Phụ nữ mang thai không nên ăn gì?
Có một số loại rau quả có thể gây co thắt tử cung hoặc tác động xấu đến sức khỏe bà bầu và thai nhi. Vì vậy, trong thời gian mang thai, chị em chúng ta cần lưu ý kiêng cử các loại rau quả này nhé!
Nội dung chính ⇒
1. Bà bầu ăn rau ngải cứu được không?
Ngải cứu giúp giảm đau bụng kinh, đau nhức tay, lưng, cổ… rất hiệu quả bằng cách hơ lá tươi trên ngọn lửa cho nóng thơm rồi chườm lên.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai thì không nên dùng rau này (nhất là mang thai 3 tháng đầu) vì đây là giai đoạn dễ sảy thai.
Có tư liệu cho rằng ngải cứu không gây kích thích tử cung, tuy nhiên, cũng có tư liệu nói rằng dùng ngải cứu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, gây hư thai.
Vì vậy, các bà bầu không nên dùng ngải cứu khi chưa có sự cho phép của thầy thuốc nhé!
2. Bà bầu ăn rau răm được không?
Rau răm là loại rau mà nam nữ đều không nên ăn nhiều (vì ăn khoảng 20 g thì nó giúp tăng cường sinh lý nhưng nếu ăn hơn 20 g thì nó lại làm giảm ham muốn (do tính chất phát tán của rau răm)).
Với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thai kỳ thì đây là giai đoạn thai khí yếu, dễ sảy thai, vì vậy, các chị em cũng cần hạn chế rau răm (vì nó có chất gây co bóp tử cung, có thể gây sảy thai nếu ăn nhiều).
3. Bà bầu ăn rau sam được không?
Rau sam cũng được nhiều người ưa chuộng vì tính thanh mát của nó.
Tuy nhiên, với bà bầu thì loại rau này lại gây hại vì nó có tính hàn, làm kích thích tử cung mạnh và gây sảy thai.
4. Bà bầu ăn cải bó xôi (rau bina, rau chân vịt) được không?
Cải bó xôi chứa nhiều chất tốt cho cơ thể, tuy nhiên, các bà bầu không nên ăn nhiều (mỗi tháng chỉ ăn 1 hoặc 2 lần, mỗi lần một ít là được).
Nếu ăn nhiều cải bó xôi, các bà bầu sẽ có nguy cơ sảy thai cao.
5. Bà bầu có thể ăn rau ngót không?
Bà bầu không nên ăn rau ngót vì đây là loại rau gây sảy thai ở cả người và động vật.
Khi đi vào cơ thể, rau bù ngót (bồ ngót, rau ngót) sẽ làm co thắt các cơ trơn ở tử cung. Vì vậy, nếu ăn trên 30 g lá rau ngót thì nguy cơ sảy thai sẽ rất cao.
Do đó, cách tốt nhất là không nên ăn rau ngót khi đang mang thai.
6. Bà bầu có nên ăn bông cải (súp lơ) không?
Súp lơ (đặc biệt là súp lơ xanh) có chứa rất nhiều vitamin C, tuy nhiên, với bà bầu thì hấp thụ quá nhiều vitamin C lại có thể gây sảy thai.
Vì vậy, phụ nữ mang thai chỉ nên ăn một ít bông cải và thỉnh thoảng ăn một lần, không nên ăn mỗi ngày.
7. Bà bầu ăn ớt chuông có sao không?
Ở 3 tháng đầu thai kỳ, phụ nữ mang thai không nên ăn ớt chuông vì loại quả này chứa rất nhiều vitamin C, có thể gây sảy thai.
Ở giai đoạn sau, nếu thích ăn ớt chuông thì bạn cũng chỉ ăn một ít thôi nhé! (không quá 1 trái mỗi ngày và mỗi tuần không ăn quá 2 lần).
8. Bà bầu ăn rau cải xoăn được không?
Rau cải xoăn có thể gây sảy thai, vì vậy, phụ nữ mang thai không nên ăn loại rau này.
9. Bà bầu ăn khổ qua (mướp đắng) được không?
Khổ qua cũng là một trong những loại thực phẩm mà phụ nữ mang thai cần tránh vì nó làm hạ đường huyết, kích thích tử cung và có thể gây sảy thai, sinh non.
Ngoài ra, sau khi sinh nở, các bà mẹ đang cho con bú cũng không nên ăn khổ qua vì điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.
Lưu ý: Hạt khổ qua có chứa chất độc, có thể gây nhức đầu, hôn mê và đau thắt bụng ở những người có cơ địa nhạy cảm.
Ngoài ra, khi có thai, các bà bầu cũng cần tránh những loại trái cây gây nóng, táo bón, hư thai… như: nhãn, lựu, đào, ổi, vú sữa, táo mèo, mãng cầu ta, khóm, đu đủ xanh…
Những lưu ý về chế độ ăn uống khi mang thai
Trong thời gian mang thai, mỗi món ăn, thức uống mà bà bầu hấp thu đều sẽ ảnh hưởng (tốt hoặc xấu) đến sức khỏe bà bầu và cả thai nhi. Vì vậy, cẩn trọng trong lựa chọn thức ăn là điều rất cần thiết.
Ngoài những loại rau quả đã kể trên, các bà bầu cũng cần lưu ý những điều sau đây:
- Không nên dùng quá nhiều thực phẩm giàu vitamin A trong thời gian dài (vì thừa vitamin A cũng có thể gây dị tật bẩm sinh ở trẻ).
- Không nên dùng các thực phẩm sống, tái hoặc chưa chín kỹ vì chúng chứa nhiều vi khuẩn có hại (ví dụ như dưa muối, gỏi, rau sống…).
- Không nên ăn những loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao (ví dụ như cá ngừ, cá mập (cá nhám), cá thu, cá kiếm…) vì sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, khả năng ngôn ngữ và tư duy của trẻ.
- Không nên ăn những món quá mặn vì sẽ gây tăng huyết áp, mặt khác, thận cũng phải làm việc nhiều để bài tiết muối và quá trình này sẽ làm hao hụt Can xi trong cơ thể.
- Không nên dùng các thực phẩm chứa cồn và cafffein như bia, rượu, cà phê, sô cô la, nước ngọt có gas… vì chúng có chứa các chất gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.
- Không nên hút thuốc lá vì trong thuốc lá có chứa rất nhiều chất độc, sẽ gây sảy thai, sinh non và dị tật thai nhi.
- Hạn chế dùng các thực phẩm ngọt, chứa nhiều đường… vì sẽ dễ dẫn đến tiểu đường thai kỳ. Hơn nữa, dùng quá nhiều đường còn làm suy giảm hệ miễn dịch.
- Hạn chế các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ để phòng ngừa các bệnh về chuyển hóa.
- Phụ nữ mang thai 2 tuần đầu không nên ăn quá nhiều đồ chua vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
- Không ăn thức ăn đã để lâu (nên ăn sớm sau khi chế biến) để tránh thức ăn biến chất, chứa hoặc nhiễm độc tố gây hại cho sự phát triển của thai nhi.
- Không tự tiện dùng thuốc và các loại thuốc bổ, món ăn bổ (như nhân sâm, lộc nhung…) vì sẽ làm mất cân bằng nội tiết, thậm chí gây hư thai.
- Không nên ăn các thức ăn nhanh, đồ ăn thức uống đóng hộp, đồ nướng xông khói (như pate, thịt nguội, xúc xích…).
- Không nên tiếp xúc với các loại tinh dầu có tính phát tán, hóa chất và các chất kích thích…
Tư liệu tham khảo
- Bà bầu không nên ăn gì, trang mecuti.
- Mẹ bầu cần tránh ăn gì?, trang Bà bầu cần biết.
- Bà bầu cần lưu ý gì trong ăn uống?, trang tri thức hay.
- Vì sao mẹ bầu cần tránh xa thức ăn nhanh?, trang bà bầu cần biết.
- Mang thai cần tránh ăn gì?, trang Tin tức Việt Nam.