Có những sự thật bất ngờ về bệnh cao huyết áp, chẳng hạn như: nói nhiều làm tăng huyết áp, hay hung hăng dễ bị cao huyết áp, cô đơn cũng dễ dẫn đến cao huyết áp…
Nội dung chính ⇒
Nói nhiều làm cao huyết áp
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên một nhóm sinh viên và thấy rằng: khi các sinh viên này đọc to một trang sách bất kỳ thì huyết áp của họ bắt đầu tăng dần.
Với những người xúc động hoặc bực tức khi đọc sách thì huyết áp của họ càng tăng rõ rệt.
Với trẻ nhỏ, khi chúng khóc, huyết áp của chúng cũng tăng.
Và ngay cả người câm, khi họ dùng ngôn ngữ cử chỉ của họ để tranh luận thì huyết áp cũng tăng.
Các kết quả trên cho thấy: khi chúng ta phát âm nhiều, khi chúng ta xúc động, tức giận, căng thẳng hay hồi hộp thì huyết áp đều tăng.
Vì vậy, những người bị cao huyết áp nên học cách kiềm chế cảm xúc và hành vi của bản thân:
- Bớt nói lại, lắng nghe nhiều hơn.
- Giữ cảm xúc ổn định, bình thản.
- Tránh căng thẳng, xúc động mạnh…
Vì chúng sẽ dễ dẫn đến tăng huyết áp đột ngột và gây ra các biến chứng không mong muốn.
Hung hăng dễ bị cao huyết áp
Một nhóm nghiên cứu tại Mỹ đã tiến hành nghiên cứu trên 3300 thanh niên, trong thời gian 15 năm và đưa ra kết luận sau đây: những người hung hăng, thiếu kiên nhẫn có tỉ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn những người còn lại.
Cô đơn dễ dẫn đến cao huyết áp
Lười vận động và béo phì là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến cao huyết áp.
Còn cô đơn? Cô đơn cũng dẫn đến cao huyết áp ư?
Đúng vậy.
Các nhà khoa học tại trường Đại học Chicago đã nghiên cứu trên 229 người và thu được kết luận sau đây: những người lớn tuổi cảm thấy cô đơn có chỉ số huyết áp trung bình cao hơn 30 điểm so với những người lớn tuổi khác. Không chỉ thế, tình trạng cô đơn còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý xã hội.
Vì vậy, lời khuyên cho những người bị tăng huyết áp cũng như những người đang cô đơn là: hãy thiết lập thêm mối quan hệ mới để có sự kết nối. Nếu không thể kết nối với con người, bạn hãy kết nối với thiên nhiên. Nếu vẫn không có điều kiện kết nối với thiên nhiên, bạn hãy kết nối với chính mình.
Trong 3 mối quan hệ vừa nêu trên thì con người – thiên nhiên là mối quan hệ dễ tạo ra nhất. Bạn chỉ cần dạo chơi trong vườn cây, hay đơn giản chỉ là trồng một chậu hoa nhỏ, ngắm trăng, tản bộ ở công viên… là bạn đã có thể cảm nhận được nguồn năng lượng từ tự nhiên rồi.
Ngoài 3 nguyên nhân độc đáo vừa kể trên thì còn 2 nguyên nhân nữa cũng dễ dẫn đến cao huyết áp, đó là:
– Làm việc quá nhiều: Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Hypertension cho biết: những người làm việc nhiều (hơn 40 giờ mỗi tuần) có nguy cơ bị cao huyết áp cao hơn những người làm việc điều độ.
– Làm việc, vận động quá ít: Những người ít lao động chân tay (đặc biệt là nhân viên văn phòng) sẽ dễ bị cao huyết áp hơn những người vận động điều độ.
Cuối cùng, lời khuyên đơn giản dành cho bệnh nhân cao huyết áp, đó là: ít muối nhiều rau, vận động điều độ.
Những mẹo massage giúp giảm tác hại của cao huyết áp đột ngột
Có một số mẹo nhỏ giúp giảm huyết áp và giảm nguy cơ bị tai biến trong trường hợp tăng huyết áp đột ngột, đó là:
1. Vuốt hai chân mày
Khi bị tăng huyết áp đột ngột, bạn cần dùng thuốc hạ áp theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp khẩn cấp, không có thuốc và không có bác sĩ thì bạn có thể làm động tác sau để hạ huyết áp:
Dùng ngón tay trỏ và ngón tay giữa, khép lại, đặt lên Ấn đường (vị trí giữa hai đầu chân mày) rồi vuốt từ Ấn đường đi dài qua đầu chân mày, đến cuối chân mày thì tiếp tục vuốt qua thái dương và đến tận chân tóc (ngang đuôi mắt) thì ngưng. Mỗi bên chân mày bạn vuốt 10 lần như thế.
Công dụng: động tác này giúp giải tỏa sự tụ máu ở những huyệt vị bị tắc nghẽn, giúp khí huyết lưu thông và nhẹ áp lực ở đầu.
2. Vuốt dọc hai bên mũi
Động tác này rất dễ thực hiện. Cụ thể như sau: Bạn dùng hai bàn tay, mỗi bàn tay, bạn dùng ngón trỏ vuốt từ Ấn đường (vị trí giữa 2 đầu chân mày) xuống mũi, vuốt dọc theo hai cánh mũi rồi vuốt luôn xuống khóe miệng và cuối cằm. Động tác này bạn thực hiện nhẹ và chậm rãi thôi nhé, vuốt tầm 15 – 20 lần là được.
Bài viết quan trọng: Cao huyết áp có chữa triệt để được không? Cách ăn uống để hạ huyết áp
Người bị tăng huyết áp cần lưu ý gì?
Tăng huyết áp là căn bệnh đã quá phổ biến và ai cũng có thể mắc phải.
Tác hại của tăng huyết áp rất đáng lo ngại vì nó có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, suy thận, suy tim, giảm thị lực, nước tiểu có đạm, thậm chí là nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, nhũn não, liệt nửa người… và tử vong.
Trong đó, có một số biến chứng thường gặp nhất và cũng nguy hiểm nhất, đó là:
- Tai biến mạch máu não (đột quỵ): bệnh nhân bất ngờ ngã ngang và sau đó mắc các biến chứng như liệt nửa người, không nói chuyện được (ở dạng nhẹ thì có thể hồi phục lại, ở dạng nặng thì gây tử vong).
- Nhũn não: bệnh nhân cũng bị ngã ngang đột ngột, sau đó không nói chuyện được và bị liệt nửa người, có trường hợp hôn mê nhẹ. Ở dạng này, nếu điều trị tốt trong 15 ngày đầu thì sẽ có khả năng hồi phục, nếu điều trị chậm thì sẽ khó hồi phục.
- Xuất huyết não: bệnh nhân đột ngột bị ngã ngang (thường là sau khi ăn tiệc hoặc đi tiểu đêm ở nơi có gió thổi), sau đó hôn mê và thở phì phò. Trường hợp này rất nguy hiểm vì nhiều bệnh nhân đều tử vong trong 3 ngày. Vì vậy, khi phát hiện người có các biểu hiện trên, ta cần đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu (không được cạo gió, nặn gió vì sẽ làm tình trạng tồi tệ hơn).
Tăng huyết áp có cần dùng thuốc?
Khi bạn được chẩn đoán là tăng huyết áp (cao huyết áp) thì tùy tình trạng bệnh, bạn sẽ được chỉ định dùng thuốc (dạng nặng) hoặc không dùng thuốc (dạng nhẹ).
Nếu huyết áp của bạn tăng nhưng không quá 150/90 mmHg và không có các bệnh lý về tim mạch, cũng như không có các dấu hiệu nguy hiểm… thì bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc thực hiện chế độ ăn uống dành cho người tăng huyết áp (để không phải dùng thuốc). Sau 1 – 3 tháng thực hiện chế độ ăn uống đúng mực, nếu huyết áp vẫn không giảm thì mới cần dùng thuốc.
Nếu bạn bị tăng huyết áp (dạng nặng) thì bạn cần dùng thuốc nhưng cũng cần thay đổi lối sống: nếu béo phì thì cần giảm cân lành mạnh, nếu lười lao động thì phải vận động điều độ. Quan trọng là: bạn cần nghiêm túc thực hiện chế độ ăn uống hợp lý để bệnh không nặng thêm, đồng thời giúp huyết áp giảm dần về mức an toàn.
Việc thay đổi lối sống và cách ăn uống không chỉ giúp hạ huyết áp mà còn giúp tăng hiệu quả của thuốc điều trị cao huyết áp, nhờ thế mà các bệnh nhân có thể giảm liều lượng thuốc, bớt lệ thuộc vào thuốc hơn.
Tăng huyết áp nên ăn gì để hạ huyết áp?
Người bị tăng huyết áp cần có chế độ ăn uống đúng mực, cụ thể như sau:
- Hạn chế các thức ăn, đồ uống có vị mặn vì muối làm tăng huyết áp rất nhanh.
- Hạn chế các thức ăn, đồ uống chứa chất béo.
- Không được uống rượu, bia, không được hút thuốc lá vì bia rượu sẽ làm giảm tác dụng của thuốc hạ áp, thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch.
- Nên ăn rau xanh, trái cây nhiều hơn.
- Nên đi bộ hoặc chạy xe đạp nhẹ nhàng, không nên chạy quá sức hoặc làm việc quá sức.
- Không nên để tinh thần bị căng thẳng, bực tức, hốt hoảng…
Ngoài ra, bạn cũng nên mua thêm máy đo huyết áp hoặc đi đo huyết áp định kỳ để theo dõi bệnh tình, không nên tự ý bỏ thuốc của bác sĩ. Nếu bạn muốn dùng các bài thuốc dân gian để điều trị thì bạn cần hỏi bác sĩ cách kết hợp cả 2 loại thuốc (uống ngắt quãng, giảm liều lượng…), tránh việc bỏ thuốc đang uống làm huyết áp tăng đột ngột.
Nguồn: Bác sĩ tốt nhất là chính mình.