Bị máu nhiễm mỡ nên ăn gì?
Bệnh mạch vành, béo phì và máu nhiễm mỡ là những chứng bệnh thường gặp hiện nay. Trong bài viết này, chúng mình sẽ chia sẻ với các bạn một số món ăn giúp giảm nhẹ các chứng bệnh này nhé.
Nội dung chính ⇒
1. Mứt ngọt sơn tra (táo mèo) cho bệnh nhân béo phì, máu nhiễm mỡ
Mứt táo mèo là món ăn chua ngọt rất khoái khẩu. Được biết, món ăn này có tác dụng giảm béo, khai vị, giúp dễ tiêu, nhuận tràng và hoạt huyết hóa ứ.
Vì vậy, mứt táo mèo phù hợp với những người đang mắc các chứng như:
- Bệnh mạch vành
- Đại tiện không thông.
- Bệnh béo phì và máu nhiễm mỡ (kèm táo bón).
- Rối loạn tiêu hóa, khó tiêu.
Lưu ý: Những người bị tiểu đường không nên ăn mứt này.
Cách làm:
Chuẩn bị: nửa kg táo mèo và 250 g mật ong (táo mèo nên chọn quả to, có màu đỏ đậm và đầy đặn).
Thực hiện: Lấy táo mèo rửa sạch, lặt bỏ cuống, móc bỏ hạt rồi cho vào nồi, sau đó thêm nước và nấu cho đến khi gần chín. Khi thấy nước cạn, các bạn cho mật ong vào và vặn lửa nhỏ đến khi thành mứt nhé.
Thông tin thêm về tác dụng của táo mèo và mật ong:
Táo mèo: là vị thuốc dân gian có vị chua ngọt, tính hơi ấm, giúp tan máu ứ, lợi tiểu và cầm lại cơn tiêu chảy. Không chỉ thế, kết quả nghiên cứu hiện đại còn cho thấy táo mèo có tác dụng hạ huyết áp, làm dãn mạch và giảm mỡ máu, đồng thời còn làm tăng lượng enzym trong dạ dày và thúc đẩy tiêu hóa thức ăn.
Mật ong: chứa nhiều nguyên tố vi lượng như Sắt, Ma giê và các vitamin A, B1, B2, E, K. Về mặt y học, mật ong được biết đến là vị thuốc giúp bổ trung, ích khí, nhuận táo, thông tiện và tốt cho những người mắc bệnh về tim mạch. Bên cạnh đó, mật ong còn có chứa chất dính (kích thích tế bào phân chia) nên có tác dụng làm lành vết thương.
2. Nấm đông cô hấp táo đỏ
Nấm đông cô hấp táo đỏ là món ăn thơm bổ, giúp ích khí hoạt huyết, làm giảm mỡ máu và mềm hóa mạch máu. Không chỉ thế, món ăn này còn giúp bạn mau thấy no.
Đặc biệt, nấm đông cô hấp táo đỏ còn là món ăn giúp ức chế và phòng ngừa ung thư.
Lưu ý: Những người bị tiểu đường không nên ăn.
Cách làm:
Chuẩn bị: 100 g táo đỏ, 30 g nấm đông cô khô, muối, củ gừng tươi, bột ngọt và dầu đậu phộng (vừa đủ).
Thực hiện: Trước tiên, các bạn lấy nấm đông cô ngâm cho nở rồi làm sạch vụn gỗ, táo đỏ cũng đem rửa sạch, móc bỏ hạt. Tiếp theo, các bạn cho nấm, táo đỏ cùng các gia vị vào tô rồi đổ thêm nước (một lượng vừa đủ), đem hấp trong một giờ thì lấy ra để nguội và dùng.
Thông tin thêm về táo đỏ và nấm đông cô
Táo đỏ: chứa nhiều vitamin và giúp bồi bổ, bảo vệ gan, điều hòa tỳ vị, ích khí sinh tân, giảm mỡ máu, chống ung thư và đột biến.
Nấm đông cô: giúp ích khí, khai vị và tăng cường miễn dịch.
3. Đậu hủ (tàu hủ) chiên táo mèo
Tàu hủ chiên táo mèo là món ăn thanh mát, giúp dễ tiêu và tan đờm. Với những người bị táo bón, tim mạch, cao huyết áp và xơ cứng động mạch thì ăn thêm món này sẽ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh rất tốt.
Cách làm:
Nguyên liệu: 100 g táo mèo, nửa kg tàu hủ, một ít bột năn, bột ngọt, muối, đường, giấm, củ gừng, nước tương, tỏi và hành lá.
Thực hiện:
Bước 1: Lấy thịt quả táo mèo cắt nhỏ và nhuyễn ra, với tàu hủ thì cắt lát mỏng.
Bước 2: Lấy muối, đường, bột ngọt và giấm, cùng nấu với bột năng làm thành sốt.
Bước 3: Lấy tỏi, hành và gừng (đã thái nhỏ) cho vào chảo dầu, phi cho thơm rồi đổ tàu hủ và táo mèo vào.
Bước 4: Rưới nước sốt lên, trộn đều và thưởng thức.
Lưu ý: Người bị tiểu đường nên hạn chế ăn món này (hoặc dùng loại đường chuyên dùng cho bệnh nhân tiểu đường để nêm nếm).
Thông tin thêm về tác dụng của tàu hủ (đậu phụ, đậu hủ)
Tàu hủ là loại thức ăn giúp thanh nhiệt, giảm ho, giải độc, lợi sữa, giảm mỡ máu, tốt cho những người tăng huyết áp, bị tim mạch và xơ cứng động mạch.
4. Cháo yến mạch táo đỏ
Cháo yến mạch táo đỏ là món ăn giúp bổ khí hoạt huyết, thông tiện và tốt cho những người bị mỡ máu cao, tăng huyết áp và xơ cứng động mạch.
Nguyên liệu: 100 g yến mạch phiến và 10 quả táo đỏ.
Cách nấu: Lấy táo đỏ ngâm với nước ấm rồi vớt ra, cho vào nồi và thêm nước vào (một lượng vừa đủ) và nấu. Khi thấy nước sôi, các bạn đổ yến mạch phiến vào rồi vặn lửa nhỏ lại, tiếp tục khấy đều cho đến khi chín.
Lưu ý: Người bị tiểu đường không nên ăn.
Thông tin thêm về công dụng của yến mạch phiến
Yến mạch phiến có tính mát, giúp giảm mỡ máu (nhờ chứa acid linolenic) và thông tiện (nhờ chứa saponin).
5. Chè đậu nành
Chè đậu nành là loại chè thơm ngon, thanh mát, thích hợp cho những người suy nhược, tăng huyết áp, mỡ máu cao và xơ cứng động mạch.
Thành phần: nửa lít sữa đậu nành, 100 g gạo và một lượng đường vừa đủ.
Cách nấu: lấy gạo vo sạch rồi cho vào nồi, sau đó đổ sữa đậu nành vào, nấu chín nhừ rồi thêm đường vào.
Thông tin thêm về tác dụng của sữa đậu nành và gạo trắng
Sữa đậu nành: có tính mát, vị ngọt, giúp thanh nhiệt, sinh tân, giải độc, lợi sữa và nhuận táo, làm giảm cholesterol và là thức uống bổ ích cho người bị bệnh về tim mạch (tăng huyết áp, xơ cứng động mạch).
Gạo trắng: giúp bổ trung ích khí, làm mạnh tỳ vị.
Xem thêm: Các món ăn từ hoa mơ
Tư liệu tổng hợp
- Bàng Cẩm, Món ăn cho người bệnh mạch vành và cao mỡ máu, NXB Đà Nẵng.
Keyword: Bệnh máu nhiễm mỡ nên ăn gì