Nếu bạn nghi ngờ bản thân có “duyên âm” đi theo thì bạn có thể dùng loại nước tắm này để hỗ trợ cơ thể (giúp hóa giải để duyên âm ấy rời đi). Với trường hợp nặng thì bạn nên đến chùa, thánh thất, thiền viện… để được hướng dẫn thêm.
Thật ra, khi tinh thần chúng ta đủ mạnh thì tà khí sẽ không thể xâm nhập. Người xưa có câu: “chính khí tồn nội, tà bất khả can”. Ngược lại, khi tinh thần và sức khỏe của chúng ta yếu thì tà khí sẽ có cơ hội xâm nhập vào.
Còn với trường hợp hay mệt mỏi, ớn lạnh, lạnh lưng, lạnh chân tay, lạnh run người từng cơn, nghi ngờ có “duyên âm” theo… thì bạn có thể dùng loại nước tắm này.
Ngoài ra, nếu bạn bị các bệnh về da do nhiễm khuẩn như ghẻ lở, ngứa ngáy, cơ thể có mùi hôi, hôi nách, nổi mụn ở vùng mông hoặc lưng… thì bạn cũng có thể tắm với loại nước tắm này. Nó giúp khí huyết lưu thông, làm sạch da, sát khuẩn, khử mùi, tẩy trừ uế khí và giúp da tươi nhuận hơn.
Với người bình thường, nếu thấy tinh thần mệt mỏi, uể oải thì cũng có thể tắm 1 – 2 lần để thanh tẩy, giúp tinh thần tỉnh táo, phấn chấn hơn.
Lưu ý:
- Phụ nữ mang thai không được tắm.
- Người cơ địa huyết áp thấp, dễ bị tụt huyết áp không nên xông hơi hoặc tắm nước ấm. Vì vậy, với bài thuốc này thì cũng cần hạn chế (nếu tắm thì để nước nguội hoặc chỉ còn ấm nhẹ).
- Nếu bạn bị lạnh chân tay do huyết áp thấp (hay mệt mỏi, đứng lên ngồi xuống hay chóng mặt) thì bạn cần điều trị tình trạng huyết áp thấp của mình. Xem thêm các biểu hiện của huyết áp thấp Tại đây.
Nội dung chính ⇒
Thành phần
- 1 nắm lá trầu không (ta hái lá tươi, chọn lá không quá già cũng không quá non), hái xong thì rửa sạch, lặt bỏ cuống lá.
- 1 nắm lá sả (bạn cũng có thể nhổ 3 – 4 cây sả, rửa sạch, cuộn lại là vừa một nắm tay), rửa sạch.
- 1 củ gừng (chọn củ nhỏ, nặng khoảng 50 – 100 g là được), rửa sạch, giã nát.
- 700 ml – 1 lít rượu trắng (lưu ý chọn mua loại rượu chất lượng, tránh mua nhầm rượu giả vì hiện nay, rất nhiều nơi bán rượu giả, đặc biệt là ở thành thị).
Cách nấu nước tắm
Trước tiên, bạn cho lá trầu, sả và củ gừng (đã giã nát) vào nồi rồi đổ 2 lít nước vào, đậy nắp lại và nấu cho sôi.
Khi thấy nước sôi, bạn đợi thêm 10 phút nữa thì nhấc xuống, đổ ra thau và đổ thêm 1 – 2 lít nước vào sao cho nước chỉ còn âm ấm, sau đó đổ thêm rượu vào (700 ml rượu, tức khoảng 2 chén rượu là vừa).
Lúc này, nước chỉ còn ấm nhẹ thì bạn dùng nước này để tắm gội.
Cách tắm: Múc từng ca nước (ấm ấm), xối từ trên đầu xối xuống, tinh thần thư giãn, để cho dòng nước ướt đều khắp người. Xối vài ca thì lấy lá trầu (chỉ lấy lá trầu) chà nhẹ lên tay và chân, sau đó múc nước xối rửa, xối từ từ cho đến khi hết nước thì thôi.
Thời gian tắm từ 5 – 15 phút. Mỗi ngày tắm 1 lần, tắm 3 ngày liên tiếp là được (nên tắm buổi chiều).
Ghi chú: Với người lớn tuổi bị lạnh chân thì bạn có thể dùng nước này (ấm ấm) để ngâm chân, vừa ngâm vừa lấy nước xối nhẹ từ đầu gối xuống chân (mỗi tuần 1 – 2 lần là được).
Chia sẻ kinh nghiệm
Tôi tình cờ biết đến bài thuốc này khi than thở với ông cậu của tôi rằng tôi chịu lạnh rất dở. Vào mùa đông, hầu như tôi đều phải mang thêm giày vải cho đỡ lạnh và lúc nào cũng mặc hai, ba bộ đồ. Bàn chân tôi là bộ phận dễ lạnh nhất và lạnh từng cơn, có khi lạnh đến mức tôi nằm run rẩy như người bị cảm nhiễm.
Tôi biết cơ địa mình Âm thịnh Dương suy, vậy nên tôi hay tắm nắng 20 phút mỗi ngày và hạn chế ăn những thực phẩm Âm tính như măng, nấm… Tuy nhiên, tình trạng của tôi cũng chỉ cải thiện được một phần.
Một hôm, tôi đến nhà ông cậu chơi và mang vớ, giày, áo khoác dày, đứng run rẩy… dù mùa Đông ở miền Nam vốn dĩ không lạnh lắm.
Thế là ông cậu tôi hỏi và chỉ cho tôi bài thuốc này (ông cậu tôi cũng được chỉ lại từ một người bạn).
Thế là tôi về làm thử. Lần tắm đầu tiên, tôi thấy trong người nhẹ nhàng hơn, khoan khoái hơn và bàn chân cũng đỡ lạnh hơn.
Thế là ngày hôm sau, tôi tiếp tục tắm một lần nữa.
1 tuần sau, tôi tiếp tục tắm thêm 2 lần như thế nữa (nghĩa là trong nửa tháng, tôi tắm 5 lần và hiện tại đã ngưng).
Hiện tại thì bàn chân của tôi đã bớt lạnh rõ rệt và mỗi lần tắm xong, tôi đều cảm thấy bản thân sạch sẽ, cảm giác như được thanh tẩy.
Người chia sẻ bài thuốc này có nhắc rằng chỉ tắm vài lần thôi, không được lạm dụng, vì vậy, tôi cũng không dám tắm hàng ngày (mà lâu lâu mới tắm một lần). Có lẽ vì thành phần nước tắm trên có nhiều tinh dầu từ gừng, sả, lá trầu nên có tính phát tán, nếu lạm dụng sẽ làm hao tổn cơ thể.
Điều quan trọng nhất là sau khi tắm gội, bạn chú ý quan sát cơ thể, xem bản thân có thấy nhẹ nhàng, thoải mái, phấn chấn hơn không. Nếu có thì bạn hợp với bài thuốc này và ngược lại, nếu không có chuyển biến tích cực thì bạn nên ngưng lại.
Xem thêm: “Ngũ lao thất thương” là gì?