Cam thảo có tác dụng gì?
Cam thảo (hay cam thảo Bắc) là vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dùng cam thảo.
Trên thực tế, đã có nhiều người càng uống cam thảo thì càng thấy mệt mỏi. Vì sao như vậy?
Được biết, cam thảo là vị thuốc nổi tiếng giúp thanh nhiệt, giải độc, bổ phổi… và nhiều công dụng khác. Tuy nhiên, nó là một vị thuốc và bạn không thể uống hàng ngày như trà được (ngay cả liều dùng làm thuốc cũng chỉ từ 4 – 20 g theo chỉ định của thầy thuốc).
Nội dung chính ⇒
Tác dụng phụ khi dùng quá nhiều cam thảo
Nếu dùng quá liều cam thảo, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như:
– Càng dùng càng đau đầu, mệt mỏi, uể oải, tăng huyết áp và choáng váng đầu óc (do cam thảo có chứa acid glycyrrhizic).
– Phù nề (do cam thảo có tính giữ nước).
– Hay bị táo bón (hoặc tái phát táo bón).
– Yếu xương (cam thảo làm tăng quá trình bài tiết kali mà kali chính là chất cần thiết để xương chắc khỏe) (4).
– Ngộ độc, rối loạn cơ và nhịp tim (trong cam thảo có chất glycyrizin, chất này tạo nên vị ngọt đắng của cam thảo và có độc nhẹ, cứ hễ 100 g cam thảo thì có từ 6 – 23 g chất này, trong khi đó, nếu dùng quá 5 g chất này là bạn có thể bị rối loạn nhịp tim) (5).
Những người không nên dùng cam thảo
Có nhiều trường hợp không nên dùng cam thảo vì sẽ gây hại cho cơ thể, dẫn đến bệnh tật hoặc làm bệnh nặng hơn, đó là:
- Phụ nữ mang thai không nên dùng.
- Người bị sưng phù, bí tiểu, tiểu ít không nên dùng.
- Người bị viêm gan và xơ gan mà có kèm phù nề cũng không nên dùng.
- Người cao huyết áp không nên dùng.
- Người hay bị trĩ, táo bón cũng không nên dùng.
- Những người hay bị đầy bụng, nôn mửa do dạ dày yếu cũng không nên dùng.
- Người bị viêm phế quản lâu ngày, người bị khó thở (có kèm ho) cũng không nên dùng (5).
Lưu ý khi dùng cam thảo làm thuốc
Khi dùng cam thảo làm thuốc, có một số lưu ý mà bạn không thể bỏ qua, đó là:
- Không dùng cam thảo quá liều hoặc dùng liên tục trong thời gian dài (quá 1 tháng) vì dễ gây các tác dụng phụ.
- Khi dùng cam thảo trong các thang thuốc sắc, cần lưu ý không kết hợp chung với nhân trần, đại kích, cam toại, nguyên hoa…
- Để chọn được cam thảo tốt, bạn cần chú ý ít nhất ba điều: một là rễ hoặc thân rễ phải to, hai là bề mặt lát gỗ phải có màu vàng ngà và ba là cam thảo phải có vị ngọt đậm (loại có màu vàng xám và vị đắng thì không được dùng làm thuốc).
Lưu ý khi dùng các loại nước thanh nhiệt giải độc
Dù là cam thảo hay các thức uống thanh nhiệt khác, chúng ta cũng đều không nên dùng quá mức. Nếu bạn đang bị viêm gan, mụn nhọt, vàng da… thì hãy đi gặp thầy thuốc để có hướng dẫn cụ thể, bởi vì:
– Uống quá nhiều thảo dược và nước mát giải độc gan thì nó lại phản tác dụng (bắt gan làm việc quá sức thì gan càng suy yếu thêm…).
– Thuốc mát gan, thanh nhiệt có rất nhiều loại và thầy thuốc sẽ kết hợp để chúng có thể hỗ trợ cho nhau cùng trị bệnh tốt hơn (vì vậy mà cam thảo hay được dùng chung với hoa hòe và thảo quyết minh…).
– Mỗi loại thuốc có liều lượng chỉ định riêng, nếu bạn không bệnh mà uống theo liều của người bệnh thì càng nguy hiểm!
Quan trọng hơn, hãy lắng nghe phản ứng của cơ thể bạn! Nếu mọi người nói thuốc đó tốt mà bạn uống vào thấy không tốt thì hãy dừng lại (bởi vì cơ địa mỗi người khác nhau, chưa kể trường hợp bạn đang mắc một số bệnh mà bệnh ấy không hợp với thuốc đang dùng).
Cuối cùng, nếu bạn không bị nóng trong người thì không cần uống thuốc thanh nhiệt. Tuy nhiên, khi cảm thấy nóng trong người, nóng gan, nổi mụn… (ở trường hợp nhẹ), bạn có thể thử uống trà đậu đỏ, ăn rau cần tây, rau cần ta hoặc các loại rau xanh nói chung để thanh nhiệt. Hơn hết, ăn các loại rau xanh không chỉ giúp mát máu, giảm mụn, giảm cân mà còn tiết kiệm.
Tuy nhiên, nếu muốn uống trà thảo dược, bạn cũng có thể thử với thảo quyết minh (loại này giúp mát gan, sáng mắt, giảm táo bón) và lưu ý là chỉ uống một vài lần mỗi tuần thôi nhé (mỗi lần từ 5 – 10 g).
Một điều quan trọng hơn là: Nói như trên không có nghĩa là chúng ta bài trừ cam thảo. Trên thực tế, đây là vị thuốc có ý nghĩa rất quan trọng trong y học cổ truyền và có những thang thuốc không thể thiếu nó được.
Tìm hiểu thêm về cam thảo, cam thảo là vị thuốc gì?
Vị thuốc cam thảo là rễ hoặc thân rễ của cây cam thảo Bắc. Cây này thường được trồng ở miền Bắc nước ta và có tên khoa học là Glycyrrhiza uralensis, thuộc họ Đậu: Fabaceae (1).
Trong tiếng Anh, cam thảo Bắc được gọi là “Chinese liquorice” (cam thảo Trung Quốc) và trong tiếng Trung được gọi là “甘草” (Gāncǎo, tức cam thảo).
Phân biệt:
Cam thảo Bắc khác với cam thảo Nam (tức cam thảo đất) và cũng khác với cam thảo dây (tức cườm thảo đỏ – hạt màu đỏ đẹp nhưng rất độc).
Mùi vị cam thảo
Cam thảo Bắc ngọt gấp nhiều lần so với đường mía và trong vị ngọt có vị đắng. Nếu là “tín đồ” của trà thanh nhiệt, bạn sẽ thường xuyên thấy các lát cam thảo Bắc được để chung với hạt muồng muồng (thảo quyết minh).
Ngay cả khi đã pha trà xong, bạn lấy bã cam thảo ra nhai thử thì nó vẫn còn vị ngọt. Trong thơ ca, cam thảo được bà chúa thơ Nôm nhắc đến trong câu:
“Ngọt bùi thiếp nhớ mùi cam thảo
Cay đắng chàng ơi vị quế chi”.
(Hồ Xuân Hương)
Tuy nhiên, nếu chú ý, bạn sẽ thấy rằng cam thảo ít khi được dùng một mình mà thường được kết hợp cùng các vị thuốc khác. Hơn nữa, trong một số trường hợp, dùng cam thảo không đúng cách lại còn gây hại.
Cam thảo có tác dụng gì?
1. Cam thảo Bắc ít được dùng như một vị thuốc chính mà thường kết hợp cùng các thuốc khác.
- Nếu được dùng trong các thang thuốc bổ thì cam thảo có tác dụng bồi bổ.
- Nếu được dùng trong các thang thuốc mát thì cam thảo có tác dụng giải nhiệt cơ thể.
- Nếu được dùng trong các thang thuốc nhuận thì cam thảo có tác dụng dưỡng âm.
Qua đó, có thể thấy cam thảo Bắc là vị thuốc có khả năng ứng hóa cao. Thật vậy, bạn sẽ còn gặp cam thảo trong rất nhiều thang thuốc cổ truyền.
Chích cam thảo là gì và có tác dụng gì?
Nếu dùng cam thảo Bắc trong các bài thuốc thanh nhiệt, giải độc thì người ta thường dùng loại thái lát, phơi khô. Tuy nhiên, nếu dùng cam thảo Bắc trong các bài thuốc bổ thì dân gian thường dùng ở dạng cam thảo chích.
Vậy, cam thảo chích là gì?
Cam thảo chích (chích thảo, chích cam thảo, cam thảo trích…) là cam thảo đã được sao tẩm với mật ong.
Để làm cam thảo chích, người ta lấy các lát cam thảo (đã phơi khô) đem tẩm với mật ong, sau đó sao bằng lửa nhỏ cho đến khi dược liệu có màu vàng sẫm, không còn dính tay thì ngưng (cứ sao một kg cam thảo thì dùng 200 g mật ong và có thể để thêm 200 g nước sôi vào cho thuốc dễ ngấm hơn).
2. Cam thảo Bắc có tác dụng điều hòa, hòa hoãn nhược điểm của các vị thuốc khác
Trong Đông y, có một số vị thuốc có hơi có độc hoặc khi kết hợp với các vị thuốc khác thì kỵ nhau, phản nhau. Lúc này, cam thảo Bắc sẽ được dùng để giúp:
- Dung hòa những vị thuốc có tính tương kỵ.
- Làm giảm nhẹ hoặc hòa hoãn độc tính của những vị thuốc hơi độc.
- Hòa hoãn tính hàn hay tính nóng của một số vị thuốc, giúp chúng hòa hợp với các vị thuốc còn lại.
Như vậy, có thể thấy cam thảo Bắc là vị thuốc có khả năng điều hòa, kết hợp và tương tác rất cao.
3. Tác dụng chủ đạo của cam thảo Bắc là bổ tỳ vị, nhuận phổi, thanh nhiệt và giải độc.
Đó là lý do mà bạn thường thấy thành phần cam thảo trong các bài thuốc trị ho, thanh nhiệt và giải độc. Về tính vị, cam thảo có vị ngọt, tính bình còn chích cam thảo thì có tính ấm.
Cam thảo – tác dụng chữa bệnh cụ thể
Ngoài tác dụng thanh nhiệt, giải độc và nhuận phổi như đã kể trên, cam thảo Bắc còn được dùng trong các thang thuốc kết hợp như:
1. Điều trị khí huyết hư, tim hồi hộp, tự ra mồ hôi, giúp ích khí và điều hòa mạch nhịp
Thành phần: chích cam thảo (12 g), thục địa (12 g), gừng sống (9 g), hỏa ma nhân (9 g), quế chi (9 g), đảng sâm (9 g), mạch môn (9 g), a giao (9 g), táo Tàu (4 quả).
Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày một thang. Tuy nhiên, cần lưu ý trong thang thuốc trên có vị A giao. Đây là vị thuốc được làm từ keo da lừa và gây sát hại một số lượng lớn những con lừa hàng năm. Vì vậy, nếu trường hợp bệnh tình không đến nỗi nguy cấp thì không nên dùng (chỉ dùng A giao khi bệnh trạng không cho phép thay thế các thuốc khác – xem thêm về A giao).
2. Chữa chứng cơ bắp co rút, gây đau buốt
Thành phần: thược dược và cam thảo, mỗi loại 12 g.
Cách dùng: Nấu lấy nước uống mỗi ngày một thang.
3. Chữa ngộ độc thực phẩm (do ăn phải nấm độc, nấm chưa chín) và ngộ độc do thuốc trừ sâu
Thành phần: cam thảo và phòng phong, mỗi loại 30 g.
Cách dùng: Nấu lấy nước uống và theo dõi các biểu hiện để có biện pháp xử lý kịp thời (trong trường hợp nguy cấp cần đưa đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị thêm).
4. Điều trị mụn nhọt
Thành phần: cam thảo (15 g), đương quy (50 g), hoàng kỳ (50 g) và kim ngân (100 g).
Cách dùng: Lấy các vị thuốc trên nấu trong 4 lít nước, nấu đến khi nước rút còn 600 ml thì ngưng và chia thành ba lần uống trong ngày.
5. Điều trị viêm phế quản mãn tính và tràn khí phổi
Thành phần: cam thảo (6 g), quế (8 g), phục linh (8 g) và ngũ vị tử (10 g).
Cách dùng: Lấy các vị thuốc trên sắc trong 0, 8 lít nước, sắc trong một giờ rồi chia thành ba lần uống trong ngày.
Tư liệu tổng hợp
- Cam thảo, https://vi.wikipedia.org/wiki/Cam_th%E1%BA%A3o, ngày truy cập: 26/11/2019.
- Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược, trang 43.
- Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, trang 326.
- Dùng cam thảo có thể gây ngộ độc, http://thuocbac.edu.vn/dung-cam-thao-co-gay-ngo-doc/, ngày truy cập: 13/06/ 2020.
- Cam thảo – Có nên sử dụng hàng ngày?, https://suckhoedoisong.vn/cam-thao-co-nen-su-dung-hang-ngay-n13086.html, ngày truy cập: 13/06/ 2020.