Mình viết thuê đã 6 năm rồi, và hôm nay mình ngưng. Nghiệp viết thuê đến đây thôi.
Đây là câu nói còn đọng lại trong mình – câu nói của một người biên soạn nội dung trên website Ấn Độ.
Ở cuối bài giới thiệu về thuốc, họ viết – một câu thôi nhưng làm sáng lên nhân cách của người viết:
“Điều cần thiết là phải tiếp cận… (tên loại thuốc)… với chánh niệm, tôn trọng truyền thống và cam kết hướng đến sự khỏe mạnh toàn diện“.
Mình đã đọc qua hàng ngàn bài viết nhưng đây là bài duy nhất có một câu kết hay như vậy.
Khi dịch đến chữ “chánh niệm”, tự nhiên mình cảm thấy “đúng rồi, là đây rồi”. Đây là cái tinh thần mà mình khao khát bấy lâu về nghề viết, và cũng như mọi khía cạnh khác của đời sống.
Từ “chánh niệm”, mình đã nghe trong Phật giáo, nhưng hôm nay, khi được đặt trong ngữ cảnh về thuốc và bệnh tật, mình mới thấy nó hay như vậy.
Nó mang lại cho mình nhiều ý nghĩa khác hơn.
Vâng, loại thuốc đó trị các bệnh về sinh sản ở cả nam và nữ, và tất nhiên nó cũng có kèm tác dụng kích thích tình dục.
Thực sự rất tinh tế khi người biên soạn viết thêm câu “tiếp cận với chánh niệm”.
Chánh niệm không phải là khinh thường hay xem tình dục là dơ bẩn.
Chánh niệm cũng không phải là cố tăng cường sinh lý để yên tâm mình mạnh, để trấn áp nỗi sợ hãi bên trong, càng không phải đánh đồng giá trị của một người với khả năng tình dục, cả hai hướng đều là méo mó.
“Chánh niệm” là thuận theo tự nhiên, có bệnh thì trị, không bệnh thì thôi. Đến tuổi sinh sản thì sinh sản, qua tuổi sinh sản thì sống như đứa trẻ lên 3, không vướng bận ý niệm tình duyên hay tình dục là gì.
Mình tưởng tượng cái cảnh con người có thể sống hồn nhiên, có thể hạnh phúc với những điều đơn giản nhất, có thể cảm nhận vẻ đẹp của một bông hoa nở, hay một hòn sỏi bị ai đó đá tung đi.
Và chánh niệm trở thành một sự tự nhiên chứ không phải giáo điều hay giáo lý, không phải cố gồng để “chánh niệm”.
Nếu mình cảm thấy giận thì không nhất thiết phải xấu hổ và cố tỏ vẻ hiền hòa, cái đó chỉ là giả tạo.
Và nếu đầu mình nghĩ bậy bạ thì không nhất thiết khép nó vào tội lỗi, chỉ cần biết mình đang như thế nào thôi. Với mình, như vậy là thuận tự nhiên.
Chánh niệm là tư duy theo lý lẽ của tự nhiên, chứ không phải theo phán xét của mình hay của xã hội.
Thuật ngữ này, khi mở rộng nghĩa của nó ra thì mình mới bớt tức người này, bớt giận người kia, bớt xem người này là phàm phu, bớt xem người kia là lang chạ.
Bởi vì mình chỉ cần biết chính mình, quay về lại với mình là được. Là chánh niệm.
Chánh niệm là về lại với mình. Người ta thế nào là ý niệm của người ta.
Ngày mai, mình sẽ bắt đầu học bài học này.
Một niệm cho mình. Chỉ một niệm thôi.
***
Ý thứ hai là “tôn trọng truyền thống”.
Ý này nghe sáo rỗng nhưng thực sự cần thiết, bởi vì truyền thống là kinh nghiệm, là thói quen. Thói quen xấu thì cần bỏ đi, nhưng kinh nghiệm mà người đi trước đã học, dặn dò lại cho mình, nếu nó hợp lý thì mình phải gìn giữ, nếu không thì mình sẽ phải vấp ngã ở chỗ lẽ ra có thể bước trong kinh nghiệm yên bình.
Ví dụ như thuốc đó chỉ uống 2 tháng và giảm dần liều lượng rồi ngưng, chứ không tham lam lạm dụng.
Truyền thống còn có nhiều cái hơn mình nghĩ.
Giống như nhà mình vừa làm được cái bàn gỗ, mình đòi sơn cho sạch để leo lên nằm vì thấy thích quá. Mẹ mình cản, nói không được. Mình hỏi tại sao, mẹ mình cứ nói không được. Mẹ mình bảo: nằm trên ghế thì được nhưng nằm trên bàn thì không được. Xưa nay không ai như vậy. Mình leo xuống và tự nhiên buột miệng hỏi “bàn thờ hả mẹ”?
Mẹ mình bảo: nãy giờ mẹ không dám nói nhưng mày nói luôn rồi.
Uhm, không ai nói cả nhưng không hiểu sao khi mình leo lên nằm thì mình có cảm giác như vậy nên hỏi luôn. Có những thứ không thể giải thích bằng khoa học mà chỉ có thể bằng trải nghiệm.
***
Ý thứ ba là “hướng đến sự khỏe mạnh toàn diện” thì không có gì để bàn nữa rồi, bàn nữa nó dài mà nó bớt hay.