Ở quê thì hầu như ai cũng biết đến cây chó đẻ – vị thuốc “diệp hạ châu” trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, cây chó đẻ có công dụng gì thì không phải ai cũng biết rõ.
Nội dung chính ⇒
Diệp hạ châu là cây chó đẻ?
Cây chó đẻ có rất nhiều loại như chó đẻ răng cưa, chó đẻ thân xanh, chó đẻ dáng đẹp…
Trong đó, diệp hạ châu là cây chó đẻ răng cưa, hay còn gọi là cây răng cưa, cây chó đẻ, cây diệp hạ châu ngọt (vì khi nhai có vị ngọt đắng), cây rút đất, cây cam kiềm… và có tên khoa học là Phyllanthus urinaria.
Sở dĩ gọi “diệp hạ châu” là vì quả của cây nằm dưới lá, tròn tròn như viên ngọc châu.
Tác dụng của cây Diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa) là gì?
Theo công trình Từ điển cây thuốc Việt Nam (tập 1), cây diệp hạ châu có các đặc điểm và công dụng sau:
- Toàn cây có vị hơi đắng và hơi ngọt, có tính mát.
- Giúp mát gan, sáng mắt.
- Điều trị viêm gan, viêm kết mạc.
- Giúp hạ nhiệt, điều trị đau yết hầu và viêm cổ họng.
- Giúp tiêu độc, sát trùng, điều trị mụn nhọt, đinh râu.
- Giúp thông huyết, tán ứ, dùng cho trường hợp sản hậu ứ huyết.
- Giúp lợi tiểu, điều trị sỏi đường tiết niệu, viêm niệu đạo, viêm thận gây phù thũng.
- Điều trị viêm ruột.
- Điều trị kiết lỵ.
- Điều trị bệnh lậu (hoa liễu).
Cách dùng làm thuốc: Mỗi ngày, lấy từ 8 – 16 g toàn cây diệp hạ châu – tức cây chó đẻ răng cưa (đã phơi gió cho tự khô dần), nấu lấy nước uống.
Lưu ý: Phụ nữ mang thai không được uống.
Dùng ngoài da: Cây diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa) còn được dùng làm thuốc ngoài da vì nó có chứa coderacin (chất này giúp diệt khuẩn, diệt nấm mốc), axit phenolic và flavonoid (cũng giúp diệt nấm, diệt khuẩn).
Theo y học cổ truyền, cây chó đẻ răng cưa có thể điều trị các chứng như:
- Tưa lưỡi ở trẻ nhỏ: hái cành lá tươi, giã nát rồi vắt lấy nước, thoa lên.
- Điều trị da bị lở loét thối thịt, vết thương không liền miệng được: bằng cách hái lá chó đẻ (tươi), lá thồm lồm (tươi), liều lượng bằng nhau rồi giã nát cùng 1 nụ đinh hương và đắp lên.
- Điều trị nhọt độc, sưng đau: hái một nắm thân lá cây chó đẻ (tươi), rửa sạch rồi giã nát với một ít muối, sau đó cho thêm chút nước vào, vắt lấy nước ấy uống còn phần xác thì đắp lên.
Thông tin thêm: cây chó đẻ thân xanh là cây gì?
Ngoài cây diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa) thì ở nước ta còn có cây chó đẻ thân xanh (Phyllanthus amarus). Hai cây này rất hay bị nhầm lẫn.
Trong y học cổ truyền, cây chó đẻ thân xanh có các công dụng như:
- Làm thuốc thông tiểu mạnh (làm tăng sự bài tiết nước tiểu một cách đáng kể).
- Có tác dụng thông kinh trục ứ khá mạnh.
- Có tác dụng sửa huyết.
- Và các công dụng khác tương tự cây chó đẻ răng cưa.
Liều dùng: mỗi ngày, sắc lấy nước uống từ 8 – 16 g toàn cây chó đẻ thân xanh (đã phơi gió cho tự khô dần).
Lưu ý: Phụ nữ mang thai không được uống.
Dùng ngoài da: giã nát cây tươi để đắp lên các nốt mụn nhọt lở ngứa và sơ cứu khi bị rắn rết cắn.
Phân biệt cây chó đẻ răng cưa và chó đẻ thân xanh
Thứ nhất: Thân cây diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa) có màu hơi đỏ (nhất là ở phía gần gốc) còn cây chó đẻ thân xanh có thân màu xanh.
Thứ hai: Cây diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa) có vị đắng nhưng cũng có vị ngọt còn cây chó đẻ thân xanh chỉ có vị đắng.
Thứ ba: Lá cây diệp hạ châu có màu xanh nhạt ở mặt trên còn lá cây chó đẻ thân xanh thì có màu xanh đậm.
Tư liệu tham khảo
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, trang 436.
Xem thêm: Công dụng làm thuốc của cây ngải cứu
Từ khóa: Tác dụng của cây diệp hạ châu