Đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen… là các loại đậu tốt cho người tiểu đường.
Trong công trình Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới, tập 1, Võ Văn Chi) và công trình Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi), các tác giả đều đề cập đến cách dùng đậu xanh điều trị tiểu đường, đó là lấy đậu xanh nấu thành cháo để ăn hàng ngày.
Ngoài ra, theo nguồn tin từ báo Nông nghiệp Việt Nam thì ta còn có thể điều trị tiểu đường bằng cách lấy 40 g đậu xanh, 40 g ý dĩ (bo bo) và 40 g đậu đỏ, nấu thành cháo và ăn mỗi ngày (1) (2) (3).
Vậy, bạn có thắc mắc vì sao đậu xanh lại có thể điều trị tiểu đường không?
Nội dung chính ⇒
Đậu xanh, thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp
Theo nguồn tin từ trang http://www.gilisting.com/ thì đậu xanh có chỉ số đường huyết GI = 31. Đây là chỉ số đường huyết ở mức thấp, vì vậy, người bị tiểu đường có thể ăn đậu xanh mà không sợ bị tăng đường huyết đột ngột.
Sở dĩ đậu xanh không làm tăng đường huyết đột ngột là vì nó chứa nhiều chất xơ, vì vậy, mặc dù hàm lượng đường trong hạt đậu xanh khá cao (gần 7 %) nhưng khi đi vào cơ thể, đó được tiêu hóa cùng với chất xơ và nhiều chất khác (có trong hạt đậu). Vì vậy, quá trình phân giải đường vào máu cũng diễn ra chậm hơn và đường huyết không bị tăng đột ngột (hạn chế biến chứng tiểu đường) (4) (5).
Các nghiên cứu về tác dụng của đậu xanh đối với bệnh tiểu đường
Không chỉ y học cổ truyền mà các kết quả nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy tiềm năng điều trị tiểu đường của hạt đậu xanh. Cụ thể như sau:
- Theo tạp chí Journal of Agricultural and Food Chemistry, kết quả nghiên cứu trên chuột tiểu đường type 2 cho thấy chiết xuất từ giá đậu xanh và vỏ hạt đậu xanh có tác dụng hạ đường huyết, hạ mỡ máu và giúp tăng hoocmon insulin (hoocmon tốt cho bệnh nhân tiểu đường) (6).
- Theo tạp chí BioMed Research International, kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất từ đậu xanh lên men không giúp hạ đường huyết trên chuột bình thường nhưng lại giúp hạ đường huyết trên chuột bị tăng đường huyết do glucose và alloxan gây ra (ngoài ra còn giúp tăng mức độ tiết insulin ở chuột bị tăng đường huyết) (7).
- Theo tạp chí Food Science and Biotechnology, chiết xuất ethanol 95% của vỏ hạt đậu xanh có tác dụng hạ đường huyết trên chuột tiểu đường type 2 (8).
- Theo tạp chí Journal of the Korean Applied Science and Technology, bổ sung 5 % bột đậu xanh vào chế độ ăn của chuột tiểu đường (do streptozotocin gây ra) cho thấy tác dụng cải thiện lượng đường trong máu cũng như cải thiện chức năng chuyển hóa lipid ở chuột thí nghiệm (9).
Các kết quả trên cho thấy đậu xanh còn có tác dụng cả với bệnh nhân tiểu đường có kèm mỡ máu cao, béo phì…
Thông tin thêm
Đậu xanh là một trong các loại thực phẩm quen thuộc được dùng điều trị tiểu đường, bao gồm: đậu đen, đậu đỏ, bí đao, bí ngô, cà rốt, khổ qua, khổ qua rừng…
Tuy nhiên, có một điều cần chú ý là khi dùng các loại đậu hạt thì ta phải nấu chín và cần dùng cả vỏ (vì vỏ đậu chứa rất nhiều hoạt chất quý) (10).
Lưu ý: Với trường hợp bị tiểu đường nặng, bệnh nhân không nên tự ý bỏ thuốc đang uống mà cần hỏi bác sĩ (thầy thuốc) về cách kết hợp Đông Tây y sao cho hiệu quả. Được biết, đậu xanh có tác dụng giã thuốc nên không thể uống cùng các thuốc khác (mà cần uống cách một khoảng thời gian nhất định).
Tư liệu tham khảo
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 932.
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 918.
Xem thêm: Đậu xanh chữa bệnh gì? Tác dụng làm thuốc của hạt đậu xanh