Một bạn hỏi mình rằng: có nên ăn những món Sadhguru đề xuất không? Ví dụ như có những video Sadhguru khuyên chúng ta nên uống mật ong pha nước ấm, dùng bí đao hoặc dùng lá neem với nghệ…
Theo mình thì bạn có thể thử.
Ví dụ như một muỗng mật ong pha nước ấm sẽ giúp hệ thống của bạn mở ra, nhuận tràng và dễ hấp thu.
Còn mật ong pha nước sôi thì lại có hại, bởi vì có một số chất trong mật ong, khi gặp nhiệt độ lớn hơn 40 độ C thì nó sẽ thành chất độc.
Cho nên, những món như tắc chưng mật ong, vịt quay tẩm mật hay bánh nướng mật…, tưởng chừng là tốt nhưng lại không tốt.
Với mình thì mình không hợp với mật ong. Nếu mình thoa mật ong lên mặt, da mình sẽ nổi mụn ngay. Nếu mình uống mật ong, đường ruột của mình sẽ yếu rõ rệt.
Trên thế giới cũng có nhiều trường hợp kỵ mật ong. Vì vậy, bạn có thể dùng với liều nhỏ rồi quan sát cơ thể, sau đó mới quyết định nó có tốt với bạn không.
Tương tự như vậy, bí đao, lá neem… cũng có những công dụng nhất định. Tuy nhiên, bạn mới là người quyết định xem nó nên ăn nó không. Sadhguru nói với chúng ta rằng đừng biến thức ăn thành triết lý, rằng cái này là tốt, cái kia là không tốt.
Có một vấn đề mà mình phân vân bấy lâu nay, đó là việc tiếp thu kiến thức từ sách y học nước ngoài. Ví dụ, khi một người nghiên cứu về dinh dưỡng và đưa ra chế độ ăn lý tưởng thì họ nghiên cứu trên ai?
Họ nghiên cứu trên những đối tượng mà họ thí nghiệm. Vì vậy, nếu họ lấy người Nhật làm đối tượng nghiên cứu thì chế độ ăn ấy sẽ phù hợp với hầu hết cơ địa người Nhật.
Và cơ địa người Nhật thì khác với cơ địa người Việt, khác với cơ địa người Mỹ, khác với cơ địa người Australia…; bởi vì mỗi nhóm người sinh sống trên một vùng khí hậu khác nhau, một vùng đất khác nhau… thì nhu cầu dinh dưỡng của họ cũng khác nhau. Người xứ lạnh sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác người xứ nóng.
Chưa kể, giá trị của thực phẩm ở mỗi vùng đất khác nhau… cũng khác nhau.
Nhân sâm núi Trường Bạch sẽ khác với nhân sâm núi Ngọc Linh, bởi vì khí hậu ở hai vùng núi này là khác biệt. 100 g thục địa của nhà thuốc này sẽ có có mức độ dược tính khác với 100 g thục địa của nhà thuốc khác.
Cùng 1 củ cà rốt nhưng nếu nó được trồng trên vùng đất giàu dinh dưỡng thì hàm lượng dưỡng chất của nó sẽ cao hơn (so với trồng trên đất nghèo nàn).
Ngay cả trong một nhà, nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người cũng khác nhau. Có người “ăn như hạm” vẫn gầy, có người “thở thôi cũng mập”, bởi vì mức tiêu hao năng lượng cơ bản của mỗi người là khác nhau.
Ví dụ, bình thường chúng ta ngồi thở thôi cũng tốn 40 calo/ giờ. Tuy nhiên, có người sẽ tốn nhiều hơn, có người sẽ tốn ít hơn. Cùng là hành động bấm điện thoại nhưng lượng calo bị tiêu hao sẽ khác nhau.
Ngay cả trong một người cũng có giai đoạn bạn cần nhiều dinh dưỡng hơn bình thường, sẽ có những lúc bạn cảm thấy muốn ăn nhiều và có những ngày bạn không đói lắm. Nó tinh tế đến như vậy.
Vì vậy, nếu cứng nhắc áp dụng các nguyên tắc về dinh dưỡng thì sẽ không hiệu quả.
Thời gian qua, có nhiều bạn than với mình là họ ăn theo chế độ gạo lứt muối mè và thấy mệt mỏi; họ ăn chay và thấy mệt mỏi; họ ăn kiêng và thấy mệt mỏi; họ ăn thực phẩm nguyên cám và thấy mệt mỏi… vân vân…
Tại sao chúng ta cứ cố ăn thứ khiến chúng ta mệt mỏi?
Nếu bạn liên tục ăn một thứ gì đó trong thời gian dài, dù đó là loại tốt thì nó cũng sẽ gây ra tác dụng phụ, cái này y học cổ truyền đã nói quá nhiều.
Ngay cả cơm, nếu bạn chỉ ăn cơm trong thời gian dài (mà không ăn thêm các món khác) thì bạn cũng sẽ bị tác dụng phụ, điển hình là tăng đường huyết.
Không phải cứ ăn giống như Phật là sẽ thành Phật.
Không phải cứ ăn giống Sadhguru là sẽ thành Sadhguru.
Không phải làm những việc như doanh nhân là sẽ thành doanh nhân.
Mỗi người sau khi thành công sẽ có bí quyết thành công riêng và bí quyết ấy “đúng với họ”. Điều đó có nghĩa là gì? Bí quyết ấy có thể không đúng với mình, bởi vì mỗi con người mang trong mình một tố chất riêng.
Cho nên, Đông y đã rất khôn ngoan khi nói “tác dụng của thuốc còn tùy vào cơ địa”.
Vì vậy, quay trở lại câu hỏi ở đầu bài: có nên ăn những món mà Sadhguru đã đề xuất không?
Câu trả lời là: Bạn cứ thử và xem cơ thể phản ứng như thế nào, rồi quyết định.
Mình thì không hợp với mật ong. Bí đao thì mình không thích lắm. Lá neem kết hợp với nghệ thì mình có dùng và thấy ổn. Mình dùng khoảng 1 tuần thì ngưng.
Hiện tại thì mình chủ yếu ăn rau xanh, trái cây, một ít cơm, vâng, và một ít món ăn vặt mà mình yêu thích 🥰
🍀🍀🌾🌾🌾
Chào bạn,
Mình là Nhi, người viết bài này.
Bạn có thể liên hệ mình qua sdt 0979 254 124.
Bạn cũng có thể thưởng cho mình ly sữa để tiếp tục viết văn qua stk Agribank 1800 259 157 122 (Đồng Tuyết Nhi).
Cảm ơn bạn.