Đậu đũa là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình. Đậu đũa luộc, đậu đũa xào, đậu đũa nấu canh, đậu đũa kho…, món nào cũng ngon miệng. Thế nhưng, bạn có biết hạt đậu đũa còn được dùng làm thuốc không?
Và chắc rằng, bạn cũng sẽ như mình, cũng không khỏi bất ngờ khi biết rằng khi biết rằng hạt đậu đũa có thể điều trị nhiều bệnh thường gặp như: tiểu đường, tiểu dắt, tiểu dầm, đại tiện thất thường…
Nội dung chính ⇒
Đậu đũa – nguồn bổ sung chất đạm thực vật
Bạn có biết, hàm lượng chất đạm trong hạt đậu đũa rất cao, từ 21 – 25 %. Vì vậy, đây là loại hạt bổ sung năng lượng và giúp tạo cơ rất tốt. Với những người ăn chay, không bổ sung được chất đạm động vật thì ăn đậu đũa sẽ là giải pháp thay thế (đậu đũa, đậu nành, đậu rồng là các loại hạt giàu chất đạm).
Cách dùng: bạn có thể ăn riêng hạt đậu đũa (nấu chín) hoặc chế biến quả đậu đũa non thành các món ăn hàng ngày.
Liều lượng: khoảng 100 g mỗi lần.
Lưu ý: Người bị bệnh Gout (thống phong) không nên ăn vì đậu đũa chứa nhiều đạm nên sẽ làm bệnh nặng hơn.
Công dụng chính của đậu đũa
Theo y học cổ truyền, đậu đũa có vị ngọt thanh nhưng hơi mặn và có tính bình. Công dụng nổi trội của loại đậu này chính là:
- Điều hòa ngũ tạng.
- Giúp ruột khỏe mạnh.
- Giúp ích khí.
Những người nào nên ăn đậu đũa?
- Người bị đái tháo đường (tiểu đường).
- Người đại tiện thất thường.
- Người bị viêm đại tràng mãn tính (viêm ruột già mãn tính).
Những lưu ý quan trọng khi ăn đậu đũa
- Tuyệt đối không được ăn sống hoặc ăn tái vì trong đậu đũa có chứa lectin, nếu ăn sống quá nhiều sẽ gây ngộ độc với các biểu hiện như: đau bụng, nôn mửa… và thậm chí tử vong. Vì vậy, hãy nấu chín đậu đũa trước khi ăn, bạn nhé!
- Không ăn quá nhiều đậu đũa trong ngày vì sẽ gây khó tiêu.
- Đậu đũa là thực phẩm dễ bị nhiễm hóa chất (vì cây đậu đũa rất bị sâu bệnh). Do đó, nếu không thể tự trồng để ăn thì khi mua về, bạn nên ngâm rửa bằng nước muối thật kỹ và nên luộc trước, sau đó mới vớt ra và chế biến thành các món khác, bạn nhé! (4).
Ăn hạt đậu đũa chữa bệnh gì?
Hạt đậu đũa nấu lên ăn rất béo, bùi và thơm. Theo y học cổ truyền, hạt đậu đũa có các công dụng sau đây:
1. Chữa tiểu dắt, tiểu dầm và tiểu đêm nhiều lần
Lấy 50 – 100 g hạt đậu đũa, đem nhét vào một cái bong bóng lợn rồi nấu ăn (ăn 5 – 7 lần sẽ thấy cải thiện).
2. Chữa đại tiện thất thường (có khi tiêu chảy, có khi kiết lỵ, có khi táo bón)
Lấy 50 – 100 g hạt đậu đũa, nhét vào trong ruột lợn (ruột già đã được làm sạch), sau đó hầm ăn như các món ăn thông thường.
3. Chữa tiểu đường
Lấy 50 – 100 g hạt đậu đũa, nấu lấy nước uống rồi ăn luôn cả cái (uống đều mỗi ngày và liên tục một tuần để thấy hiệu quả).
Lá đậu đũa có ăn được không?
Lá đậu đũa non có thể ăn được bằng cách nấu canh hoặc xào. Theo y học cổ truyền thì lá đậu đũa non có thể hỗ trợ cho người hay nôn mửa, tiểu dắt và tiểu dầm (tuy nhiên, ngày nay ít ai ăn lá non).
Vấn đề gây tranh cãi
Theo ghi chép trong quyển Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, bộ mới (của nhà nghiên cứu Võ Văn Chi) thì hạt đậu đũa có tác dụng bổ thận, sinh tinh. Vì vậy, nó có thể chữa các chứng như tinh trùng ít, di tinh và liệt dương (do thận hư yếu). Cách dùng: lấy 100 g hạt đậu đũa, đem hầm với thận lợn (vừa đủ ăn) và ăn như món ăn tẩm bổ thông thường (ăn 5 – 7 lần).
Tuy nhiên, theo thông tin từ trang giadinh.net.vn thì có một thí nghiệm trên động vật cho thấy hạt đậu đũa có thể gây hại đến tinh trùng. Do đó, trước khi có kết luận cuối cùng thì thiết nghĩ, nam giới không nên ăn quá nhiều đậu đũa (3).
Cây đậu đũa có tên khoa học là gì?
Cây đậu đũa có danh pháp ba phần là Vigna unguiculata subsp. sesquipedalis, thuộc họ Đậu (2). Ở nước ta, có hai giống đậu đũa là đậu đũa lùn (cây cao không quá 0,7 m) và đậu đũa leo (giống này bò giàn với nhiều loại khác nhau về màu hạt).
Xem thêm: Đậu nành và những giá trị đối với sức khỏe
Tư liệu tổng hợp
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, trang 894.
- Đậu đũa, https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%ADu_%C4%91%C5%A9a
- Những điều cần tránh khi ăn đậu đũa, trang giadinh.net.
- Ăn đậu đũa có tốt không và ăn sống được không?, trang maysaymatech.com.
- Tuệ Minh – Dương Thiên, Cây thuốc nam thông dụng trị liệu trong gia đình, trang 197.