Có đôi khi, nhớ lại những câu chuyện xưa không phải để đắm chìm trong quá khứ mà là để nhắc nhở mình sống tốt cho tương lai.
Chuyện bí đao
Trước đây, nhà mình trồng 10 công bí đao. Cứ mỗi buổi chiều thu hoạch, bí hái về chất đầy một nhà.
Tụi nó nằm no tròn như những đứa trẻ vậy.
*
Hái đều mỗi ngày như vậy nhưng thế nào cũng sẽ sót lại vài trái bí. Thế là vài hôm sau, những trái bí to đùng lù lù ra đó. Vậy là không bẻ nữa, đợi nó chín thì lấy hạt làm giống luôn.
*
Nói thì nói vậy chứ thỉnh thoảng, mẹ mình lại bẻ vào, cắt lấy lớp thịt già rồi xắt thành những miếng nhỏ hình thoi, sau đó trộn với màu và bột để làm thành hạt lựu.
*
Hạt lựu này để làm món chè lạnh Sương Sa Hạt Lựu, bạn biết chứ, ăn vào buổi trưa thì ngon mát đáo để.
*
Thời gian trôi qua…
Mình được biết không có ai làm hạt lựu từ thịt quả bí đao cả.
Vì nó không ngon và không cứng bằng các chất liệu khác.
Chỉ có mẹ mình làm thôi.
*
Lớn lên, mình hiểu rằng: hồi ấy, vì bí đao già nhiều quá mà bỏ đi thì tiếc nên mẹ mình mới chế ra món ấy.
*
Người mẹ nào chẳng vậy: tằn tiện, dè sẻn và tận dụng từng chút một.
*
Bao năm qua, mình ăn bao nhiêu món ăn tự chế của mẹ, có món ngon, có món dở nhưng món nào cũng từ tình yêu thương. Mẹ chửi đấy, rồi đánh đấy nhưng lại nhường cho mình những gì ngon nhất.
*
Cho đến bây giờ, với mình, cái hương bí đao trong từng hạt lựu đó không gì có thể thay thế được.
*
Và như ai đó đã từng nói: “Những món ăn tuổi thơ là thứ ngon nhất còn lại sau cả đời người”.
Bạn còn nhớ món ăn nào của tuổi thơ không?
Chuyện giàn bầu
Ngày ad còn bé, trước nhà ad có một giàn bầu. Buổi trưa, nắng ả oi nhưng ngồi dưới giàn bầu thì vẫn mát rượi.
Dưới đó, bọn trẻ con bẻ lục bình chơi nhà chòi rồi móc đất nắn thành đủ kiểu.

*
Có những đàn trâu đất, trâu mẹ trâu con nằm phơi lểnh nghểnh.
Có những chiếc cối đất,
con vịt đất,
thằng chăn trâu đất,
cái chén, cái nồi cũng bằng đất…
***
Thời gian trôi qua, nhà mình không trồng bầu nữa. Và nỗi nhớ về một giàn bầu, giàn mướp cứ thỉnh thoảng lại ùa về.
*
Mình nhớ có một bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm, trong đó có những câu rất hay thế này:
“Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ mong ngày được hái
Tôi hoảng sợ, ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.” (1).
Khi trồng cây không như mong đợi
Nếu bạn trồng 100 cái cây mà nó chết hết 99 cây, bạn có buồn không?
Buồn chứ. Nhưng rồi hãy nghĩ thế này:
Những cái cây đó, nó chết có thể là do mình chưa chăm sóc tốt, cũng có thể vì nó không đủ khỏe mạnh để vượt qua.
Như vậy thì, cái cây cuối cùng còn sống là cái cây đủ mạnh – nó đã vượt qua sự sàng lọc khắc nghiệt mới còn lại bên bạn. Hãy trân trọng nó.
Cuộc sống này cũng vậy thôi. Có những lúc ta tưởng chừng như mất tất cả nhưng khi lắng lòng nhìn lại, ta mới thấy có thể vẫn còn gì đó: một người bạn, một món đồ kỷ niệm, một bài học, một con vật trung thành… hay có thể chỉ là một cái cây…
*
Cỏ cây, dù cho bạn bỏ lơ hay đối xử với nó tàn tệ thế nào, nó vẫn cố gắng nở cho bạn những đóa hoa đẹp nhất – cho đến phút cuối cùng!