Cỏ mần trầu có tác dụng gì, chữa bệnh gì?
***
Cây cỏ mần trầu mọc hoang bên đường, bạn biết chứ? Vâng, nó còn có các tên khác như cỏ màn chầu, cỏ vườn trầu, cỏ dáng…
Trong kho tàng cây thuốc Nam thì cỏ mần trầu là cây thuốc quen thuộc, có thể điều trị hơn 13 chứng bệnh thường gặp hàng ngày.

Ắt hẳn sau khi biết qua công dụng của loại cỏ mọc hoang này, bạn sẽ thấy yêu quý nó nhiều hơn.
Đặc điểm dược liệu cỏ mần trầu
Cỏ mần trầu thuộc loại cỏ lúa, có tên khoa học là Eleusine indica và có nhiều rễ chùm. Thân của cây phân nhánh thành bụi, thường cao không quá 1 m và có lá hình dải dài, nhọn.
Sau khi phơi khô, cỏ mần trầu có màu vàng nhạt, sắc uống cho ra loại nước có vị ngọt chát nhẹ nên cũng dễ uống.

Cây cỏ mần trầu có tác dụng gì?
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam (tập 1, trang 525) của nhà nghiên cứu Võ Văn Chi thì cỏ mần trầu có có tính bình và có các công dụng chính là: thanh nhiệt, lợi tiểu, làm tan đờm, giúp giải độc và đặc biệt là hoạt huyết bổ khí.
Cũng trong công trình trên, tác giả đã thống kê được 13 công dụng chữa bệnh của cỏ mần trầu, bao gồm:
- Chữa cao huyết áp.
- Chữa thống phong (Gout, Gút).
- Chữa lao phổi ho khan.
- Chữa vàng da do viêm gan.
- Chữa sốt nóng âm ỉ vào buổi chiều.
- Chữa viêm ruột (viêm dạ dày).
- Chữa nước tiểu vàng và tiểu ít từng chút.
- Chữa kiết lỵ.
- Chữa mụn nhọt và nhiệt độc (nóng nhiệt).
- Chữa viêm đường tiết niệu (viêm niệu đạo).
- Chữa tưa lưỡi ở trẻ nhỏ.
- Chữa viêm thận.
- Chữa viêm tinh hoàn.
Cách dùng cây cỏ mần trầu làm thuốc
- Thu hái: Trước tiên, bạn nhổ cả cây cỏ mần trầu (lấy cả rễ), lặt bỏ lá úa, bụi bặm rồi rửa sạch, đem cắt ngắn thành từng đoạn và phơi khô (cũng có thể dùng tươi).
- Nấu uống: Tiếp theo, bạn lấy từ 15 – 20 g cỏ mần trầu khô, nấu cùng một lượng nước vừa đủ cho đến khi ra chất thuốc thì chắt ra uống (bạn có thể nấu 2 lần nước và chia thành 2 lần uống trong ngày). Nếu không dùng thuốc sắc, bạn cũng có thể xay mịn thành bột rồi làm thành viên uống, tuy nhiên, biện pháp sắc uống vẫn là tiện dụng nhất.
Trên thực tế, các thầy thuốc thường kết hợp cỏ mần trầu với nhiều vị thuốc khác để mang lại hiệu quả điều trị cao hơn.

Các bài thuốc chữa bệnh cụ thể từ cây cỏ mần trầu
Cỏ mần trầu còn được dùng trong các bài thuốc sau:
1. Cỏ mần trầu chữa cao huyết áp
Lấy nửa kg cả cây cỏ mần trầu tươi, đem rửa và giũ cho sạch rồi cắt ngắn ra, cho vào máy xay sinh tố và đổ thêm một chén nước sôi (đã để nguội) vào, xay nát (hoặc giã nát), chắt lấy nước rồi lược lại bằng một miếng vải (để tránh xơ của cỏ làm nhót miệng).
Nước này bạn cho thêm một ít đường để dễ uống rồi chia thành hai lần uống mỗi ngày (uống vào buổi sáng và chiều, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh).
2. Cỏ mần trầu chữa vàng da do viêm gan
Với bệnh này, ta có thể dùng riêng cỏ mần trầu nhưng để tăng hiệu quả điều trị, dân gian thường kết hợp thêm rễ cây tổ kén đực theo công thức sau: 60 g cả cây cỏ mần trầu tươi, 30 g rễ cây tổ kén đực; cả hai loại đem rửa sạch, cắt ngắn rồi nấu lấy nước uống trong ngày cho đến khi khỏi bệnh.
3. Cỏ mần trầu chữa viêm tinh hoàn
Với trường hợp này, ta dùng 60 g cả cây cỏ mần trầu tươi và 10 cái long vải (tức 10 cái cùi vải – phần thịt của 10 quả vải đã phơi khô, Đông y gọi là “long vải”). Hai thành phần này, ta nấu lấy nước và uống trong ngày.
4. Cỏ mần trầu chữa cảm sốt có kèm nổi mẩn đỏ toàn thân và nước tiểu ít
Với trường hợp này, ta có thể dùng bài thuốc thanh nhiệt, lợi tiểu và hạ sốt sau đây:
Lấy cả cây cỏ mần trầu và rễ tranh (mỗi thứ 16 g), cắt nhỏ ra càng ngắn càng tốt rồi nấu lấy nước uống. Với rễ cỏ tranh, bạn có thể dễ dàng mua được ở chợ (rễ tươi) hoặc ở các tiệm thuốc Bắc (rễ khô).
5. Cỏ mần trầu ngăn ngừa viêm não truyền nhiễm
Cách dùng rất đơn giản: bạn chỉ cần lấy 30 g cả cây cỏ mần trầu, cắt ngắn ra rồi hãm với nước sôi, uống như trà (uống trong ba ngày liên tiếp rồi ngưng mười ngày, sau đó mới uống liên tiếp ba ngày nữa).
Cách dùng thảo dược cỏ mần trầu gội đầu dưỡng tóc (tham khảo)
Cách 1: Cỏ mần trầu còn được dân gian dùng làm nước dưỡng tóc bằng cách lấy 200 g thân và lá tươi rửa sạch, cắt ngắn rồi đem nấu với 2 lít nước sao cho ra nước màu xanh thì vớt bỏ xác, tiếp tục nấu cho đến khi đặc lại thì để nguội và dùng nước này gội đầu (mỗi ngày gội 1 chén).
Cách gội: sau khi gội đầu bằng dầu gội thông thường và để khô thì ta gội lại bằng 1 chén nước cỏ mần trầu, gội ướt cả chân tóc và đợi 10 phút thì xả lại với nước (nên gội ba lần, mỗi lần cách nhau một ngày).
Công dụng: giúp giảm rụng tóc (2).
Cách 2: Lấy một nắm cỏ mần trầu (cả cây), một ít vỏ bưởi (lớp vỏ mỏng màu xanh bên ngoài) và một ít hương nhu.
Cách dùng: nấu cỏ mần trầu cho đến khi ra nước xanh thì vớt bỏ xác, phần nước tiếp tục nấu với vỏ bưởi và hương nhu, khi thấy nước rút và cô đặc lại thì tắt bếp, để nguội và dùng gội đầu (lưu ý gội ướt cả chân tóc, đợi khoảng 10 – 15 phút mới xả và cũng gội ba lần, mỗi lần cách nhau một ngày).
Công dụng: giúp giảm rụng tóc (2).
Cách 3: Lấy một nắm cỏ mần trầu (cả cây), một ít hương nhu và 4 trái bồ kết (bồ kết đem rang lên), sau đó cùng cho vào nồi nấu đến khi thấy ra màu thì tắt bếp, vớt bỏ xác và đợi nước nguội lại thì dùng gội đầu (3).
Ghi chú: Ba cách dùng cỏ mần trầu giúp giảm rụng tóc (vừa nêu trên đây) chỉ mang tính truyền miệng để các chị em tham khảo. Trên thực tế, cỏ mần trầu còn được kết hợp cùng rất nhiều thành phần khác như sả, hương nhu, bồ kết, bồ hòn, vỏ bưởi, hương thảo, bạc hà… để làm thành dầu gội thảo dược với độ đậm đặc cao và nhiều công dụng hơn.