Cây cỏ mực (cỏ nhọ nồi) là loại rau cỏ mọc hoang nhưng lại có nhiều công dụng quý như: điều trị nhiệt miệng, trĩ, thổ huyết, chảy máu cam…
Lúc còn nhỏ, thỉnh thoảng mình lại bị nhiệt miệng và những lúc ấy thì rất khó chịu: trên mép môi cứ có một vài vết loét nhỏ, sưng nóng rồi lan rộng ra và mỗi lần ăn bất cứ thứ gì là đau đến xuýt xoa. Thế là mẹ mình đi nhổ cỏ mực, giã nát vắt lấy nước rồi thoa lên vết loét. Cái màu xanh đen và mùi của nó hơi làm mình khó chịu, tuy nhiên, sau đó thì vết loét đỡ đau hẳn và mình thoa thêm một hai lần nữa thì khỏi.
Nội dung chính ⇒
Về cây cỏ mực (nhọ nồi)
Cỏ mực, cái tên ấy có lẽ bắt nguồn từ màu nước xanh đen của nó khi được giã nát ra, nhìn như mực nước vậy. Ngoài tên gọi này, cây cỏ mực còn được gọi là nhọ nồi. Chỉ cần bạn bẻ lá của nó, vò nhẹ một chút cho giập nát thì tay sẽ bị dính màu xanh đen ngay. Cây có tên khoa học là Eclipta alba, thuộc họ Cúc: Asteraceae (1).
Theo y học cổ truyền, cỏ mực có tính lạnh, vị ngọt hơi chua và không có độc. Cây có tác dụng giải nhiệt, làm mát máu và điều trị viêm gan mạn tính.
Cây cỏ mực (nhọ nồi) có tác dụng gì, chữa bệnh gì?
Cỏ mực là cây thuốc Nam thông dụng và thường được dùng trong các trường hợp như:
1. Cầm máu
Cầm máu là tác dụng nổi trội của cây thuốc này. Khi bị các vết thương ngoài da gây chảy máu, bạn có thể lấy cỏ mực giã nát và đắp lên để cầm máu. Sách Bản kinh có ghi rằng: “Máu chảy không cầm, đắp rau mực cầm ngay.”
2. Điều trị chảy máu cam, nôn ra máu (do lao)
Lấy một nắm cây cỏ mực (cành và lá), rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước uống.
3. Điều trị chảy máu dạ dày, hành tá tràng
Lấy 50 g cỏ mực, 25 g bạch cập, 4 quả táo Tàu và 15 g cam thảo sắc lấy nước uống (mỗi ngày uống 1 thang và chia ra hai lần uống).
4. Điều trị tiểu tiện ra máu
Nếu bị đại tiện ra máu, các bạn có thể lấy cỏ mực nướng trên miếng ngói sạch, nướng đến khi nào nhành lá khô lại thì tán bột (mỗi lần dùng 8 g bột này và uống bằng nước cơm). Còn như đối với tiểu tiện ra máu, các bạn có thể lấy 100 g cây cỏ mực, 100 g mã đề, đem rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước uống (mỗi ngày uống 3 chén lúc đói, chia ra để uống).
5. Điều trị trĩ ra máu
Nhổ một nắm cỏ mực (cả rễ thân lá), rửa sạch rồi giã nát, sau đó đổ thêm một chén rượu nóng vào và lọc lấy nước uống (phần bã dùng để đắp).
6. Điều trị râu tóc bạc sớm
Lấy cỏ mực rửa sạch, nấu và cô đặc thành dạng cao rồi cho thêm nước gừng, mật ong và cô đặc lại một lần nữa. Sau đó, các bạn cho vào lọ để dùng dần, cứ mỗi lần uống thì múc một hoặc hai muỗng canh hòa với nước đun sôi hoặc hòa với rượu, ngày uống hai lần. Thuốc này có tác dụng bổ thận, ích tinh huyết. Ngoài ra, có tư liệu cho rằng bôi nước ép cỏ mực lên da đầu cũng sẽ giúp tóc mọc nhanh hơn.
7. Điều trị rong kinh
Nếu bị rong kinh nhẹ thì lấy một nắm cỏ mực giã nát rồi vắt lấy nước uống hoặc phơi khô rồi sắc uống. Nếu bị rong kinh nặng thì cần kết hợp thêm cây huyết dụ.
8. Điều trị di tinh, mộng tinh (do tâm thận nóng)
Lấy cây cỏ mực sấy khô rồi tán bột, mỗi ngày uống 8 g (uống bằng nước cơm). Nếu không dùng ở dạng tán bột thì có thể sắc lấy nước uống (mỗi ngày 30 g).
9. Điều trị ung thư họng
Theo tài liệu của Trung Quốc, lấy 50 g cỏ mực giã nát, vắt lấy nước uống hàng ngày có thể điều trị ung thư họng (nếu không uống nước ép được thì có thể sắc lấy nước).
10. Điều trị lở loét, mẩn ngứa: vừa uống vừa lấy nước ép thoa rửa bên ngoài.
Những lưu ý khi dùng cỏ mực điều trị bệnh
- Những người âm hư có nhiệt và tỳ vị hư hàn (gây tiêu chảy) không nên dùng cỏ mực.
- Cỏ mực chống lại tác dụng của thuốc chống đông máu, vì vậy nên thận trọng khi sử dụng các loại thuốc có tác dụng đông máu.
- Vị thuốc này có thể gây sảy thai, vì vậy phụ nữ đang mang thai không nên dùng.
- Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng để tránh các tác dụng không mong muốn.
Xem thêm: Nấm hương (nấm đông cô) và những món ăn giúp phòng, chữa bệnh
Tư liệu tổng hợp
- Cỏ mực có tác dụng gì, https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BB%8F_m%E1%BB%B1c.
- Tuệ Minh – Dương Thiên, Cây thuốc nam thông dụng trị liệu trong gia đình, NXB Đồng Nai, trang 115.