“Năm ngoái, lúc tám với một thằng bạn người Anh, tôi hỏi nó “tại sao mày chọn cuộc sống đi lang bạt thế này?”.
Nó bảo: “Tao không biết phải trả lời như thế nào nữa, tao bỏ nhà đi bụi từ năm tao 18 tuổi kia. Sau 5 – 6 năm, tao cũng quay về Anh theo yêu cầu của cha tao.
Tao cũng đã cố gắng theo đuổi sự nghiệp, kiếm việc ổn định, cũng đã mua nhà, mua xe để bắt đầu xây dựng gia đình.
Nhưng mà sau 5 năm, tao biết những thứ đó không làm tao thấy hài lòng thoả mãn.
Tao biết rất rõ bản thân tao không chịu được sự trói buộc thì tao không thể chọn cuộc sống gia đình”.
Tôi nhớ rất rõ có một đoạn nó bảo rằng: Thế hệ của cha mẹ tao, họ cứ trưởng thành, kết hôn rồi sinh con mà không hề biết làm cha mẹ nghĩa là như thế nào. Họ không có sự hiểu biết về việc làm cha mẹ, cũng không hề có sự chuẩn bị hay sẵn sàng để làm cha mẹ.
Tao đã có một thời thơ ấu đầy tổn thương. Tao đã từng là một đứa trẻ rất ngỗ ngược ngang tàng, nổi loạn, nó dùng chữ đại loại là tao đã từng rất crazy! (điên).”
(câu chuyện của NN. Nguyen).
🌿
“Đúng vậy. Thế hệ của tôi là một thế hệ nhập nhoạng. Gọi “nhập nhoạng” là vì từ trạng thái đó, rất nhiều người trong chúng tôi đã vươn lên thành công, nhưng cũng rất nhiều người bị méo mó thành hư hoại.
Nên nói như thế nào để không trở thành đứa con bất hiếu?
Đúng vậy. Phụ huynh của chúng tôi thực sự không biết cách dạy con.
Họ chỉ biết yêu thương một cách mù quáng.
Họ nuôi dạy chúng tôi trong nỗi sợ của họ, bằng tất cả những gì họ có thể làm. Tiếc thay, khoảng cách giữa hai thế hệ là quá lớn, đến mức sự bao bọc và nỗi lo của họ khiến chúng tôi cảm thấy mất tự do, ngột ngạt và uất ức.
Chúng tôi muốn được tự do và tôn trọng.
Đã bao lần, chúng tôi vùng dậy, điên loạn, phá phách, bỏ đi…
Họ lại càng hoảng loạn và phẫn nộ, và làm những chuyện dở khóc dở cười, bởi vì họ thực sự không biết phải xử lý như thế nào. Thế rồi, hầu hết những người làm cha mẹ đều chọn trấn áp, dọa nạt, khóc lóc, bạo lực…
Chúng tôi là một thế hệ bất lực trong giáo dục nhân cách và lối sống. Chúng tôi nhìn thấy sự thô lỗ trong cách giáo dục của cha mẹ mình, nhưng chính chúng tôi cũng không thể làm gì khác hơn, bởi vì nhân danh lòng thương và sự hy sinh, cha mẹ chúng tôi không cho phép chúng tôi quyền được nói.
“Mày ra đời được bao nhiêu!”
Liệu chúng tôi có hận cha mẹ mình không?
Không. Mặc dù nhiều lúc chúng tôi thực sự giận đến điên lên, gần như là thù hận, nhưng nó chỉ là thoáng chốc, bởi vì liên kết lại tất cả những gì đã diễn ra, chúng tôi biết, đâu đó, họ vẫn là những người thương chúng tôi nhất.
Nếu chúng tôi có thành công trên đường đời, nếu chúng tôi kiếm được nhiều tiền và xinh đẹp hơn, giỏi giang hơn…, thì hầu hết những người ngoài kia sẽ không thực sự vui mừng.
Chỉ có họ là những người sẽ vui mừng thực sự, hạnh phúc thực sự.
Chỉ là, vì thiếu hiểu biết, họ đã đối xử với chúng tôi theo cách biến chúng tôi thành những đứa trẻ mất tự do, bất hiếu và vong ơn!
Chúng tôi đứng trên đôi vai của họ, dùng tiền của họ đi đến những nơi mà họ chưa từng đi, ăn những món mà họ chưa từng được ăn.
Chúng tôi bước trên tuổi già của họ, cho những đam mê tuổi trẻ của mình.
Chúng tôi trải nghiệm những điều mà cả đời này họ chưa bao giờ trải nghiệm, nên chúng tôi có cái nhìn khác hơn, cởi mở hơn.
Và khi nhìn lại họ, chúng tôi cảm thấy khó chịu vì sự lạc hậu cũ kỹ, cứng nhắc và ti tiện.
Một trăm bó rau của họ chỉ bằng tấm vé xem phim của chúng tôi. Một ngày làm công của họ không đủ cho món quà ngày sinh nhật. Lỗ tai không rửa ráy, móng tay dài không cắt, bộ đồ vá đụp vá chằng… không tiết kiệm đủ cho lọ mỹ phẩm hay chiếc son vừa quảng cáo trên face!
Họ đúng là không biết hưởng thụ, chỉ vì nỗi lo túng thiếu, thứ mà họ đã trải qua và bị nó ám ảnh từ thập kỷ nào đó đến bây giờ.
Làm sao có thể hận họ đây – khi chúng tôi là những người đang tiêu xài hoang phí – trong sự nuông chiều đến hư hỏng?
Và làm sao để họ hiểu rằng chúng tôi cũng có suy nghĩ của riêng mình, không thể sống cho khát khao của riêng họ.
Chúng tôi có giấc mơ riêng, không thể trở thành kỹ sư hay bác sĩ mà họ mong ước.
Làm sao để họ hiểu rằng chúng tôi muốn được nói chuyện dịu dàng, nhưng chúng tôi chỉ nhận được những lời khó nghe, đe dọa, trách móc, nhồi sọ… và vì thế, chúng tôi tổn thương, điên lên, nổi loạn.
Liệu những người làm cha mẹ có thể hạ vai vế của mình, để nói chuyện dịu dàng với con cái như một người bạn không? Trong sự tôn trọng và sẻ chia bình thường, chứ không phải giảng dạy?
Hoặc làm sao để chúng tôi có thể nhìn ánh mắt dữ tợn độc quyền của họ mà vẫn có thể hòa nhã dịu dàng?
Bao nhiêu đứa trẻ được sinh ra như thiên thần, chịu đựng sự giáo dục từ gia đình đến trầm cảm, rối loạn, phản kháng, bỏ đi, bạo lực và phạm tội…
Một thế hệ không biết cách giáo dục đúng đắn và khai phóng, tạo ra một thế hệ đầy tổn thương và cũng không tốt hơn được bao nhiêu. Đến lượt chúng tôi, chúng tôi cũng bị ảnh hưởng bởi bạo lực và lo âu, thô lỗ và rối loạn. Chúng tôi bắt đầu cư xử với thế giới bằng một nhân cách méo mó thô lỗ, đầy tổn thương, và rồi cái bi kịch ấy cứ như thế.
Tại sao nhiều người trong chúng tôi lại sợ kết hôn và sinh con?
Bởi vì chúng tôi sợ cái bi kịch đã từng trải qua, và vì chúng tôi cũng không biết nên dạy con bằng phương pháp nào để không xảy ra bi kịch, chúng tôi thực sự không biết.
Cho tới gần đây, chúng tôi biết phương pháp của Sadhguru từ một vài video có sẵn trên youtube: trở thành bạn của con cái, không giảng đạo lý, học hỏi từ chúng và cho chúng tự do, chịu trách nhiệm về cuộc đời mình.
Liệu có khả quan hơn không? Chúng tôi thực sự không biết.
Nhưng nó sẽ mang lại kết quả khác hơn. Chúng tôi không muốn bi kịch này tái diễn một lần nữa!
Nếu như ai đó có thể thay đổi thế giới, thì đó là chúng tôi.
Bằng cách hiểu lý do về sự vô lý của cha mẹ mình, và chịu trách nhiệm cho tương lai của thế hệ kế tiếp mình!
Vì một nền giáo dục khai phóng!
(Câu chuyện của cộng đồng fan Sadhguru – Phụng Nhi chấp bút, edit)