Có người hỏi: “Tui ốm nhách như vầy sao lại bị cao huyết áp chứ?”.
Vâng, bạn biết đấy, những người béo phì dễ bị cao huyết áp nhưng điều đó không có nghĩa là những người ốm sẽ không bị.
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây cao huyết áp và tác hại của nó thì cũng thật khôn lường.
Vì vậy, một khi đã mắc phải căn bệnh này, bạn cần điều trị càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng như: liệt nửa người, đột quỵ, thiếu máu cơ tim, suy giảm trí nhớ, giảm chất lượng sinh hoạt tình dục (do suy thận)…
Nội dung chính ⇒
Cao huyết áp có điều trị được tận gốc không?
Cao huyết áp có thể điều trị được nhưng bạn phải điều trị suốt đời. Nghĩa là: nếu bạn ngưng, huyết áp sẽ tăng trở lại.
Thật ra, điều này không khó khăn như chúng ta vẫn nghĩ, bởi vì ngày nay, có rất nhiều loại thuốc và phương pháp điều trị cao huyết áp (tùy theo tình hình bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn giải pháp phù hợp).
Thông thường, nếu huyết áp của bạn (đo nhiều lần trong nhiều ngày) đều cao hơn 140/ 90 mmHg thì bạn đã bị cao huyết áp.
Tuy nhiên, nếu huyết áp của bạn chỉ dao động từ 140/ 90 mmHg – 150/ 95 mmHg và không có các dấu hiệu xấu, không mắc các bệnh có liên quan đến tim mạch… thì bạn chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt là được.
Sau một thời gian thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt (1 tháng chẳng hạn), nếu huyết áp vẫn không về mức bình thường thì bác sĩ mới cân nhắc cho bạn dùng thuốc.
Lưu ý: với người già thì liều lượng thuốc cần giảm một nửa vì cơ địa của họ dễ bị tụt huyết áp do dùng thuốc. Điều này rất nguy hiểm.
Vậy, trả lời cho câu hỏi: cao huyết áp có thể chữa trị tận gốc không?
Câu trả lời là có thể. Việc điều trị tận gốc căn bệnh này luôn gắn liền với lối sống lành mạnh của bệnh nhân, cụ thể là: ăn uống hợp lý, vận động và thư giãn hợp lý.
Nếu bạn đang dùng thuốc hạ huyết áp của bác sĩ, bạn cũng cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ưu tiên các món ăn giúp hạ huyết áp (để bớt lệ thuộc vào thuốc). Bằng cách này, bạn có thể giảm dần liều thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Lưu ý: Bạn không nên ngưng thuốc ngay vì sẽ gây tăng huyết áp đột ngột, rất nguy hiểm. Bởi vì, nhiều món ăn, thức uống có tác dụng hạ huyết áp nhưng tác dụng này rất nhẹ, không đủ để đưa huyết áp về mức an toàn. Vì vậy, bạn nên kết hợp cả thuốc đang uống với chế độ ăn uống hợp lý.
Mặt khác, bạn cũng không nên dùng quá liều các thực phẩm giúp hạ huyết áp vì chúng sẽ tương tác với thuốc bạn đang uống và gây tụt huyết áp đột ngột.
Ăn gì giúp hạ huyết áp?
Như đã nói ở trên, bạn có thể thay đổi cách ăn uống để cải thiện tình trạng cao huyết áp của mình.
Nguyên tắc chung giúp giảm huyết áp là:
– Ăn nhiều rau củ quả hơn. Đây là điều rất quan trọng.
– Giảm ăn muối và các thức ăn có vị mặn. Điều này cũng rất quan trọng.
– Giảm các loại thịt đỏ như thịt heo, thịt bò… (có thể ăn cá).
– Giảm các loại sữa và trứng có chất béo bão hòa cao.
– Giảm cân (nếu đang thừa cân).
– Giảm tinh bột và đồ ăn ngọt (nếu đường huyết cao).
– Hạn chế rượu bia, thuốc lá.
– Tập thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày.
– Giữ tinh thần thoải mái, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
Các món ăn tốt cho người cao huyết áp
Có rất nhiều thực phẩm có tác dụng hạ huyết áp, trong đó có thể kể đến là:
– Rau tần ô (hay còn gọi là cải cúc): Rau này giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, nhuận tràng và hạ huyết áp rất tốt. Vì vậy, nếu bạn bị cao huyết áp hay có dấu hiệu tăng huyết áp (kèm theo nhức đầu, nặng đầu) thì mỗi ngày, bạn nên dùng rau này nấu canh ăn. Đồng thời, bạn cần kiểm tra huyết áp thường xuyên để điều chỉnh chế độ ăn uống, tránh tăng huyết áp quá mức hoặc tụt huyết áp.
– Rau muống: Rau muống cũng là loại rau nổi tiếng với tác dụng hạ đường huyết, giảm cân và hạ huyết áp. Vì vậy, bạn có thể cho thêm rau muống (luộc, xào, nấu canh, làm gỏi…) vào các bữa ăn của mình để hỗ trợ điều trị cao huyết áp.
– Cà chua: Với những người muốn phòng ngừa cao huyết áp thì mỗi ngày có thể ăn 1 hoặc 2 trái cà chua chín (ăn tươi), như thế sẽ giúp ngăn ngừa căn bệnh này. Với người đã bị cao huyết áp và có dấu hiệu xuất huyết đáy mắt thì càng nên ăn 2 trái cà chua chín để bảo vệ mắt, hạn chế tác hại của căn bệnh này.
– Rau cần tây: Rau cần tây nổi tiếng là loại rau giúp hạ huyết áp. Vì vậy, mỗi ngày, bạn có thể xay và ép lấy nước ép rau cần tây, sau đó cho thêm chút mật ong để ngọt ngọt dễ uống. Mỗi ngày, bạn uống 2 lần, mỗi lần khoảng 40 ml và lưu ý là không uống liên tục quá tháng (để tránh các tác dụng phụ). Để an toàn, bạn có thể dùng cách quãng, nghĩa là hôm nay bạn dùng rau cần tây thì ngày mai bạn dùng cải cúc, ngày kia bạn dùng rau muống…, thay phiên nhiều loại thực phẩm để vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa đảm bảo an toàn khi sử dụng lâu dài. Thật ra, cách điều trị này không có gì là khó khăn vì nó cũng như cách ăn uống hàng ngày, chỉ là, bạn ưu tiên chọn những thực phẩm giúp hạ huyết áp tốt.
– Cà tím: Cà tím không chỉ giúp hạ huyết áp mà còn chứa vitamin P, giúp mềm thành mạch, giảm nguy cơ mắc phải các biến chứng do cao huyết áp. Vì vậy, bạn có thể xào, nướng hoặc kho 1 trái cà tím để ăn trong ngày (không được ăn sống). Lưu ý là các loại cà nói chung đều là thực phẩm Âm tính, vì vậy, bạn không nên ăn nhiều và không nên ăn vào ban đêm.
– Nấm rơm, nấm đông cô (nấm hương): Đây là hai loại nấm thơm ngon, giàu chất đạm và rất bổ dưỡng. Không chỉ thế, hai loại nấm này còn giúp phòng ngừa cao huyết áp và xơ vữa động mạch.
– Nấm mèo: Nấm mèo (mộc nhĩ đen) cũng nằm trong nhóm những thực phẩm tốt cho người bị thiếu máu do thiếu chất Sắt và cao huyết áp (đặc biệt là trường hợp có biến chứng ở mắt). Mỗi ngày, bạn có thể lấy 6 g nấm mèo, ngâm nở, làm sạch, xắt nhỏ, nấu cho chín nhừ rồi cho thêm một ít đường phèn vào, ăn trong ngày. Nếu ngán nấm mèo thì bạn có thể thay bằng 10 g nấm tuyết (mộc nhĩ trắng), cách chế biến cũng tương tự.
– Sữa đậu nành: Với những người bị cao huyết áp và cần tẩm bổ thì có thể uống sữa đậu nành. Mỗi ngày, bạn uống 3 lần, mỗi lần 330 ml sữa đậu nành (thêm chút đường cho dễ uống).
– Trái pom (bom, táo tây): Táo tây cũng là lựa chọn lý tưởng cho người cao huyết áp vì nó thơm ngon, bổ dưỡng. Mỗi ngày, bạn có thể ăn 3 trái táo to vừa phải (mỗi lần ăn 1 trái). Hoặc bạn cũng có thể uống nước ép táo tây, mỗi ngày uống ba lần, mỗi lần uống 50 ml nước ép.
– Dưa leo (dưa chuột): Bạn có thể ăn thêm dưa leo (ăn sống, nấu canh, luộc…) đều được. Dưa leo cũng giúp lợi tiểu và hạ huyết áp.
Ngoài các thực phẩm vừa kể trên thì bạn cũng có thể ăn thêm các thực phẩm sau đây để hạ huyết áp: hạt sen, ngó sen, bắp cải, trà thảo quyết minh, trà hoa cúc, trà hoa hòe…
Nếu bạn đang mang thai và bị cao huyết áp thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại trà thảo dược (vì nhiều loại có thể gây sảy thai).
Người bị cao huyết áp không nên ăn gì?
Muối là thứ đầu tiên mà người bị cao huyết áp cần hạn chế (mỗi ngày không ăn quá nửa muỗng cà phê muối, tính cả lượng muối nêm vào đồ ăn).
Ngoài ra, bệnh nhân cao huyết áp cũng cần hạn chế các thực phẩm sau: củ gừng, hạt tiêu, trái ớt, nội tạng động vật, não động vật, thịt dê, thịt chó, thịt chim sẻ, mỡ động vật, cà phê, trà đặc, bia rượu…
Một số món ăn chay tốt cho người bị cao huyết áp
Nếu bạn muốn tìm một số món ăn chay có thể hỗ trợ điều trị cao huyết áp thì bạn có thể tham khảo các món sau đây:
1. Phổ tai xào tàu hũ ki
Món này đơn giản dễ làm, vừa giúp nhuận tràng vừa giúp hạ huyết áp.
Cách nấu như sau:
– Chuẩn bị 50 g phổ tai và 200 g tàu hủ ki (loại miếng to hay loại cọng dài đều được, không dùng loại ướp muối, bạn nhé!).
– Với phổ tai, bạn ngâm nửa tiếng cho nở đều rồi rửa lại từ 5 – 10 lần với nước lã sao cho thật sạch, sau đó cắt ngắn ra. Với tàu hũ ki, bạn ngâm cho nở mềm rồi cắt nhỏ ra.
– Cho dầu ăn vào chảo, phi hành cho thơm rồi cho phổ tai và tàu hũ ki vào, đảo đều, cho thêm chút nước để tránh khét, sau đó nêm nếm cho vừa ăn rồi tắt bếp, đổ thức ăn ra dĩa và rưới dầu mè lên. Sở dĩ nên rưới thêm dầu mè là để bổ dưỡng gan thận.
2. Nấm rơm hầm bí đao
Món này hợp với người bị cao huyết áp đang muốn giảm cân vì nó vừa giúp giảm béo, vừa giúp tan đàm, đuổi những ô trược trong cơ thể và ích khí, giúp hạ huyết áp.
Cách nấu như sau:
– Lấy 100 g nấm rơm, gọt sạch và rửa sạch. Sau đó gọt thêm nửa kg bí đao, xắt thành lát mỏng.
– Cho dầu vào chảo, phi hành cho thơm rồi cho nấm rơm và bí đao vào, đảo đều, nêm gia vị và xào cho đến khi bí đao mềm nhừ là được. Trong lúc xào, nếu thấy khô nước thì đổ nước thêm.
3. Cháo sơn tra – gạo lứt (gạo lứt)
Món cháo này rất ngon và giúp bổ khí huyết, hạ huyết áp rất tốt. Đặc biệt, nó thích hợp để làm bữa ăn sáng cho người già.
Cách nấu như sau: Lấy 100 g gạo lứt, nấu chín thành cháo rồi bỏ thêm 10 g sơn tra (táo mèo), 15 g đảng sâm (xắt nhỏ), nấu bằng lửa nhỏ thêm 5 phút nữa thì tắt bếp, đợi cháo nguội hẳn thì ăn.
Trên đây là các món ăn hỗ trợ điều trị tăng huyết áp. Để mang lại hiệu quả cao, bạn nên thay phiên các món với nhau và lưu ý là không được nêm nếm quá mặn nhé!
Nguồn: Bác sĩ tốt nhất là chính mình, tập 9.
Nếu bạn đã đọc đến đây thì thiết nghĩ, bạn cũng nên đọc thêm bài viết sau đây. Nó sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bất ngờ về căn bệnh tăng huyết áp. Đồng thời, nó cũng cung cấp cho bạn những bài tập vô cùng đơn giản giúp hạ huyết áp, ví dụ như vuốt mũi, vuốt chân mày… xem chi tiết Tại đây.