Nghiệp có phải là: kiếp này bạn giết con gà thì kiếp sau bạn sẽ bị giết lại không? Không đơn giản như vậy.
Nghiệp không phải là quả báo theo kiểu nếu bạn làm sai thì bạn sẽ bị trừng phạt.
🍀
1. Nghiệp có nghĩa là: bạn là người tạo ra cuộc sống của bạn
Hãy tưởng tượng bạn đang nặn một cục bột màu trắng.
Sau đó, bạn lấy thêm một cục bột màu đỏ trộn vào. Lúc này, hai màu trắng – đỏ sẽ hòa lẫn vào nhau. Bây giờ, màu của cục bột đã thay đổi. Có chỗ còn nguyên màu đỏ, có chỗ còn nguyên màu trắng, có chỗ đã pha lẫn giữa đỏ và trắng, thành màu hồng.
Sau đó, bạn lại nhập thêm cục bột màu xanh. Bây giờ thì cục bột có nhiều màu hơn. Xanh trắng, xanh đỏ, xanh tái tái… Sau đó, bạn tiếp tục trộn thêm màu tím… và các màu khác. Cục bột sẽ tiếp tục thay đổi màu không ngừng.
Cứ mỗi lần thu thập thêm màu mới, diện mạo của cục bột lại thay đổi. Quá trình này là sự vận hành của nghiệp.
Nghiệp là sự tự ghi lại, cộng thêm rồi hợp nhất để tạo thành một diện mạo mới – tại thời điểm đó.
Cứ mỗi kiếp sống, bạn lại tích lũy thêm một lượng ký ức về cơ thể này, bạn tiếp xúc với ai, thân mật với ai, cơ thể bạn đang tiến hóa như thế nào, bạn đã có những suy nghĩ, lời nói và hành động nào (bao gồm cả tốt và xấu)…, tất cả đều được ghi lại không ngừng và hợp nhất thành bạn của hiện tại.
Cho nên, nghiệp mà bạn mang vào ngày mai sẽ khác với nghiệp mà bạn mang ngày hôm nay, bởi vì nó còn cộng thêm những nghiệp của ngày hôm nay nữa.
Cho nên, “nghiệp” không phải là quả báo tốt hay quả báo xấu mà là kết quả thu được từ tất cả những thứ mà bạn đã tạo ra, đã mang theo. Kết quả này sẽ tiếp tục tiếp tục được bổ sung.
Còn thông thường, chúng ta nói “nghiệp tốt” hay “nghiệp xấu” chỉ là để thuận tiện trong diễn tả thôi. Về bản chất, nghiệp không có tốt hay xấu vì nó là sự tổng hợp của tất cả.
🍀
2. Nghiệp này là bối cảnh của nghiệp kia
Bạn không thể chạy trốn kết quả từ những thứ mà bạn đã tạo ra. Đó là sự thật.
Trí nhớ của bạn sẽ tạo thành định kiến của bạn. Những người học tập sách vở thì sẽ có định kiến theo kiểu sách vở. Những người xông pha đường đời thì sẽ có định kiến theo kiểu đường đời.
Và những thứ mà bạn đã tích lũy, nó sẽ trở thành bối cảnh để diễn ra nghiệp mới. Ví dụ, bạn hay đi nhậu nhẹt ở các quán nhậu thì hành động đó sẽ tạo thành bối cảnh để các nghiệp khác xảy ra: có thể bạn sẽ đánh nhau ở quán nhậu, có thể bạn sẽ gặp một ai đó ở quán nhậu, có thể bạn sẽ nuôi ý tưởng mở một quán nhậu…
Sau đó, mỗi trường hợp sẽ dẫn đến các hoàn cảnh khác nhau. Nếu bạn đánh nhau, có thể bạn sẽ bị thương, có thể bạn sẽ vào tù.
Nếu bạn gặp được ai đó, có thể bạn sẽ có một mối quan hệ tốt với họ, cũng có thể bạn sẽ có một mối quan hệ xấu với họ.
Sau đó, những thứ khác sẽ tiếp tục xảy ra trên bối cảnh mà bạn đang hiện hữu.
Cho nên, những gì bạn nghĩ, bạn nói, bạn làm, bạn phải suy nghĩ thật kỹ. Bởi vì nó sẽ đưa bạn đến một bối cảnh khác. Đây chính là bản chất thực sự của nghiệp chướng.
Nghiệp chướng, nghĩa là bạn bị giới hạn bởi những thứ mà bạn đã thu thập được từ trước đến nay.
Bạn không thể trốn khỏi hệ quả của nó và bạn cũng không thể thoát ra khỏi nghiệp theo kiểu “tôi cắt bỏ mái tóc này thì sẽ có mái tóc mới”. Không có chuyện như vậy.
🍀
3. Bạn có thể rẽ dòng nghiệp lực sang một hướng khác
Nói như vậy không có nghĩa là bạn hoàn toàn bất lực với những thứ mà bạn đã tạo ra.
Đành rằng, dòng nghiệp lực sẽ tiếp tục vận hành theo hướng mà nó nên đi. Tuy nhiên, có một số cách để bạn nhận thức được và tập trung nỗ lực để chuyển hóa nó.
Khi đó, bạn có thể đẩy nó sang một hướng khác. Giống như một dòng nước đang chảy, bạn không thể ngăn nó nhưng bạn có thể làm thay đổi một chút hướng đi của nó.
Bởi vì mỗi giây phút mà bạn đang hiện hữu, bạn đều đang tạo ra nghiệp mới.
Bạn đang ăn một cách chậm rãi, đó là nghiệp. Bạn đang ăn thật nhanh, đó cũng là nghiệp.
Bạn làm việc tốt, đó là nghiệp. Bạn làm việc xấu, cũng là nghiệp.
Bạn đang suy nghĩ, đó là nghiệp. Bạn không suy nghĩ gì cả, cũng là nghiệp.
Cho nên, về bản chất, nghiệp không tốt mà cũng không xấu. Và có nghiệp thì mới có bạn. Phải có nhân tố tạo thành thì mới có kết quả. Không có gì là ngẫu nhiên cả. Tất cả đều có nguyên nhân và hệ quả.
Vì vậy, bạn tồn tại ở đây nghĩa là bạn đang mang trong mình một nghiệp lực và nó đang tiếp tục thay đổi.
Vì vậy, mặc dù bạn bị giới hạn bởi các nghiệp cũ (ví dụ như bạn không được thông minh) nhưng chỉ cần bạn ý thức được điều đó và nỗ lực chuyển hóa thì bạn sẽ thay đổi được dòng nghiệp lực. Không hẳn là bạn sẽ thông minh lên nhưng ít nhất, bạn sẽ tốt hơn tình trạng hiện tại.
Hãy tưởng tượng bạn đang cầm một cục bột hỗn hợp màu. Bây giờ, bạn liên tục nạp thêm các cục bột màu trắng thì kết quả sẽ càng trắng lên. Bạn nạp thêm nhiều màu đen thì cục bột sẽ càng đen hơn.
Cho nên, bạn là người có số mệnh nhưng bạn hoàn toàn có thể thay đổi số mệnh, bởi vì mỗi giây tiếp theo mà bạn sống, bạn đang tiếp tục nạp thêm ký ức để tạo ra số mệnh sắp tới của mình.
Dù cho trong quá khứ, bạn đã tạo ra những nghiệp gì thì ở giây phút hiện tại này, nghiệp chướng vẫn nằm trong tay bạn. Bạn có thể chuyển hóa nó.
🍀 Chuyển hóa nghiệp có nghĩa là vượt qua tính bắt buộc của hành động.
Ví dụ, theo như kinh nghiệm nhìn người của bạn thì anh ta là kẻ tham lam. Tuy nhiên, giờ đây, bạn hiểu rằng bạn không biết gì về anh ta cả. Bạn chỉ biết anh ta của trước đây chứ không biết anh ta của hiện tại. Có thể anh ta đã không còn tham lam nữa nhưng cũng có thể anh ta đã phạm tội nhiều hơn.
Vì vậy, khi tâm trí bạn không kết luận anh ta là người như thế nào, bạn đã thoát khỏi một phần định kiến (nghiệp chướng) do tâm trí tạo ra.
Suy cho cùng, bạn là người quyết định tương lai của bạn, quyết định vận mệnh của bạn.
Nếu bạn cho rằng có Thượng Đế thì bạn phải hiểu: ông ấy chỉ thực hiện công việc của đấng sáng tạo. Ông ấy tạo ra bạn. Còn bạn mới là người thực hiện công việc vận hành và quản lý bản thân. Đừng đổ hết trách nhiệm lên mình Thượng Đế. Ông ấy chỉ sáng tạo thôi. Bạn mới là người chịu trách nhiệm cho vận mệnh của mình.
Bây giờ, bạn đang cầm cục bột trên tay. Những màu bột khác có sẵn ngoài kia. Bạn muốn tạo ra cục bột trắng, cục bột xanh hay cục bột đen…? Bạn muốn tạo ra cục bột như thế nào, đó là lựa chọn của bạn.
Hiện nay, có nhiều người dùng tà thuật để chuộc lợi hoặc hãm hại người khác (ví dụ như cầu số, làm bùa ngải…). Những việc này đều sẽ gây ra hậu quả xấu cho bản thân họ.
🍀
4. Nền tảng của nghiệp
Nền tảng của nghiệp chính là chịu trách nhiệm. Bạn của ngày hôm nay là do bạn tạo ra. Cho nên, bạn không thể oán trách cha mẹ hay ông trời.
Có người kêu than rằng: Sao tôi toàn gặp những người gì đâu không à!
Vậy thì họ phải tự hỏi lại: Họ đã đi đến những nơi nào? Họ đã chọn những người nào để kết giao?
Bạn đến nơi nào thì bạn sẽ gặp người ở nơi đó. Một người thích đi giải trí thì sẽ gặp những người cũng thích giải trí. Bạn không thể suốt ngày đi ăn chơi, nhậu nhẹt và mong sẽ tìm được một người chăm chỉ. Những người chăm chỉ, họ không có ở đó.
Cho nên, khi bạn hiểu ra tất cả là do “tôi” tạo ra, bạn sẽ không oán trách gì nữa. Bạn sẽ bắt đầu sống thực sự và cẩn trọng trong từng bước đi của mình, bởi vì mỗi bước sẽ dẫn đến một hoàn cảnh mới.
Kể cả ngoại hình và đặc điểm di truyền của bạn, bạn cũng là người chịu trách nhiệm. Điều này nghe qua có lẽ bất công với những người không được đẹp. Ai cũng muốn mình có một dung mạo tuyệt vời, thế nhưng, khi chúng ta không được như vậy thì chúng ta cũng không nên oán trách, bởi vì nếu nhìn xa hơn thì chúng ta đã tích lũy được bấy nhiêu đó, từ nhiều kiếp trước.
Và từ hôm nay, chúng ta hãy tích lũy nhiều điều tốt đẹp hơn cho cuộc đời mình, như vậy thì ngoại hình và số mệnh chúng ta chắc chắn sẽ thay đổi.
🍀
5. Vượt ra khỏi nghiệp
Có người hỏi: phải làm sao để thoát ra khỏi dòng nghiệp chướng?
Bạn có biết: nghiệp chính là sự sống còn của bạn. Không có nghiệp về thể chất thì làm sao có cơ thể này? Không có nghiệp về tinh thần thì làm sao có những suy nghĩ, cảm xúc và ký ức… này? Nếu không có nghiệp, bạn sẽ không tồn tại.
Hãy xem, nếu mỗi sinh mệnh không mang một nghiệp riêng về thể chất thì tại sao bạn ăn mãi chỉ cao 1 m 5, còn người kia thì cao 1 m 7.
Rõ ràng, trong cơ thể mỗi sinh vật có một dòng nghiệp lực riêng, trong trường hợp kể trên là nghiệp về di truyền.
Và nếu bạn không mang nghiệp về thể chất thì làm sao bạn có bộ dạng này, màu da này, mái tóc này, kích thước này?
Nếu bạn không mang nghiệp về tinh thần thì bạn sẽ không có bất kỳ suy nghĩ và cảm xúc nào!
Cho nên, nghiệp lực vừa trói buộc bạn, lại vừa là cơ sở cho sự tồn tại của bạn.
Và nếu bạn xử lý đúng cách, bạn có thể thoát khỏi nghiệp. Khi bạn thực sự trở nên Thiền định, bạn sẽ vượt ra khỏi nghiệp.
Đến đây, có thể ai đó sẽ nghĩ rằng: như vậy, Thiền định sẽ giúp chúng ta thoát khỏi vòng nghiệp chướng. Không!
Thiền định thực sự là không có tác dụng gì cả. Nó không giúp bạn cái gì cả.
Ngày nay, cái mà chúng ta hay gọi là Thiền, với các cảnh giới này kia, thực chất là chúng ta chỉ xem Thiền như một thủ thuật để sống tốt hơn, hạnh phúc hơn, để mang lại cảm giác này, cảm giác kia, để có sức khỏe, để giác ngộ, để đạt tới cảnh giới kỳ bí nào đó. Chúng ta xem Thiền như một phương tiện.
Nhưng bản chất thực sự của Thiền không là gì cả, không phải phương tiện cũng không phải cảnh giới. Thiền là trống rỗng. Thiền là rời bỏ bản thân này – cả thể chất lẫn tinh thần, là tự tiêu hủy hết, giải thể, biến mất, không còn gì nữa.
Và nếu nói thẳng rằng: Thiền là quá trình tự giải thể cả linh hồn lẫn thể xác thì còn bao nhiêu người dám Thiền?
Không phải bạn treo cổ và tự sát là sẽ đạt tới Thiền. Không phải bạn nín thở và chết đi là sẽ đạt tới Thiền. Không phải như vậy. Bạn chết đi thì chỉ có thể xác bị tiêu hủy. Linh hồn bạn vẫn còn.
Và ngay khi bạn có tâm niệm “tự tiêu hủy” để đạt tới Thiền thì khi đó, bạn vẫn chưa thực sự Thiền. Bởi vì bạn vẫn còn ý niệm “tự tiêu hủy” trong đó. Bạn vẫn còn mục đích.
Bạn càng cố gắng Thiền, càng tập trung Thiền thì bạn lại càng xa Thiền. Thiền là không có ý định gì cả.
Không có mục đích nào cả, không có cảnh giới nào, cũng không có điểm đến nào.
Thiền sẽ không đưa bạn đến được nơi mà bạn muốn đến.
Niết bàn gì đó, bạn sẽ không đến đó, bởi vì Thiền là không có gì cả. Không có linh hồn thì cần gì niết bàn để neo đậu?
Và Thiền là trống rỗng nên nó mới là mọi thứ.
Cho nên, chỉ khi ai đó sẵn sàng tự tan biến đi cả hình hài lẫn linh hồn mà không có một ý định gì, họ mới thực sự Thiền. Điều này đòi hỏi một sự tinh tế nhất định.
Còn bây giờ thì mọi người đa phần chỉ Thiền để đạt được lợi ích mà họ muốn, nhưng như vậy cũng tốt.
Còn sinh mệnh trong cơ thể này, nó có trí thông minh của nó. Bạn không thể ép nó rời khỏi cơ thể này, cũng không thể van xin nó ở mãi trong cơ thể này.
Khi nào nó quyết định ra đi thì sẽ ra đi. Hãy tôn trọng điều đó.
🍀
Chào bạn, mình là Nhi, người viết bài này.
Bạn có thể liên hệ mình qua sdt 0979254124.
Bạn cũng có thể thưởng cho mình ly sữa để có thêm động lực viết lách và dịch thuật, thông qua stk Agribank của mình: 1800 259 157 122.
Cảm ơn bạn.
Xem thêm: