Không có thiên đàng, không có địa ngục. Chỉ có dòng năng lượng biến đổi không ngừng.
***
Bài viết này không phủ nhận tôn giáo, bởi vì mục đích thực sự của tôn giáo không phải là thiên đàng.
Mục đích thực sự của tôn giáo chính là giúp con người sống tốt hơn ở nơi đây.
Bạn nghĩ kỹ lại xem, có phải vậy không!
Chỉ là, con người thường thích phần thưởng, thích có gì đó làm động lực, thích nguyên tắc cụ thể… cho nên mới có thiên đàng, địa ngục, luật đạo và các ngôi vị thiêng liêng.
Sức sáng tạo của con người thật sự rất dồi dào.
Nếu không tin khả năng sáng tạo của con người, bạn hãy nghĩ về các bộ phim và những quyển tiểu thuyết.
***
Thật ra, không phải tạo hóa tạo ra con người.
Mà là: con người là một phần làm nên tạo hóa.
***
Nếu bạn chưa hiểu rõ, hãy theo dõi tiếp phần dưới đây nhé!
***
Khi nói về tạo hóa, mọi người thường nghĩ đó là một người có quyền lực vô biên, sáng tạo ra vũ trụ này.
Có người gọi đó là “Ông Trời”, có người gọi là “Thượng Đế”, có người gọi là “Đấng Sáng Tạo”…

Thật ra, tạo hóa không nhất thiết phải là một con người.
Đó có thể chỉ là một quá trình sáng tạo.
Sáng tạo không ngừng.
***
Bạn hãy tưởng tượng có một cục bột trên tay, bạn nặn và xoay nó, khi đó, cục bột sẽ biến đổi hình dáng không ngừng.
Bây giờ, cục bột ấy là trái đất. Khi có lực tác động, trái đất cũng sẽ biến dạng: chỗ này lồi, chỗ kia lõm; chỗ này động đất, hụt sâu thành biển; chỗ kia trồi lên, nhô cao thành đồi. Khi đó, trái đất sẽ có một diện mạo khác.
Những lần chuyển đổi hình dáng như vậy, tùy mức độ và biểu hiện mà người ta gọi đó là “điềm báo của trời đất”, là “thiên tai”, là “tận thế”, “đại hồng thủy” hay “sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo”…
Bây giờ, lực tác động lên cục bột ấy là bàn tay của chúng ta. Thật rõ ràng.
Vậy còn lực tác động lên trái đất là gì? Người ta bắt đầu dùng các học thuyết để giải thích.
Đối với các hiện tượng không giải thích được, người ta sẽ bảo đó là tự nhiên, là tạo hóa, là ý trời…
Và bắt đầu gán các danh xưng, chẳng hạn như “ông trời”. Bên cạnh ông trời thì sẽ có “vợ ông trời”, và tất nhiên là có cả các quan đại thần như “Thần mưa”, “Thiên Lôi”, “Long Vương”, “Diêm Vương”… và muôn vàn câu chuyện xung quanh.

***
Chỉ vì chúng ta thích nhân hóa mọi thứ nên mới gán cho tạo hóa một danh xưng nào đó.
Vốn dĩ, “đấng tạo hóa” chỉ là một quá trình sáng tạo không ngừng.
Là sự sáng tạo, vận hành không ngừng.
Là một cục bột tự chuyển xoay.
Là một trái đất đang biến đổi.
Là một vũ trụ đang vận hành.
Và ngoài vũ trụ, vô cùng tận… cũng đang vận hành.
Không ngừng thay đổi, không ngừng sáng tạo.
“Đấng sáng tạo” mà chúng ta hay nói không phải ở trên thiên đường mà ở ngay trong chính chúng ta, ngay trong sự thay đổi của chính chúng ta, từng giây, từng phút. Các tôn giáo đã nói: “Thượng Đế ở ngay trong bạn”, không phải sao!
Sự sáng tạo ở ngay trong cái hạt giống bé xíu và trong cái động lực khiến nó bén rễ, nảy mầm.
Ở trong lá sen tàn mùa hạ và hoa cúc nở mùa thu. Ở trong làn gió thổi, trong hơi nước bốc lên, trong cái xác chết đang dần thối rữa…
Mỗi khoảnh khắc có sự thay đổi diễn ra thì tạo hóa cũng ở trong một diện mạo mới, với một lực vận hành mới.
Vậy, ở đâu mà lại có lực vận hành đó? Ở đâu mà lại có dòng năng lượng đó, thứ động lực có thể khiến cho cái bông nở ra, cái lá to hơn, khiến cho cuồng phong vũ bão, khiến cho các hành tinh di chuyển không ngừng mà không va chạm vào nhau…
Con người không thể giải thích thấu đáo được.
Vậy nên, họ bảo rằng “chắc chắn có một đấng tối cao nào đó đã quản lý và điều chỉnh vũ trụ, luôn thấu hết mọi sự từ lớn nhất đến nhỏ nhất”. Vâng, con người lại quay về lối tư duy nhân hóa, gán ghép danh xưng nữa rồi!
Vì sao ư?
Vì con người sợ hãi.
Vì nếu nói rằng vũ trụ chẳng có ai là chủ, chẳng có ai quản lý, trông coi thì sẽ thật đáng sợ, thật nguy hiểm với sinh mệnh nhỏ bé này.
Ai sẽ thưởng thiện phạt ác? Xã hội sẽ loạn lên.
Quan trọng là: chết rồi sẽ như thế nào? Nếu không có “thiên giới”, “cực lạc”, “nước trời”… thì thật là đáng sợ.
Không biết sẽ như thế nào cả.
Vậy nên, con người phải sáng tạo ra nơi để đến “sau khi chết”.
Và họ bắt đầu đặt ra các cảnh giới. Họ thích sự công bằng nên thế giới sau khi chết cũng phải công bằng.
Có mười tám tầng địa ngục thì cũng phải có các tầng trời.
Và vì họ thấy thế gian này lu bu hỗn loạn, khổ não quá… nên niết bàn của họ phải yên tĩnh, không còn khổ đau…
Vậy đấy, những người chưa chết lại nói rất hay về những chuyện sau khi chết!
Họ còn cóp nhặt ý tưởng từ những nguồn năng lượng khác nữa chứ (ví dụ như những người đã chết), trong khi những nguồn năng lượng ấy đang ở trong một cảnh giới riêng mà họ chưa trải qua. Điều này chẳng khác gì việc nghe một người bạn miêu tả nhà của cô ấy và bạn nghĩ đó là nhà mình.
***
Tại sao chúng ta cứ nhất định chết rồi là phải lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục?
Tại sao chúng ta không nghĩ rằng dòng năng lượng trong cơ thể này sẽ tự có hướng đi của nó (sau khi rời khỏi cơ thể này)?
Hãy yên tâm rằng: chỉ cần bạn đã từng xuất hiện ở đây thì bạn sẽ không bao giờ mất đi. Chỉ là: năng lượng sống của bạn sẽ đưa bạn đến đâu, nó còn tùy thuộc vào những điều bạn đã thu thập được trong kiếp sống này.
Mọi thứ đều vận hành không ngừng và bạn sẽ đi theo dòng nghiệp lực đó. Nhưng bạn phải nhớ, dòng nghiệp lực này không phải là nhân quả theo kiểu: kiếp này bạn giết con gà thì kiếp sau con gà sẽ giết lại bạn. Không nhất thiết như vậy.
Đã là sự sáng tạo không ngừng… thì làm gì có chuyện vần xoay lặp lại? Làm gì có quy luật để bạn nắm bắt?
Nó sẽ tiếp tục tiếp diễn theo dòng nghiệp lực đang có và thậm chí có thể thay đổi ra khỏi dòng nghiệp lực đó, không theo dòng nghiệp lực đó nữa. Ai biết được! Làm gì có giới hạn nào cho nó. Vũ trụ còn không có giới hạn cơ mà. Phải không?
Vậy nên, không có quy luật nào chắc chắn cả. Trái đất có trọng lực nhưng ra khỏi trái đất thì không còn trọng lực nữa, bạn sẽ bay lơ lửng.
Cho nên, câu hỏi “động lực nào đã làm cho cái bông nở ra?”
Thì câu trả lời là: năng lượng của sự vận hành, của tạo hóa.
Vì sao lại có năng lượng đó?
Không biết.
Bạn có thể giải thích rằng thời gian, cấu trúc tế bào, nước và các chất dinh dưỡng… đã giúp cái bông nở ra nhưng bạn sẽ không thể giải thích được:
“Vì sao lại có trọng lực?”
“Vì sao lại có hố đen vũ trụ?”
Vũ trụ này, sự sáng tạo này… thậm chí không cần có nguyên nhân!
Bằng tư duy thông thường, chúng ta sẽ không thể hiểu được.
May mắn là: giây phút chúng ta biết rằng mình không biết, giây phút chúng ta biết rằng trí tuệ này là có hạn, chúng ta đã tiến gần hơn đến giác ngộ.
Như ai đó đã nói đùa rằng: giác ngộ là nhận ra mình chẳng là gì, chẳng biết gì, chẳng có gì! Mọi thứ đều quá rộng lớn, quá vĩ đại so với tâm trí nhỏ bé của chúng ta.
Nhưng nhiều người khác lại không thích như vậy. Tư duy logic bắt buộc họ phải tìm ra nguyên nhân và kết quả. Họ còn ngạo nghễ tuyên bố về ngày tận thế – ngày mà họ chưa từng trải qua, chỉ nghe nói thôi nhưng lại phán xét như đã biết tường tận rồi.


Bạn thấy đó, tâm trí khốn khổ của con người luôn muốn có một kết quả. Trong khi có, vũ trụ vô tận này làm gì có kết quả!
Nếu có thì chỉ là kết quả của một cuộc đời nào đó mà thôi. Cái chết chính là ngày tận thế của mỗi người.
Như vậy, không ai biết được điều gì sẽ xảy ra! Sự thay đổi luôn diễn ra không ngừng.
Chỉ có một điều là: khi ai đó chết đi, thậm chí, nếu cơn đại hồng thủy có xảy ra, hay trái đất có nổ tung… thì với vũ trụ vô tận này, đó cũng chỉ như một lần nặn bột.
Chỉ là, chúng ta, với tâm thế của một con người, chúng ta muốn mình được sống. Cũng như chúng ta, mọi loài động vật, thực vật… đều muốn mình được sống.
Vì lòng ham sống, chúng ta không muốn mình đi vào chỗ diệt vong.
Thế nhưng, cái cách mà chúng đang đối xử với tự nhiên, rõ ràng sẽ gặt lại quả đắng!
***
Cuối cùng, thứ duy nhất mà bạn có thể chắc chắn, đó là: có một năng lượng sống đang ở trong cơ thể bạn.
Sau khi rời khỏi thể xác này thì nó sẽ ở một thể xác khác, hoặc một dạng vật chất khác, hoặc ở trong một trạng thái nào đó mà nó cần có.
Hoặc cũng có thể không còn nữa. Ai biết được!
Làm gì có giới hạn cho nó! Làm gì có quy tắc nào ở đây!
Bao nhiêu người bảo rằng “chết rồi sẽ đi đầu thai”, nhưng đến lượt bạn, lỡ không có thì sao! Ai biết được.
Cho nên, bạn chỉ chắc chắn được một điều là bạn đang sống ở đây, bạn phải trân trọng sinh mệnh này, trân trọng thể xác này.
Đừng nói “thân này là cát bụi”. Đó là kiểu suy nghĩ vong ân.
Bạn nhờ có thể xác này mới trải nghiệm được nhiều điều như vậy.
Và bạn đang sống ở đây thì hãy sống theo cách mà bạn cảm thấy thoải mái nhất để nuôi dưỡng tâm hồn của bạn.
Làm một con người trọn vẹn đúng nghĩa.
Cứ làm người thôi.
Đừng nghĩ ta là đấng này đấng nọ. Bạn sẽ trông không giống người đâu!
Năng lượng sống của bạn đã ở trong thể xác này, ắt hẳn cũng có nguyên do của nó!
Và nếu bạn cần có một mục đích sống để cảm thấy yên tâm thì đó chính là sống thôi.
Trải nghiệm cuộc sống này.
Đừng nghĩ về thiên đàng nữa.
Hãy sống ở đây sao cho ở đây cũng đẹp tựa thiên đàng.
***
Chào bạn. Mình là Nhi, người viết bài này, cũng là admin của kênh Youtube Phụng Nghi Đồng Tuyết Nhi.
Bạn có thể liên hệ mình qua sdt 0979 254 124.
Bạn cũng có thể thưởng cho mình ly sữa để tiếp tục viết văn qua stk Agribank 1800 259 157 122 (Đồng Tuyết Nhi).
Cảm ơn bạn.
Xem thêm: Những gợi mở thông thái của Sadhguru