Mứt gừng là một trong những loại mứt dễ làm, để ăn khá lâu và còn có thể hỗ trợ điều trị bệnh (nếu dùng đúng cách).
Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn các bạn cách làm mứt gừng mà mình đã thực hiện thành công nha. Rất dễ bạn ạ.
Cách làm mứt gừng tại nhà
Trước tiên, bạn cần mua củ gừng tươi (khoảng 1 kg hoặc 2 kg tùy nhu cầu).
Lưu ý: Bạn chọn loại gừng không quá già nhưng cũng không quá non nhé (nếu non quá thì miếng mứt không đủ thơm; nếu già quá thì lại cay và nhiều xơ).
Sau khi mua về, bạn làm theo các bước sau:
Bước 1: Rửa sạch rồi gọt vỏ củ gừng, với những phần non quá thì bạn khỏi gọt vỏ cũng được, sau đó rửa lại với nước.

Bước 2: Bạn thái củ gừng thành các lát vừa phải (bạn thái hơi dày một chút vì nếu thái mỏng quá thì miếng mứt gừng sẽ cứng, không dẻ và không thơm ngon).

Bước 3: Sau khi thái lát, bạn cho vào nồi hoặc thau, đổ nước ngập, sau đó vắt 1 trái chanh vào và ngâm như thế khoảng 30 phút.

Bước 4: Sau khi ngâm, bạn để nồi lên bếp và nấu cho sôi, giữ sôi thêm 15 phút nữa thì nhắc xuống, đổ nước ấy ra và rửa lại bằng nước lã (rửa 3, 4 lần). Sau đó, bạn ngâm gừng trong nước đá thêm 30 phút nữa (bạn đổ nước ngập củ gừng rồi đổ nước đá vào là được).
Bước 5: Vớt các lát gừng ra, thêm đường vào (với 1 kg củ gừng thì dùng khoảng 400 g – 500 g đường là được), trộn đều và để như thế 30 phút (lúc này đường sẽ nhĩn ra thành nước, xem xép các lát gừng).

Bước 6: Cho gừng vào chảo (đổ luôn cả gừng và nước đường), mở lửa vừa vừa cho đến khi thấy sôi lên, nước bốc hơi thì bạn vặn lửa nhỏ lại. Từ lúc này về sau, chúng ta chỉ dùng lửa nhỏ, riu riu để ngào nhé (bạn phải kiên trì vì nó khá mất thời gian đấy).

Bước 7: Bạn cứ ngào như thế và dùng đũa trộn đều thì khoảng 1 tiếng, nước đường sẽ khô lại, các lát gừng cũng cứng lại. Khi thấy đường đã thấm hoàn toàn vào các lát gừng, bạn tắt bếp, để nguội và cho vào keo thủy tinh để dùng dần.

Lưu ý:
- Bạn phải vặn lửa thật nhỏ vì nếu để lửa lớn thì lớp đường sẽ cứng thành kẹo kéo (hoặc khét), không bám vừa phải vào các lát gừng và cũng không thể tạo thành màu trắng đặc trưng của miếng mứt được.
- Sau khi ngào, nếu thấy miếng mứt còn khá mềm, chưa đủ độ cứng bạn muốn hoặc miếng mứt không có đường bám bên ngoài thì bạn có thể cho thêm đường vào, trộn đều, sau đó tiếp tục mở lửa nhỏ và ngào thêm cho đến khi miếng mứt được như ý bạn muốn nhé!
Có nên ăn mứt gừng mỗi ngày không, ăn nhiều có sao không?
Mứt gừng ngon, giúp ấm bụng, dễ tiêu nhưng không nên ăn nhiều.
Mỗi ngày, chúng ta chỉ cần ăn một ít, khoảng 10 g (hoặc 15 g) mứt gừng là đủ.
Nếu bạn thích ăn mứt gừng, bạn cũng không nên quá nhiều hoặc ăn liên tục ngày qua ngày )vì gừng có tính nóng, có thể gây nhiều tác dụng phụ, thậm chí là gây hại cơ thể).

Được biết, dùng quá nhiều gừng trong thời gian dài có thể làm tim đập nhanh, khó thở, sưng môi, sưng lưỡi, da khô, ngứa rát, nổi mề đay hoặc phát ban…
Ăn mứt gừng có tác dụng gì?
Công dụng đầu tiên mà mứt gừng đem lại chính là làm ấm bụng, giúp dễ tiêu hóa. Vì vậy, nó có thể khắc phục tình trạng đau bụng, nôn mửa, trướng bụng… do ăn uống thiếu điều độ.
Công dụng thứ hai mà mứt gừng đem lại là cải thiện tình trạng viêm họng.
Thứ ba, mứt gừng giúp phòng ngừa cảm lạnh, tăng sức đề kháng, giảm đau bụng kinh, kháng viêm, góp phần phòng ngừa các bệnh do vi khuẩn gây ra (tuy nhiên, với đau bụng kinh thì nó chỉ có tác dụng nhẹ, không hiệu quả bằng ngải cứu hoặc hồng hoa).
Những người không nên dùng gừng
Có rất nhiều trường hợp không nên dùng gừng như:
- Người bị sốt, bị bệnh do nhiệt không được dùng.
- Người bị bệnh về bao tử, viêm gan, xơ gan, sỏi mật, cao huyết áp không nên dùng.
- Gừng có tác dụng làm chậm sự đông máu, nếu dùng nhiều còn có thể gây loãng máu (vì vậy, người bị chứng máu khó đông hoặc đang uống thuốc chống đông máu không nên dùng).
- Gừng có tính nóng, nếu dùng nhiều có thể làm vỡ các mạch máu. Vì vậy, những người bị các chứng xuất huyết (chảy máu) như chảy máu cam, trĩ ra máu, chảy máu tử cung… không nên dùng.
- Người có thân nhiệt cao hoặc bị say nắng không nên dùng mứt gừng.
- Người bị tiểu đường không nên ăn mứt gừng (vì mứt gừng chứa rất nhiều đường, có thể làm tăng đường huyết).
- Không dùng những củ gừng tươi đã bị giập vì chúng có thể gây ngộ độc (do sự tự hình thành chất độc).
- Phụ nữ mang thai cuối thai kỳ (giai đoạn sắp sinh) không nên dùng.
- Phụ nữ mang thai đang bị nóng nhiệt, có tiền sử chảy máu âm đạo hoặc sảy thai cũng không nên dùng.
Ăn mứt gừng giúp giảm cân hay tăng cân?
Mứt gừng chứa rất nhiều đường, vì vậy, đây không phải là thực phẩm lý tưởng để giảm cân. Nếu bạn muốn giảm cân bằng thực phẩm, bạn nên chọn các loại rau củ vì chúng ít năng lượng hơn.
Tuy nhiên, mứt gừng cũng không gây tăng cân nếu bạn ăn với lượng vừa phải (không quá 20 g).
Tư liệu tham khảo
- Ăn nhiều mứt gừng có thể khiến bạn bị bệnh nguy hiểm này, https://khoahoc.tv/an-nhieu-mut-gung-co-the-khien-ban-bi-benh-nguy-hiem-nay-77940
- Ăn mứt gừng có giúp giảm cân giảm béo không, https://giammoantoan.vn/an-mut-gung-co-giam-can-khong/
- Kiêng kị khi ăn gừng, https://soha.vn/song-khoe/9-dieu-cam-ky-khong-nho-ky-thi-an-gung-rat-nguy-hiem-20150530100318736.htm