèn pin rọi xem có con đỉa nào bám không. Trước đây, cả hai mẹ con đều sợ đỉa nhưng bây giờ thì quen. Hễ bắt được đỉa, nó bỏ vào chai nước vôi đã pha sẵn rồi đem về nhà xỏ dây, phơi khô lại để khoe với bạn bè.

Khi “tam thiên câu” đã giăng được một phần thì trăng lên, sáng lạnh. Thằng nhỏ ốm teo không biết lạnh hay cũng có thể không để ý tới cái lạnh, vẫn ở trần chống xuồng, hiên ngang hứng gió mát.

***

Khuya, cá bắt đầu ăn mồi và rịt câu nhiều hơn. Cả hai mẹ con đều mừng thầm trong lòng nhưng không vội gỡ. Ánh đèn pin vẫn di chuyển đều đặn trên đồng ruộng mênh mông. Nếu nhìn từ trên trời, người ta dễ tưởng ngôi sao nào đó đang trôi trên nền nước. Thỉnh thoảng, ngôi sao ấy dừng lại để thằng bé phụ mẹ nó gỡ những đoạn dây bị rối.

Lát sau, cá đớp mồi giật phắt, giềng câu giật mạnh, thiếu phụ mừng rỡ: “Dính cá lớn rồi con ơi!”.

Như người thoát khỏi cơn mộng du dài giữa trời nước, thằng nhỏ giật mình, hớn hở lùi xuồng lại cho mẹ nó gỡ cá ngay, kẻo để lâu cá sảy thì uổng. Thế là, chẳng mấy chốc, một con cá lóc to tướng đã nằm gọn trong sạp.

Hai người bủa câu được hơn hai phần thì một luồng gió lạnh buốt ào ào kéo đến đánh bạt chiếc xuồng sang hướng khác. Trời đã tối lại càng tối thêm. Thằng nhỏ sức yếu không kìm lái được, chiếc xuồng quay vòng vòng.

“Mưa lớn tới rồi con ơi!”. Nói đoạn, thiếu phụ với lấy tấm cao su trùm lên người, bảo thằng bé mặc áo vào rồi ngồi che cùng nó.

Trời được thể, cứ mưa. Thiếu phụ chỉ còn nghe tiếng quát nạt của mưa lên tấm cao su trên lưng và tiếng gió đánh lạch bạch.

Không biết ở nhà, mưa có bị gió đánh bạt vào bức tranh Hội nghị Diên Hồng treo trên vách hay không?

Một lúc sau, mưa dữ dội hơn. Tấm cao su rách tả tơi như đuôi diều mùa hạ. Hai người, môi đã thâm tím vì lạnh, run rẩy ôm lấy nhau như gà mẹ với gà con.

Bên ngoài, những hàng cây quật quờ nghiêng ngả. Được một lát, thấy nước trong khoang xuồng đã nhiều, thiếu phụ lấy cái miểng dừa tát ra. Búi tóc dài nhung lụa bây giờ nặng trĩu.

***

Rồi thì mưa cũng tạnh, chỉ còn vài giọt lách tách trong đêm và tiếng ễnh ương kêu. Thiếu phụ bủa tiếp số câu còn lại. Hình như có đến ba giờ trôi qua, chiếc xuồng mới đi xong một vòng quanh khu nghĩa địa.

Có tiếng hò của ai từ rất xa, nghe như tiếng của anh Tư – người đã bao lần trộm nhìn thiếu phụ.

“Hò ơ….

Con có cha như nhà có nóc,

Cha đâu rồi con ướt tả tơi”.

Nét mặt thiếu phụ vẫn không hề thay đổi. Dung mạo trang nghiêm ấy, họa sĩ sẽ không thể vẽ được.

Tiếng hò còn ngân nhưng không tiếng trả lời nào đáp lại. Chỉ có trời đêm lặng thinh và gió bên tai.

– “Cha con bây giờ ở đâu rồi mẹ?”

Thiếu phụ giả vờ không nghe câu hỏi của đứa con, chốt lưỡi câu cuối cùng rồi chống xuồng vào bờ.

Theo thường lệ, thằng bé nằm ngủ, đợi xong giấc thì cuốn câu về. Trên đồng, gió mát vi vu nhưng thiếu phụ chỉ chợp mắt được một lát thì lại trằn trọc, nằm nghiêng người nhìn đứa con bé bỏng co ro.

Trong đêm, dù có hao gầy, những đường nét thanh xuân vẫn hiện rõ, nhất là ở cái cổ thon và đường cằm thanh tú. Màn đêm dịu huyền như ủ hương cho mái tóc, ướp mịn cho làn da.

Được một lúc, thiếu phụ ngồi dậy, vén mái tóc tơ của thằng bé rồi khẽ hôn lên trán con. Vầng trán hồn nhiên có mùi của nắng gió đồng nước, của vất vả và thơ ngây. Một vạt áo của đứa nhỏ bị gió hất lên, thiếu phụ kéo lại rồi rón rén men theo bờ đất để xúc thêm mấy con tép cho đứa con gầy còm, tội nghiệp của mình.

***

Thằng bé thức dậy, thấy bốn bề hiu quạnh, lo lắng gọi “Mẹ ơi!”.

Nghe tiếng con, thiếu phụ vội vã quay về và họ bắt đầu cuốn câu. Vì mưa lớn quá nên lũ cá bỏ ăn, trốn hết, chỉ còn những con đã ăn mồi từ trước bị chết ngộp, cứng đờ.

Thiếu phụ cuốn câu được một đoạn thì không hiểu sao giềng câu lại bị chệch hướng. Cái lạnh lẽo trong đêm nơi nghĩa địa quạnh tanh càng làm tăng nỗi sợ.

Thiếu phụ chừng như lấy hết can đảm, lần xuồng theo hướng giềng câu, hy vọng là nó bị gió đánh bạt. Thế nhưng, giữa những âm thanh râm ran và não nuột của ếch nhái, có tiếng thở “Khì… Khịt…” đâu đây, lúc lớn lúc nhỏ.

Thằng bé để dầm xuống, bò lại gần mẹ nó. “Tiếng gì vậy mẹ?” Thiếu phụ không trả lời, môi mím chặt, cố giấu nỗi sợ hãi để trấn an đứa con tay đang bấu chặt lấy áo mình.

Tiếng thở “Khì… Khịt…” càng lúc càng rõ hơn, dường như được vọng lên từ mặt nước.

Thiếu phụ ngừng bơi và có ý quay xuồng lại nhưng không kịp nữa. Một cái bóng đen sì, to đùng ở dưới nước từ từ đứng dậy. Thằng bé la “Á…” một tiếng, rúc vào lòng mẹ nó, tấm thân nhỏ ríu lại như con gà con. Còn thiếu phụ, tưởng chừng như sắp ngất đi nhưng rồi kịp trấn tĩnh lại khi nhìn thấy dáng con trâu cổ to tướng.

Trâu lội nước

“À. Thì ra nó ra đây dầm mưa”.

Thiếu phụ thở phào, vỗ vào đôi vai xương xẩu của đứa con, động viên: “Không sao đâu con. Con trâu mà. Ra xuồng ngồi đi để mẹ cuốn câu”. Không hiểu sao lúc ấy thằng bé cảm thấy lòng mẹ nó ấm lạ thường.

Hay là tại những giọt nước mắt ấm nóng đang rơi trên vai?

Đứa nhỏ nghe lời mẹ, ra giữa xuồng ngồi nhưng dường như vẫn chưa hết sợ, tay cứ bíu chặt lấy be xuồng. Thiếu phụ cắt sợi dây quấn chân con trâu rồi mò tìm giềng câu ở đầu bên kia mối lại. Có tiếng gà thức giấc gáy vội trong đêm.

***

Gần sáng, tiếng hú gọi nhau bắt đầu vang lên trên các cánh đồng, báo cho nhau nghe đã thu lưới, cuốn câu xong và rủ nhau cùng về.

Bơi xuồng trên đoạn đường xa, ai cũng than vãn thất thu, cá đêm nay ít quá. Rồi họ an ủi nhau mùa này tôm cá nhiều, ngày mai chắc sẽ không mưa gió nữa.

Nhìn mấy con cá chết cứng đờ, mấy con tép bạc nhảy choắt dưới ánh đèn pin rồi nhìn đứa con ốm tong teo, đôi mắt mỏi mệt của thiếu phụ buồn rười rượi.

Cũng đôi mắt ấy, trước đây từng làm sáng cả bức tranh Hội nghị Diên Hồng.

***

Buổi sáng, thằng bé vừa đi chơi ở đâu đó về, chạy vội vào nhà tìm cái chai nuôi cá lia thia của nó. Trên bàn, bữa cơm đạm bạc với cá kho, bông điên điển và tép nướng – món khoái khẩu của thằng bé – đã được thiếu phụ dọn sẵn từ sớm.

Có tiếng reo của thằng bé. Thiếu phụ đã về.

Đó là người phụ nữ chừng ba mươi, đội nón lá, mặc áo bà ba, rõ ràng là một nét đẹp mặn mà. Người phụ nữ đặt mấy cái thau xuống rồi lấy nón lá quạt vài cái theo thói quen. Mấy giọt mồ hôi vương trên đường nét của khuôn mặt nghiêm nghị hơn nhưng vẫn đẹp như xưa, duy chỉ có bàn tay ngón bút bị ngâm nước nhiều, trắng dộp.

Ăn cơm xong, thiếu phụ chải lại mái tóc rối của thằng bé. Đứa nhỏ đứng im cho mẹ nó chải, mắt nhìn vào bức tranh treo trước mặt, hỏi thiếu phụ:

– “Mẹ ơi, cái người trong tranh là mẹ phải không?”

***

Rồi một buổi chạng vạng nữa lại đến, tiếng gọi nhau, tiếng “lạc cạc” của mái dầm lại vang lên, báo cho mọi người cùng nhau ra đồng.

Khi bạn câu đã rời bến hết, thiếu phụ mới tháo dây xuồng. Hai mẹ con lại bơi đi giữa những tiếng gọi nhau, tiếng trêu đùa inh ỏi của những xuồng câu.

Và rồi sau một lúc, từng xuồng lại tách ra theo các hướng để đi tìm luồng cá mới. Chính lúc chia tay này, đồng nước mới rộng làm sao!.

Có người bạn bơi phía trước đang rẽ hướng, thấy xuồng thiếu phụ, quay lại đùa:

“Nghe nói hôm qua chị câu được con trâu lớn lắm phải hôn? Nói chớ có xẻ thịt thì chia cho tụi tui với nghe!”

Thiếu phụ mỉm cười.

Dưới nắng chiều, đôi mắt người phụ nữ càng trong vắt.

Người họa sĩ đau lòng không nếu thấy đôi mắt đẹp của người phụ nữ đã trải qua những lần gió trên đồng và gió của cuộc đời đánh bạt đi mà chỉ một mình chống chịu?.

Nhưng điều đó cũng không còn quan trọng. Giờ đây, trên mặt nước mênh mông này, thiếu phụ vừa bơi xuồng vừa ngắm nhìn đứa con trai nâng niu xâu tép nướng đỏ gạch, thơm lừng, miệng nhai chóp chép. Mái tóc tơ của nó bồng bềnh trong gió, không khác gì mái tóc của một nghệ sĩ.

Người mẹ cứ thế ngắm nhìn đứa con và trên làn môi hồng có duyên hé mở một nụ cười phúc hậu. Đêm nay sẽ là một đêm trăng đẹp và không gió mưa.

***

Cứ hoàng hôn là đất trời đẹp lạ lùng và thiếu phụ cũng vậy. Nét đẹp mặn mà ấy có nhiều người đàn ông thấy được. Tiếc rằng, họ không thấy được những tia nắng chiều soi qua khe cửa, chiếu vào bức tranh Hội nghị Diên Hồng. Trong tranh, đôi mắt của thiếu nữ càng đẹp hơn và dòng người dự hội nghị hình như đang chuyển động.

***

Sau khi nghe tôi đọc câu chuyện này, mẹ tôi đang nằm võng, ngồi dậy búi lại tóc rồi cười:

– “Thằng cha mày! Hồi đó mẹ có đẹp được như mày tả đâu. Mày nói dóc quá.”

Rồi mẹ tôi lại trầm ngâm:

– “Có cái đoạn mày tả cảnh giăng câu, những người chưa trải qua khó mà hiểu được hết cái sướng, cái khổ của nó. Rồi thì đồng ruộng hồi đó đâu chỉ có bông súng ma như mày kể mà còn có năng, lát, đủ thứ hết.”

Mấy đứa con tôi đang chơi nhà chòi kế bên, nghiêng người sang hỏi:

– “Năng lát là cây gì hở bà?”

Mẹ tôi cười:

“Mấy cây này khó diễn tả lắm. Tụi bây lên mạng kiếm hình của nó coi cho dễ. Phải hồi đó mà có điện thoại nội quay phim lại cảnh tao với cha mày giăng câu để tụi mày coi cho biết. Cha tụi mày hồi đó cái đầu quắn dữ lắm.”

Mấy đứa con tôi được dịp cười nghiêng ngả. Chúng nó vò đầu rối bù để diễn tả rồi hỏi mẹ tôi xem đã giống chưa.

– “Làm sao quắn bằng cái đầu cha mày hồi đó được” – Mẹ tôi vừa nói vừa cười, khuôn mặt vẫn đẹp dù đã có những nếp nhăn in lần theo năm tháng.

Mẹ tôi ngả lưng lên võng, nhìn xa xăm. Chắc bà đang nghĩ về chiếc xuồng nhỏ giữa cánh đồng. Chắc bà đang nghĩ về những nhành bông điên điển. Hay đang nghĩ về những con trâu dầm nước giữa đồng sâu?

***

Đêm qua, tôi đã mơ một giấc mơ. Giấc mơ về một đàn trâu lội giữa đồng nước rồi lội ra sông lớn, trông như những vị thần.

Xem thêm: Thử giải thích bài thơ Chiên đàn thụ của Miên Thẩm

  • Share on Facebook
  • Tweet on Twitter
  • Share on LinkedIn
Post Views: 61

Bài viết liên quan

Phụng Nghi Đồng Tuyết Nhi
Tâm sự vu vơ của tác giả Phụng Nghi – admin kênh “Cùng mình hoàn thiện bản thân”
Tư duy thành công trong mọi ngành nghề bài học từ Sadhguru
Sách Tư duy thành công của Phụng Nghi chính thức ra mắt
Những quyển sách hay về kinh doanh Sách Tư duy thành công trong mọi ngành nghề bài học từ Sadhguru
Lời ngỏ của tác giả Phụng Nghi về quyển sách Tư duy thành công…

Chuyên mục: Sáng tác văn học

💎💎💎KÊNH YOUTUBE CỦA CHÚNG TÔI 💎💎💎🌿🌿🌿 NHẤP VÀO ẢNH ĐỂ XEM NHÉ! 🌿🌿🌿

Sadhguru Tiếng Việt
Bài viết trước « Cho những ai đang cảm thấy cô đơn, mệt mỏi và bế tắc
Bài viết sau Ngọc trai (trân châu) có thực sự giúp đẹp da và điều trị bệnh? »

Sidebar chính

Bài viết mới nhất

Chiếc nhẫn bằng đồng hình con rắn

Chiếc nhẫn bằng đồng, hình con rắn, được thánh hiến tại Isha, do Sadhguru thiết kế (giá 120 k)

11/03/2023

Hạt kim cang cho trẻ em Isha sadhguru

Hạt kim cang cho trẻ em dưới 14 tuổi, được thánh hiến tại Isha (Ấn Độ, Sadhguru đề xuất) giá 120 k

11/03/2023

Sách của Sadhguru

Sách của Sadhguru – vì sao đến nay vẫn chưa có ai dịch chính thức?

10/03/2023

Phụng Nghi Đồng Tuyết Nhi

Tâm sự vu vơ của tác giả Phụng Nghi – admin kênh “Cùng mình hoàn thiện bản thân”

09/03/2023

Tư duy thành công trong mọi ngành nghề bài học từ Sadhguru

Sách Tư duy thành công của Phụng Nghi chính thức ra mắt

07/03/2023

Chuỗi hật kim cang Isha do Sadhguru giới thiệu

Chuỗi hạt kim cang Rudraksha được thánh hiến tại Dhyanalinga, Isha – kén năng lượng của bạn (giá 400 k)

04/03/2023

Thông tin trên CâyHoaLá.com chỉ mang tính tham khảo. Vui lòng hỏi ý kiến chuyên gia trước khi áp dụng!