Lưu ý khi ăn đu đủ chín
Bạn có biết:
- Trái đu đủ chín nếu ăn hàng ngày thì sẽ ức chế sự thụ thai (tránh thai).
- Trái đu đủ xanh nếu ăn sống ba ngày liên tục thì sẽ gây sảy thai.
- Ăn nhầm hạt đu đủ cũng có thể gây sảy thai.
Thế nhưng, cây đu đủ lại là cây thuốc quý trong cuộc sống hàng ngày.
- Nhựa đu đủ có thể làm mờ các nốt tàn nhang và trị được hắc lào mới phát (chấm gọn lên da).
- Trái đu đủ xanh thường được hầm với thịt là vì nhựa của nó có thể tiêu hóa chất đạm, làm mềm thịt và mềm cả da trâu (nếu nấu phải loại thịt dai hay da trâu thì hầm với nửa trái đu đủ xanh sẽ giúp mềm lại).
Có nhiều chứng bệnh đã được dân gian dùng lá, hoa hoặc trái đu đủ để điều trị (và đạt được những hiệu quả nhất định). Vậy, đu đủ có những tác dụng gì?
Nội dung chính ⇒
1. Trái đu đủ non chữa sạn mật, sạn thận
Sạn thận hoặc sạn túi mật, nếu là dạng sạn tròn thì ít gây đau đớn cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu là dạng sạn gai thì sẽ gây đau đớn vô cùng.
Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân bị sạn phải phẫu thuật nhiều lần nhưng sau đó lại bị tái phát. Đó là vì chất Can xi thừa vẫn còn trong máu và tiếp tục tạo thành sạn. Vì vậy, muốn khỏi bệnh tận gốc thì ta phải chữa từ bên trong.
Trong các bài thuốc dân gian điều trị sạn thận, sạn mật thì ta có thể kể đến bài thuốc dùng trái đu đủ non.
Cách dùng như sau:
- Chuẩn bị thành phần: một trái đu đủ non (nặng khoảng 300 g) và nửa muỗng cà phê muối.
- Cách làm: Lấy trái đu đủ non rửa sạch, cắt hai đầu rồi móc bỏ hạt (không cần gọt vỏ). Sau đó, bạn đổ muối vào trong rồi để nguyên trái lên một cái dĩa và đem hấp cách thủy. Khi thấy chín mềm, bạn lấy ra, để nguội và ăn hết trái đu đủ đó (ăn cả vỏ).
- Thời gian dùng: Với bài thuốc này, bạn nên kiên trì ăn từ 5 đến 20 lần (mỗi ngày một lần) để thấy hiệu quả, bạn nhé!
Lưu ý: Các bà bầu không được ăn đu đủ xanh và hạt đu đủ vì sẽ gây sảy thai (do trong nhựa có chứa papain, chất này triệt tiêu một loại hoocmon sinh dục cần thiết cho sự thụ thai cũng như sự sống của bào thai).
2. Trái đu đủ non chữa di mộng tinh và hoạt tinh
Theo kinh nghiệm dân gian, có thể chữa thể chữa di mộng tinh và hoạt tinh bằng cách dùng trái đu đủ xanh và đường phèn.
Cách dùng như sau:
- Chuẩn bị thành phần: một trái đu đủ non to bằng bắp tay (khoảng 300 g) và hai cục đường phèn.
- Cách làm: Lấy trái đu đủ rửa sạch, khoét một lỗ ở cuống rồi nhét hai cục đường phèn vào trong, sau đó lấy miếng đu đủ đã khoét đậy kín lại rồi để nguyên trái vùi vào đống than. Khi trái đu đủ được nướng chín, ta lấy ra, lột bỏ lớp vỏ bên ngoài rồi ăn hết phần thịt chín mềm bên trong (ăn cả hạt).
- Thời gian dùng: Với bài thuốc này thì bạn chỉ cần ăn một hoặc hai lần là đã thấy hiệu quả.
3. Hoa đu đủ đực trị bệnh ho gà
Với trường hợp này thì ta dùng 30 g hoa đu đủ đực nấu lấy nước, khi thấy nước rút còn nửa chén thì chắt ra, để thêm một ít đường phèn cho ngọt rồi uống (mỗi ngày uống hai lần).
4. Lá và trái đu đủ non giúp giải độc khi bị rắn cắn
Sở dĩ lá và trái đu đủ non có thể giải độc rắn cắn là vì chúng chứa nhiều nhựa mủ. Trong nhựa này có men papain là chất giải độc và làm tiêu chất đạm (có trong nọc của rắn).
Nếu không may bị rắn cắn, bạn cần sơ cứu ngay lập tức rồi đến cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán thêm.
Cách sơ cứu khi bị rắn cắn như sau:
Bước 1: Buộc garo để ngăn chặn sự xâm lấn của nọc rắn
Bạn lấy một sợi dây (hoặc một miếng vải dài rồi xoắn lại thành sợi dây), cột chặt lên vị trí cách chỗ rắn cắn 5 cm (cột cao hơn chỗ rắn cắn theo hướng về tim, chẳng hạn như bị rắn cắn ở cổ tay thì cột trên cánh tay).
Sau 20 phút, bạn nới sợi dây xa hơn một chút (khoảng 5 cm nữa) rồi cột chặt lại. Việc nới này giúp cho phần kia của cơ thể (chứa vết cắn) được cung cấp đủ máu, không bị hoại tử.
Điều quan trọng là sau khi buộc chặt garo thì bạn nặn máu độc tại vết cắn ra, sau đó rửa sạch vết cắn bằng nước muối loãng và đắp đu đủ lên. Cách đắp như sau:
Bước 2: Dùng lá hoặc trái đu đủ non để uống và đắp (giúp giải độc rắn cắn)
- Nếu dùng trái: Bạn khứa vào trái đu đủ non cho chảy mủ rồi lấy mủ ấy đắp lên chỗ bị rắn cắn (lúc này dây garo cũng đã buộc được một thời gian, bạn nên nới ra 5 cm nữa). Tiếp theo, bạn lấy nguyên trái đu đủ xanh cắt nhỏ ra (dùng toàn trái, không cần gọt vỏ hay bỏ hạt gì cả), thêm nước rồi đem xay nát ra và ép lấy nước (khoảng 1 chén). Tuy nhiên, bạn không uống hết nước này mà chia thành 4 phần và chỉ uống 1 phần, sau 15 phút lại uống thêm 1 phần nữa, cứ như thế uống đủ 4 lần.
- Nếu dùng lá: Nếu cây đu đủ không có trái thì bạn hái ngay lá đu đủ rồi ngắt lấy 7 đầu nhọn của đuôi lá (chóp lá), mỗi đoạn ngắt sâu vào một ngón tay, sau đó gom 7 đầu lá ấy lại, cùng nhai với một ít muối rồi nuốt lấy nước, phần xác thì đắp lên vết rắn cắn.
Sau khi sơ cứu, ta nên đến trạm y tế hoặc bệnh viện gần nhất để chẩn đoán thêm.
Ăn đu đủ chín có tác dụng gì?
Nhuận tràng (giúp dễ đi đại tiện) là tác dụng nổi trội nhất của trái đu đủ chín. Ngoài ra, ăn đu đủ chín còn giúp đẹp da, tươi nhuận nhan sắc và bồi bổ cơ thể.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên ăn một miếng (khoảng 1/6 trái) mỗi ngày vì nếu ăn nhiều quá thì sẽ gây nóng trong người cũng như các bất ổn về tiêu hóa (như kiết lỵ, tiêu chảy…).
Đắp mặt nạ đu đủ chín có tác dụng gì?
Trái đu đủ chín chứa rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe cũng như làn da. Vì vậy, những người da khô, thiếu chất, sẫm màu do tế bào chết hoặc da nhăn nheo, kém tươi… thì có thể dùng đu đủ chín để làm mặt nạ đắp mặt.
Tuy nhiên, cần lưu ý là mỗi tuần chúng ta chỉ nên đắp hai hoặc ba lần, mỗi lần đắp 15 phút thì rửa (vì nếu đắp nhiều hơn sẽ dễ gây mụn và các tác dụng phụ khác). Ngoài ra, sau khi đắp mặt nạ thì chúng ta cũng cần hạn chế đi ra nắng, bạn nhé!
Lưu ý: Với những bạn da non, da nhạy cảm thì nên thử trước một phần nhỏ dưới cằm xem có hợp không rồi mới thoa toàn mặt, bạn nhé!
Lưu ý khi dùng đu đủ và ăn đu đủ chín
- Nếu ăn nhiều hạt đu đủ sẽ ảnh hưởng xấu đến mạch máu và hệ thần kinh.
- Không ăn quá nhiều trái đu đủ chín trong thời gian dài vì sẽ gây vàng da ở lòng bàn chân hoặc bàn tay.
- Người bị tiểu đường không nên ăn đu đủ chín.
- Người đang tiêu chảy hoặc đang uống thuốc nhuận tràng không được ăn đu đủ (4).
- Ăn nhiều đu đủ xanh (dù đã qua chế biến) cũng sẽ gây xót ruột.
Tản mạn về đu đủ
“Chẳng thiếu mà cũng chẳng thừa,
Thân em hương sắc có vừa dạ anh,
Là gái cha mẹ dỗ dành,
Là trai cha mẹ bất bình đuổi đi.”
Bạn có đoán được câu đố này đang đố về cây gì không? Vâng, đó là cây đu đủ.
Qua câu đố, chúng ta sẽ thấy đu đủ có 2 loại là cây đực và cây cái. Cây cái cho rất nhiều quả, ngược lại, cây đực chỉ toàn bông là bông thôi. Vậy nên, câu đố đã nói lên thân phận của cây đu đủ đực – ít được cưng chiều như cây đu đủ cái – vì không có quả. Thật ra, cây đu đủ đực cũng mang đến nhiều giá trị, đặc biệt là làm thuốc (dùng bông).
Đu đu rất dễ trồng nên ở quê tôi, chuối và đu đủ là hai loại trái cây rất quen thuộc, luôn có sẵn trong vườn nhà. Ngày đó, quê tôi còn khó khăn nên những loại quả như táo, nho… là những thứ xa xỉ. Buổi trưa đói bụng, chạy ra sau bếp, hái trái chuối (mẹ treo cả quầy cho chín từ từ) rồi ăn, hoặc là chạy ra cây đủ đủ, nếu có trái chín thì hái vào dầm đá, không có trái chín thì hái đu đủ mỏ vịt vào, gọt vỏ, cắt mỏng rồi pha một chén giấm đường, thêm vài lát ớt nữa là đã được một món ăn vặt buổi trưa.
Đu đủ cho trái rất sai quả, vậy nên, trồng vài cây thôi là trái ăn không hết. Lúc đó, đu đủ sẽ được dùng chế biến các món ăn như kho, nấu canh, trộn gỏi,… Món nào cũng cực kỳ ngon. Đặc biệt là món đu đủ mỏ vịt bào trộn gỏi cùng rau răm và đậu phộng rang, càng ăn càng ghiền!
Tư liệu tổng hợp về chủ đề đu đủ có tác dụng gì
- Sơ cứu khi bị rắn độc cắn bằng trái đu đủ non, https://caythuoc.org/so-cuu-khi-bi-ran-doc-can-bang-trai-du-du-non.html, ngày truy cập: 23/ 04/ 2021.
- Tuệ Minh – Dương Thiên, Cây thuốc nam thông dụng trị liệu trong gia đình, tr.158.
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, tr. 969.
- Lưu ý khi ăn đu đủ chín, https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90u_%C4%91%E1%BB%A7
Xem thêm: Rau muống có tác dụng gì đối với sức khỏe? Khi dùng rau muống cần lưu ý điều gì?