“Cái tôi” hay là sĩ diện?
Trên Facebook, mình tình cờ đọc được ý kiến như sau:
“Mọi người bảo hãy bỏ cái tôi, vậy bỏ đi cái tôi thì tôi còn cái gì?“.
Một người khác liền phản bác rằng:
“Cái tôi mà anh khư khư bảo vệ là cái tôi sĩ diện, ngạo mạn và phủ nhận ý kiến người khác.
Trong khi đó, cái tôi mang hàm nghĩa rộng hơn rất nhiều.
Cái tôi còn là lập trường, là cá tính, là lý tưởng…
Cho nên, nếu nói bỏ đi cái tôi là sẽ không còn gì thì hình như, cái tôi mà anh nói chẳng có gì ngoài sĩ diện“.
Vì chăng dung chứa mới là đại dương…
Có lẽ không chỉ mình mà bạn cũng là người tự cao. Và ở một mức độ nào đó, sự tự cao vẫn có thể chấp nhận, phải không?
Tuy nhiên, có nhiều người, vì cái tôi sĩ diện quá cao nên chỉ còn biết có mình.
Bạn thấy đó, họ không bao giờ chịu nhận sai (vì cảm giác thừa nhận mình sai thực sự rất khó chịu – mình hiểu điều đó).
Không nhận sai đã đành, họ cũng không chịu lắng nghe ý kiến người khác và cho rằng người khác mới sai.
Họ bảo: “Đó là con người thật của tôi, tôi không cần vừa lòng ai. Tôi nói thật, sống thật với chính mình”.
Thậm chí, khi nghe ai đó có quan điểm khác họ, họ liền cho rằng đó là sai trái, là non nớt, nông cạn…
***
Thật ra, có rất nhiều cách giải quyết khác nhau cho cùng một vấn đề.
Và cách giải quyết của mình, dẫu cho có tốt nhất thì điều đó cũng không có nghĩa “những cách giải quyết khác đều không tốt”.
Suy nghĩ của mình, dẫu cho có thấu đáo nhất thì điều đó cũng không có nghĩa “những suy nghĩ khác đều là nông cạn”.
Bởi vì, những suy nghĩ mà hôm nay bạn cho rằng là thấu đáo nhất, có khi nhiều năm sau, chính bạn lại thấy nó còn hời hợt.
Vì bạn luôn phát triển để hoàn thiện hơn.
***
Cho nên, đại dương, sở dĩ là đại dương là bởi vì nó có thể dung chứa cả những thứ không cùng với nó.
Một người có tâm rộng lớn sẽ biết lắng nghe và dung chứa những tư tưởng khác mình, thậm chí trái ngược mình.
Từng ngày, chầm chậm hiểu ra
Vì chăng dung chứa mới là đại dương.
Thế nhưng, đại dương cũng sẵn sàng làm những cuộc thanh lọc để loại bỏ những điều xấu xa. Dung chứa là để cái xấu có cơ hội cải sửa, thế nhưng, mọi dung chứa đều có giới hạn để cái xấu không đi quá mức, bạn đồng ý chứ?
Vì vậy, đừng khó chịu khi thấy người khác không nghĩ được như mình hoặc suy nghĩ nông cạn hơn mình, bạn nhé!
Vì bạn mạnh hơn, bạn trí tuệ hơn. Còn người khác yếu hơn, họ chưa đủ trí tuệ… và bấy nhiêu đó cũng đã khiến họ khổ sở rồi.
Khi bạn thông minh hơn người khác, xin hãy hiểu cho sự ngu ngốc của họ. Bởi vì, với những gì họ được biết thì cách phản ứng mà họ chọn – đối với họ đã là tốt nhất.
Hiểu được điều này, bạn sẽ không còn khó chịu:
- “Cái chuyện ngu xuẩn như vậy mà nó cũng làm được?”.
- “Cái đơn giản cũ rích như vậy mà nó cũng cho là sáng kiến!”
Bạn biết không, có những ý kiến mà bạn thấy rằng tầm thường nhưng với người phát hiện ra thì nó lại là phát hiện mới, là niềm vui trong hành trình tư duy của họ.
Khi họ đang hào hứng với niềm vui hiểu biết của mình, bạn nỡ nào dập tắt?
Vì vậy, đừng tức giận và cũng đừng khinh thường sự ngây thơ, ngu ngốc của người khác. Nếu có thể, hãy dìu dắt, hỗ trợ họ.
***
Hãy chấp nhận cả những lối sống hời hợt, tầm thường hơn mình vì với tư duy của họ, sống như vậy đã là vui, là thoải mái.
Nếu bạn cho họ cuộc sống của bạn – bạn thấy thoải mái đấy nhưng với họ, chắc gì đã là thoải mái, chắc gì họ đã muốn nhận, phải không?
Suy cho cùng, bạn không cần phải giỏi nhất vì vốn dĩ không có ai là giỏi nhất cả. Bạn chỉ giỏi hơn người khác.
Và nên chăng, bạn nhường cho người khác một cơ hội để họ được thể hiện mình, để họ tự tin hơn, có động lực phát triển hơn.
***
Mong mỗi chúng ta đều giữ được những nét riêng của mình mà không phủ nhận nhau.
Mong mỗi chúng ta đều vĩ đại hơn từng ngày mà không khinh thường những điều nhỏ bé.
Mong chúng ta, trên hành trình làm người vẫn tìm thấy cái chung của mình với nhân loại.
Để độc lập chứ không cô đơn.
Người nhận lỗi là người quả cảm
Mình luôn tin rằng, nếu chúng ta có lỗi mà biết nhận lỗi thì hành động đó thực sự rất quả cảm.
Bởi không phải ai cũng dám nhận sai và sửa sai.
Nhận lỗi không làm thấp cái tôi của chúng ta đi mà ngược lại, nó còn làm cho cái tôi ấy khiêm cung, thấu đáo hơn.
Ngay cả khi chúng ta không sai mà vẫn nhận lỗi thì lúc đó, cái tôi của chúng ta mới thực sự quảng đại.
Bởi vì: có thể chúng ta đúng đấy nhưng chúng ta đã khiến người khác cảm thấy khó chịu.
Và ta hiểu rằng: chỉ có chấp nhận khuỵu xuống, cúi xuống thì mới có thể đỡ lấy người kia đứng lên.
Cuối cùng, cách tốt nhất để dạy một người biết nhận lỗi là làm gương, tự nhận lỗi trước để họ thấy rằng nhận lỗi cũng rất dễ thương, nhận lỗi không có gì là xấu hổ.
Dần dần, họ sẽ làm theo.
Bạn hãy thử nhé!
Xem thêm: Có khi dừng lại đúng lúc lại là cách giải quyết tốt nhất