Kinh giới không chỉ là một loại rau gia vị mà còn là cây thuốc quý trong y học cổ truyền. Lá kinh giới có màu xanh ở cả hai mặt và có mùi hương đặc trưng.
Nội dung chính ⇒
Kinh giới có tác dụng gì?
Theo y học cổ truyền thì phần trên mặt đất của cây kinh giới (tức thân, cành, lá, hoa, quả) đều có thể dùng làm thuốc nhưng thường là dùng cành lá ở những cây vừa ra hoa (vì lúc này dược tính trong lá lên cao nhất).
Sau khi thu hái, ta rửa sạch, chặt ngắn ra rồi phơi sấy nhẹ cho khô (không nên phơi dưới nắng gắt mà nên phơi dưới nắng nhẹ, có gió thổi).
Được biết, kinh giới là vị thuốc cay nên có tính hơi nóng. Trong y học cổ truyền, nó được dùng với các công dụng như:
- Thúc cho cơ thể đổ mồ hôi (trong trường hợp cảm cúm mùa hè, sốt không ra mồ hôi).
- Điều trị say nắng, nhức đầu, đau cứng cổ, xây xẩm, hoa mắt.
- Giúp sáng mắt.
- Điều trị viêm dạ dày, viêm ruột cấp tính, hơi thở nặng.
- Giúp lợi tiểu, giảm niệu.
- Giúp khư phong, điều trị phong thấp, đau nhức xương và mình mẩy.
- Điều trị bại liệt.
- Điều trị tiêu hóa không bình thường (tiêu hóa bất lương).
- Điều trị toàn thân thủy thũng.
- Giúp giải độc do ăn nhầm thức ăn có độc, cá có độc (dùng để sơ cứu tạm thời, sau đó đến bệnh viện).
- Giúp minh mẫn đầu óc.
Cách dùng: mỗi ngày, lấy một lượng nhỏ từ 3 – 10 g kinh giới, sắc lấy nước uống trong ngày.
Lưu ý phân biệt: Cây kinh giới khác với cây tía tô. Lá kinh giới có hai mặt đều màu xanh còn lá tía tô thì có màu xanh pha lẫn màu tía tía. Hiện nay, một số nơi còn có giống tía tô xanh, cả hai mặt lá đều xanh như lá kinh giới nhưng mùi hương của nó là hương tía tô.
Rau kinh giới có tác dụng gì và cách dùng như thế nào?
Cây kinh giới còn được dùng làm thuốc trong các trường hợp như:
1. Điều trị mụn nhọt, giúp giảm ngứa và viêm mủ da
Lấy lá và cành kinh giới (dùng tươi), rửa sạch, giã nát rồi đắp lên.
2. Điều trị cảm, đau nhức các đầu xương
Lấy 50 g cành lá kinh giới tươi, 10 g củ gừng tươi, rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước uống (còn phần bã thuốc thì đánh dọc sống lưng).
3. Điều trị chảy máu cam, băng huyết và các chứng xuất huyết
Lấy 15 g hoa kinh giới (đã phơi khô), cho vào chảo, sao đen rồi nấu lấy nước uống.
4. Điều trị viêm mũi dị ứng
Lấy 8 g hoa kinh giới, 12 g lá cối xay, 8 g hoa của cây rau húng quế, 12 g cỏ hôi (tức cỏ cứt lợn) và 8 g bạc hà, tất cả rửa sạch, nấu lấy nước rồi chia thành hai lần uống trong ngày.
Lưu ý: Bạc hà ở đây là loại cây nhỏ, thơm (không phải cây bạc hà ở Nam Bộ – tức cây dọc mùng, lá to như lá khoai môn).
5. Điều trị sởi ở trẻ em và các dạng lở ngứa
Lấy 15 g kinh giới (cả hoa, lá, cành) và 15 g kim ngân hoa (cả hoa, lá, cành), cùng nấu lấy nước uống trong ngày.
6. Điều trị thổ huyết liên tục không ngưng
Nhổ vài cây kinh giới (nhổ cả rễ), sau đó rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nửa chén nước cốt, uống hết nửa chén ấy.
7. Điều trị chứng cấm khẩu (đơ người, không nói chuyện được) do trúng gió
Lấy một nắm lá kinh giới, cho vào chảo, sao tồn tính (tức sao cháy lớp ngoài, không cháy hoàn toàn) rồi xay nát, sao đó cho thêm chút rượu vào, chắt lấy nước cho nạn nhân uống.
Lưu ý: Nếu răng nạn nhân nghiến chặt, không đổ thuốc vào được thì lấy một múi chanh, chà xát vào hai nướu răng thì hàm răng sẽ mở ra, lúc này ta mới đổ nước thuốc cho uống.
8. Điều trị trúng gió khiến cho méo miệng
Hái một nắm cành và lá kinh giới tươi, rửa sạch, xay nát hoặc giã nát rồi vắt lấy nước uống.
Tư liệu tham khảo
- Tạ Duy Chân, Những phương thuốc hay – “Rau cỏ trị bệnh”.
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1.
Từ khóa: rau kinh giới có tác dụng gì trong Đông y?
Xem thêm: Rau tía tô có tác dụng gì?