Từ xưa, dân gian đã có kinh nghiệm dùng ruột quả bí đao còn tươi (có cả hạt), đem giã nát rồi thoa lên da để giảm mụn, giảm nám, giúp da trắng hồng và tươi tắn hơn.
Không chỉ thế, những người bị thừa cân còn nấu canh bí đao ăn, mỗi lần khoảng 40 g, mỗi tuần ăn 3 lần để thông tiểu, lợi tiểu và giảm béo.
Cũng chính vì thế, những người gầy ốm, thận yếu thì không nên ăn bí đao vì sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Nội dung chính ⇒
Cách dùng bí đao giúp da căng bóng, hết nám sạm
Bài thuốc này được gọi là “Đông qua tẩy diện dược” (“Đông qua” là quả bí đao). Cách dùng như sau:
- Lấy một trái bí đao vừa vừa, gọt bỏ vỏ rồi thái thành từng lát mỏng.
- Sau đó, lấy 0,5 lít nước hòa cùng 0,5 lít rượu rồi cho bí đao vào, luộc cho chín rục thì vớt bỏ bí, chỉ lấy phần nước ấy tiếp tục nấu.
- Khi thấy nước cô đặc lại, bạn cho thêm 250 g đường trắng vào, nấu thêm một chút cho kẹo lại rồi đổ vào hủ thủy tinh, để nguội tự nhiên và đậy nắp lại để dùng dần (bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh).
- Mỗi lần dùng, bạn lấy một ít nước thuốc ấy, trộn với lòng trắng trứng gà rồi bôi lên da, massage nhẹ nhàng vài cái. Sau 20 phút, bạn rửa mặt lại với nước là được.
Bài thuốc trên giúp cải thiện da sạm, nám từ bên ngoài (kiên trì dùng trong 1 tháng, mỗi ngày 1 lần).
Tuy nhiên, với trường hợp bị nám do nguyên nhân từ bên trong (như rối loạn sắc tố, bệnh về gan, phổi…) thì nên đến bệnh viện, hiệu thuốc để được hướng dẫn dùng các bài thuốc uống giúp tư dưỡng khí huyết, điều trị các bệnh gây nám da…
Cách dùng bí đao điều trị tiểu đường
Bí đao giàu chất xơ, giúp giải khát nên được ứng dụng trong điều trị tiểu đường. Theo kinh nghiệm dân gian, với trường hợp tiểu đường có kèm biểu hiện khát nước nhiều, uống nước nhiều và đi tiểu nhiều thì có thể dùng các bài thuốc sau để điều trị:
- Cách 1: Lấy 100 g thịt quả bí đao, 30 g củ mài (hoài sơn) và 30 g lá sen, tất cả cùng nấu lấy nước rồi chia ra 2 hoặc 3 lần uống trong ngày. Được biết, củ mài cũng là vị thuốc điều trị tiêu khát (tiểu đường) và lá sen cũng có tác dụng điều tiết hoocmon insulin, giúp ổn định đường huyết và giảm béo.
- Cách 2: Lấy 30 g vỏ quả bí đao tươi (vỏ tươi, xắt nhỏ), 10 g thiên hoa phấn (mua ở tiệm thuốc Bắc, giã nát) và 30 g vỏ quả dưa hấu (vỏ tươi, xắt nhỏ); tất cả cùng nấu lấy nước uống rồi chia thành 3 lần uống trong ngày. Bài thuốc này dùng cho trường hợp tiểu đường có kèm đi tiểu nhiều, nước tiểu đục, hay khát nước.
Lưu ý khi dùng các bài thuốc trên để điều trị tiểu đường
- Phụ nữ đang mang thai và phụ nữ vừa mới sinh nở không nên dùng.
- Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt hoặc đang cho con bú không nên dùng các bài thuốc có lá sen.
- Người thể tạng hư hàn, hay lạnh tay chân, bị bệnh về bao tử, chướng bụng… cũng không nên dùng.
- Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng, không được tự ý bỏ thuốc đang uống mà nên hỏi xem trường hợp bệnh của bạn có thể kết hợp cả Tây y và Đông y không, cách kết hợp như thế nào…
- Theo dõi đường huyết thường xuyên để gia giảm liều lượng cho phù hợp (nếu uống 3 ngày mà không thấy thuyên giảm hoặc chuyển biến xấu hơn thì cần ngưng lại và hỏi ý kiến bác sĩ).
Xem thêm: 10 loại cây quen thuộc giúp điều trị tiểu đường
Tư liệu tham khảo
- Bí đao trị nám, https://vtv.vn/suc-khoe/bi-dao-tri-nam-20190804180048339.htm
- Những loại rau quả giúp trị tiểu đường, Báo Sức khỏe đời sống.
- Vối, ổi, sen với bệnh nhân đái tháo đường, báo Tuổi trẻ.
- Sự thật về “thần dược” lá sen khô chữa huyết áp, tiểu đường, Tiên phong.
- Bí đao, vị thuốc giảm cân lợi tiểu, báo Đồng Tháp.