“Chọn con tim hay là nghe lý trí?”
“Gồng mình lên để nói “không”
Chi bằng nói “có” cho lòng nhẹ vơi“.
(Nguyễn Việt Anh)
Thế giới này, người ta cứ bảo “Phải mạnh mẽ lên! Trở thành một người không còn bị tổn thương”.
Thật là lừa đảo!
Bạn vốn dĩ không thể cố gắng mạnh mẽ.
Ngày nào bạn còn là con người có cảm xúc, ngày đó bạn sẽ còn khả năng bị tổn thương.
Mạnh mẽ không làm được gì trong tình huống này cả.
Cứ cho bạn là một người mạnh mẽ đi.
Cứ cho trái tim bạn đã trở thành sắt đá.
Vâng! Bạn đã từng trải nhiều.
Bạn đâu phải là cậu thiếu niên ngốc nghếch của năm đó nữa.
***
Thế nhưng, khi sự việc xảy đến, bạn có chắc là bạn sẽ không bị tổn thương không?
Bạn vẫn sẽ bị tổn thương thôi.
Bạn không khóc, không bỏ ăn, không nằm rũ rượi.
Nhưng bạn cũng không ổn. Những tổn thương vẫn sẽ thấm dần vào con người bạn.
Đến khi nào nó hết thì nó tự hết.
Bạn có can thiệp được đâu.
***
Thường thì người ta hay chia ra “cảm xúc” và “lý trí” để dễ giải thích.
Và rồi người ta mặc định “ai lý trí, người đó mạnh mẽ”; “ai lý trí, người đó trưởng thành”.
Thế nhưng, không phải như vậy.
Người trưởng thành, họ vẫn có lúc thấy yếu đuối đó thôi.
Người lý trí, họ vẫn có lúc thấy yếu đuối.
Không phải sao?
***
Thật ra, trưởng thành chính là: bạn khôn ngoan hơn, tỉnh táo hơn.
Không cần cao siêu.
Như vậy là đủ.
Còn “lý trí” chính là: bạn làm cái mà bạn cho là “nên làm”.
Nhưng chọn “lý trí” cũng không ổn.
Bởi vì có khi bạn nghĩ sai.
***
Bạn có thấy, nhiều khi, bạn tự nói với mình “hãy nghe theo lý trí”, làm cái mà bạn cho là “nên làm” thì “cảm xúc” của bạn bắt đầu đau khổ.
Vì nó đâu cảm thấy như vậy.
Khi “lý trí” có quyết định khác với “cảm xúc”, những người chọn theo “lý trí”, một mặt, họ sẽ yên tâm về cái mà họ “nên làm” vì họ cảm thấy an toàn với nó, có thể nắm bắt được nó.
Thế nhưng, mặt khác, họ vẫn luôn cảm thấy thiếu thốn, mâu thuẫn với chính mình vì rõ ràng, cảm xúc của họ đâu theo hướng đó.
Con người, suy cho cùng vẫn là sinh vật có cảm xúc, thiên về cảm xúc. Vậy nên, khi “lý trí” chống lại “cảm xúc”, bạn bắt đầu cảm thấy giằng xé.
Vậy nên, bạn như đang thất lạc chính mình. Càng gồng mình mạnh mẽ, bạn lại càng cảm thấy lẻ loi.
Càng cố ép bản thân làm cái “nên làm”, bạn lại càng thấy mình cô độc.
Bởi vì bạn vẫn luôn cảm thấy bạn đã phản bội con người thật của mình, bạn đang ép buộc bản thân mình.
“Tại sao không thể một lần tự do làm những điều mình muốn? Đồ nhát gan!”
Hãy xem, khi bạn gặp vấn đề, bạn liền tự bảo mình “Có nhằm nhò gì!”, phải không?
Nhưng cảm xúc của bạn, nó vẫn nhận ra là bạn không ổn.
***
Bạn nhắc nhở bản thân “không được nghĩ về người đó”. Nhưng rồi bạn vẫn nghĩ về người đó. Suy nghĩ có lối đi riêng của nó. Bạn cản được sao?
Bạn có nhận ra điều gì ở đây không?
Suy nghĩ của bạn luôn hướng về cảm xúc của bạn, đi theo cảm xúc của bạn và trung thành với cảm xúc của bạn.
Cảm xúc của bạn đi đến đâu, suy nghĩ của bạn sẽ theo đến đó.
***
Bây giờ, bạn đang đau khổ vì thất nghiệp. Cảm xúc của bạn đấy.
Vậy nên, suy nghĩ của bạn cũng sẽ quẩn quanh chuyện thất nghiệp.
Bây giờ, bạn đang nhớ một người. Cảm xúc của bạn đấy.
Vậy nên, suy nghĩ của bạn cũng sẽ quẩn quanh người đó.
Bây giờ bạn bảo “không được nghĩ về người đó”, “hãy nghĩ về game, đồ ăn và công việc đi”.
Ừ thì bạn sẽ bắt đầu nghĩ về game, đồ ăn và công việc…
Nhưng được bao lâu? Một lát thôi, bạn sẽ thấy bạn vừa nghĩ về game, vừa nghĩ về người đó.
Cái đầu này, thật là vô tích sự phải không?
***
Không, nó rất trung thành đấy chứ! Nó luôn đi theo cảm xúc của bạn, đồng hành và hộ tống cho cảm xúc của bạn.
Vậy nên, lần sau, khi bạn trót dại làm thứ ngu xuẩn nào đó, đừng chỉ đổ lỗi cho “cảm xúc” bởi vì “lý trí” cũng có tham gia mà. Chúng cùng quyết định. Nói đúng hơn, chúng là một nhưng để mọi người dễ hiểu thì người ta hay tách làm hai.
Bạn yêu người đó, “lý trí” bảo bạn không nên yêu. Thật ra, không phải cảm xúc ngốc nghếch đâu. Nó đã cảm thấy có gì đó không ổn trong mối quan hệ này và “lý trí” biết điều đó. Chỉ là, quyết định sau cùng mà bạn đưa ra – là tiếp tục hay dừng lại – nó phụ thuộc vào sự khôn ngoan của bạn.
*** !!! *** !!! ****
Đừng cho rằng “cảm xúc” thường hay sai lầm, “lý trí” mới là đúng đắn. Nếu bạn đã từng yêu lầm ai đó, bạn phải thừa nhận rằng: lúc đó, cả cảm xúc và lý trí của bạn đều quyết định như vậy.
Vậy nên, nếu như bạn là một người khôn ngoan, tỉnh táo thì “cảm xúc” và “lý trí” của bạn đều tỉnh táo, khôn ngoan.
Có những thứ sẽ khiến bạn cảm động. Có những thứ sẽ không thể khiến bạn cảm động.
Ngược lại, nếu bạn là một người kém khôn ngoan thì “cảm xúc” và “lý trí” của bạn đều lù lù dắt nhau xuống biển!
***
Vậy, hỏi lại, bạn sẽ chọn cảm xúc hay lý trí?
Bạn hãy chọn cả hai vì chúng vốn dĩ không tách rời. Và nếu bạn cần chọn 1 trong 2 cho rõ ràng thì bạn chọn cái nào cũng được.
Hãy chọn và yên tâm.
Bởi vì:
Nếu bạn chọn “lý trí”, nó vẫn sẽ đi theo cảm xúc của bạn.
Lúc cảm xúc của bạn rối loạn thì lý trí của bạn cũng rối loạn. Ngược lại, lúc cảm xúc của bạn ổn định thì lý trí của bạn cũng ổn định.
Cảm xúc của bạn hướng về đâu, lý trí của bạn hướng về đó. Rõ ràng mà.
Ngược lại, nếu bạn chọn “cảm xúc”, bạn chọn “con tim” thì cũng không sao. Đừng lo sợ.
Lý trí của bạn vẫn đi theo. Lý trí của bạn được bao nhiêu khôn ngoan thì cảm xúc của bạn sẽ có bấy nhiêu đúng đắn.
Vậy nên, bạn không cần phân vân “mình có quyết định đúng không?”.
Lý trí và cảm xúc của bạn, nó có con đường của nó, có dòng vận hành của nó.
Bạn không thể ép buộc nó. Đó là sự thật.
Việc bạn cần làm chỉ là sống một cách khôn ngoan và tỉnh táo.
Khi đó, lý trí và cảm xúc của bạn đều sẽ có quyết định sáng suốt.
Hãy làm những gì bạn thích.
Và thích những gì bạn cần làm.
Nắm bắt thứ bạn cần.
Buông bỏ thứ làm bạn đau khổ.
Như vậy là đủ.
Và với bất cứ thứ gì mà bạn làm, hãy suy nghĩ thật kỹ rồi quyết định.
Sau đó không cần hối hận.
Sau này, dù cho bạn nhận ra đó là quyết định ngốc nghếch thì bạn cũng phải hiểu, vào thời khắc ấy, cả cảm xúc và lý trí của bạn đều đã chọn như vậy. Thừa nhận quá khứ không làm bạn xấu đi. Đừng ngại.
Ai đó thích mạnh mẽ, thích làm siêu nhân mình đồng da sắt, không bị tổn thương… thì cứ để họ như vậy đi. Một lúc nào đó, họ sẽ nhận ra “mạnh mẽ không có nghĩa là đương đầu, mà là sẵn sàng yếu đuối“.
***
Không có gì xấu hổ khi một người hiểu được bản chất thật của mình.
Chúng ta vô cùng nhỏ bé trong thế giới này, vậy nên, chúng ta cảm thấy yếu đuối, đó là điều rất hiển nhiên.
Chỉ có những kẻ khùng mới gồng mình lên chứng tỏ mình mạnh mẽ trước xã hội và vũ trụ.
***
Từ giờ, hãy thừa nhận mình yếu đuối, thừa nhận mình cũng bị tổn thương. Cái đó không có gì xấu hổ cả.
Điều đẹp đẽ nhất trong cuộc đời chính là bạn còn cảm xúc.
Bạn biết đau khổ khi có thứ gì đó làm bạn tổn thương. Bạn thấy ngọt ngào khi được đối xử yêu thương. Bạn cảm nhận được cái gì đó khi chạm vào nhành hoa, chiếc lá. Bạn phấn khởi trước làn gió mát, lòng se se mỗi độ thu về. Bạn cảm nhận được sự thay đổi của đất trời. Bạn cảm nhận được sự hiện hữu của mình giữa dòng người. Rất nhỏ bé nhưng là duy nhất.
Như ai đó đã nói: “Hãy yêu bản thân và tôn trọng chính mình, bởi vì thế giới chưa bao giờ có một người như bạn và sẽ không có người nào giống như bạn thêm lần nữa“.