“Trái Đất này đâu phải của chúng mình”.
Hôm qua, khi ươm cây dâu tằm thì mình phát hiện một điều: cây cối có rất nhiều khía cạnh giỏi hơn con người.

Thứ nhất.
Cây dâu tằm, cây hoa hồng, cây sương sâm… và nhiều loài cây khác, kể cả những cây to lớn như cây gòn, cây ngọc kỳ lân, cây vông nem…, bạn chỉ cần chặt một nhánh của nó và ghim xuống đất ẩm thì nó sẽ mọc thành cây mới. Cách nhân giống vô cùng đơn giản.

Con người làm được điều này không? Không.
Con người không thể nhổ một cọng tóc, cắt một ngón tay, ghim xuống đất và ngồi đợi nó mọc thành người mới.
Thứ hai.
Hầu hết các loài cây chỉ cần một mình là có thể sinh sản.
Con người làm được điều đó không? Không luôn.
Chỉ một người thì làm sao sinh sản được, ít nhất phải hai người. Và cũng vì cần hai người nên mới sinh ra đủ thứ rối rắm, khổ não trên đời.
Chứ như cây cối, “ở một mình, tôi vẫn sinh con”, “nếu bạn ở bên cạnh, chúng ta sẽ cùng sinh con”.

Cho nên, là con người, bạn đừng bao giờ tự cao, rằng “con người là sinh vật phát triển cao nhất”. Đó là bạn tự phong thôi. Ngay ở khả năng sinh sản, bạn đã thua xa các loài cây, nấm và vi khuẩn… rồi.
Ngày nay, nhiều nhà khoa học tiến hành nghiên cứu nhân bản con người, đại loại là từ tế bào của một người nào đó, họ sẽ tạo ra các phiên bản giống như người đó. Tuy nhiên, quá trình này vô cùng khó khăn và chứa nhiều rủi ro. Ví dụ như: ai đó nhân bản ra một đội quân hiếu chiến thì thật sự là thảm họa. Thậm chí, người ta còn e ngại rằng cả nhân loại sẽ bị tiêu diệt.
Trong khi đó, với cây cối thì việc nhân bản lại đơn giản hơn nhiều. Hầu hết các cây con đều không chống lại cây mẹ và chúng phát triển như một cá thể mới độc lập. Bạn thử ghim một nhánh rau lang xuống đất và xem, nó có quay trở lại làm hại cây mẹ không? Không bao giờ. Nó có thể cạnh tranh dinh dưỡng và những cây yếu sẽ bị chết đi, nhưng nó không bao giờ sát hại đồng loại. Điều này con người còn phải cúi đầu hổ thẹn.

Thứ ba.
Một số loài như cây đàn hương, vì bộ rễ không đủ mạnh nên phải “bán ký sinh”. Rễ của nó sẽ ghép vào rễ của một số cây khác, để lấy một số khoáng chất mà nó không tự tổng hợp được. Và các cây khác sẵn lòng san sẻ. Chỉ là cỏ cây thôi mà lại có ý thức đến thế!
Rõ ràng, muôn loài đều phải cạnh tranh để sinh tồn, nhưng cạnh tranh không phải là tàn sát lẫn nhau, hãm hại lẫn nhau. Cây cối cạnh tranh rất lành mạnh. Tôi cao lớn thì tôi được nhiều ánh nắng. Anh thấp bé thì anh nhận được ít ánh nắng hơn. Và nếu anh không thể sống trong hoàn cảnh râm mát thì anh không thể tiếp tục sự sinh tồn. Đơn giản vậy thôi.
Tôi không thể dừng lại đợi anh, vì những cây khác đang vượt qua tôi. Nhưng nếu anh cần, tôi sẵn sàng cho anh một ít dinh dưỡng. Đây, lá tôi rụng xuống thành phân cho đất. Tôi che nắng và ngăn dòng chảy để đất nơi đây không bị xói mòn. Còn anh, anh phải thích ứng với cuộc sống dưới tán của tôi, hoặc anh cũng phải tự vươn cao lên, hoặc anh sẽ phải dừng lại cuộc chơi này.

Cuộc đua của cây cối, rõ ràng lành mạnh hơn con người, phải không?
Thứ tư.
Khi bạn chặt nhánh cây, hoặc có gió bão làm gãy nhánh cây, nghĩa là cây bị tổn thương.
Vậy thì cây sẽ mọc nhánh mới. Đa phần là vậy.
Con người làm được điều đó không?
Tóc nhổ xong có thể mọc lại.
Móng tay cắt xong có thể mọc lại.
Nhưng những thứ khác, giả sử ngón tay bạn bị đứt lìa thì có mọc lại được không?
Tất nhiên là không rồi.
Nhưng cây cối thì đa phần đều tự mọc ra nhánh mới, không chỉ một nhánh mà là nhiều nhánh, và không cần kỹ thuật “ghép chi” hay “ghép thận” gì cả. Tự nó sẽ sinh ra cái mới để bù cho cái đã mất.
Ngoại trừ một số loại cây, ví dụ như cây dừa, bạn chặt ngang thân thì nó sẽ chết. Còn như hầu hết các loại cây khác, bạn chặt ngang thân, nó lại mọc nhánh mới, không chỉ trẻ hơn mà còn khỏe đẹp, giàu sức sống hơn. Con người làm được điều đó không?

Cho nên, đừng ỷ mình có một chút kiến thức về hóa học, công nghệ… rồi tiến hành tàn sát hàng loạt cây cối.
Bạn phun thuốc diệt cỏ, thuốc khai hoang để giết cây. Chúng chết thật đấy. Nhưng bạn phải nhớ là khi bạn phun chất độc vào cây, bạn cũng đang phun chất độc vào đất và vào bữa ăn của bạn.
Bởi vì sinh kế, bạn phải diệt cỏ. Nếu bạn phun thuốc diệt cỏ, cỏ sẽ chết và mang theo chất độc trong nó.
Nhưng nếu bạn nhổ một cây cỏ, nó sẽ héo úa và mục rã thành phân hữu cơ. Bạn biết đấy, ngày nay, nhiều người “thèm” phân hữu cơ sạch đến nỗi, hễ đi ra đường thấy đống cứt bò hay đống lá mục là mừng như bắt được vàng.
Bởi vì họ nhận ra: càng bón phân hóa học thì đất càng bị chai, càng thoái hóa.
***
Cây cối được sinh ra từ đất, được nuôi dưỡng từ chất, chết đi lại thành phân cho đất. Đó là câu chuyện rất có hậu, không phải sao?
Còn con người, ở Trái Đất thì xả rác thật nhiều, khai thác thật nhiều, đốn phá thật nhiều…
Bòn rút xong, họ bỏ lại tàn dư và tìm cách lên mặt trăng!
Thật sự, không có con nào lại phá hoại như con người!
Biết rằng, vì kinh tế, đôi khi người ta phải ép lòng dùng chất hóa học để đỡ tốn công sức.

Tuy nhiên, người ta cần có chừng mực và nên biết hổ thẹn với chính mình, với môi trường, rằng mình đang dùng lợi thế của mình để gây ô nhiễm và tiêu diệt sự sống khác. Một chút hổ thẹn cũng là sự tử tế.
Ngày xưa, ông bà ta dạy rằng: bắt cá thì đừng bắt hết ao, phải chừa lại vài con để nó tiếp tục sinh sản. Đó là đức hiếu sinh.
Cho nên, với cỏ cây, loại nào không cần thiết phải tiêu diệt thì đừng tiêu diệt. Cứ để nó được sinh tồn. Chỉ có bạn mới thấy cỏ vô dụng thôi, vì suy nghĩ ích kỷ của bạn, chứ con trâu đâu có thấy cỏ vô dụng!
Với thuốc trừ sâu cũng vậy. Cần hạn chế hết mức có thể và tốt nhất là đừng dùng. Sâu sẽ có chim bắt, gà bắt, ong vò vẽ bắt, con tò vò bắt… Chúng có thiên địch của chúng.
Và nếu sâu chỗ bạn không có con gì bắt thì bạn cũng phải tự hỏi: bạn đã làm gì để cho các loài động vật khác không thể xuất hiện ở đó vậy?
***
Ngày nay, rất nhiều người lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chiều nay phun thuốc sáng mai hái bán. Ngay cả lúa, trước nửa tháng thu hoạch còn phun một cữ thuốc cho chắc hạt.
Có người bảo: chỉ là thuốc dưỡng, nhằm nhò gì!
Vâng, giống như bạn cho trẻ ăn thật nhiều đồ bổ và bạn bảo: chỉ là đồ bổ thôi, nhằm nhò gì!
Một thời gian sau, trẻ bắt đầu bị dậy thì sớm, béo phì, máu nhiễm mỡ…
Hạt lúa cũng vậy đấy. Nó đang phát triển tự nhiên thì bạn can thiệp, ép nó phải thế này thế nọ.
Bất cứ thứ gì bị gò ép, bị can thiệp và không thể phát triển một cách tự nhiên thì nó sẽ phát triển theo cách mà bạn không lường trước được.
Ngày nay, rất nhiều người ăn rau củ quả mà không thấy khỏe lên, ngược lại còn thấy yếu hơn.
Lý do ăn sai cách cũng có.
Nhưng đã bao giờ bạn đặt ra câu hỏi: những loại rau ấy chứa chất gì trong đó chưa? Cọng rau chợ và cọng rau mọc tự nhiên ở nơi đất sạch, điểm khác biệt là gì?
Bây giờ, đa phần nông nghiệp diễn ra như thế này: bạn bán đậu bắp cho tôi, tôi bán rau cải cho bạn. Tất cả đều được tắm một chút hóa chất. Chúng ta phun qua phun lại cho nhau ăn, phải không?

Rất may là nhiều người đã ý thức về điều này và đã tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tự nhiên.
***
Cuối cùng, ý mình muốn nói là: có lẽ trong mối quan hệ với cây cối, con người đã quá ngông cuồng và ảo tưởng.
Xét về khả năng sinh tồn và sinh sản thôi, con người cũng đã thua cây cối rồi.
Hãy xem, hạt của nó sau khi phơi khô sẽ dự trữ được rất lâu. Đa phần là vậy.
Con người làm được không? Bạn chỉ dự trữ được 9 tháng 10 ngày là cùng.
Và hạt giống sau khi rời khỏi cơ thể mẹ, nó chỉ cần môi trường thích hợp thì sẽ nảy mầm. Bản thân nó chứa đủ dưỡng chất để nó dùng dần cho tới khi mọc rễ. Con người làm được như vậy không?
Sau khi rời khỏi cơ thể người mẹ, chúng ta vẫn cần được nuôi thêm một thời gian nữa, có người đến mấy chục năm. Ví dụ như mình, mẹ mình phải nuôi suốt 24 năm. Bạn thấy đó, chúng ta sinh trưởng không bằng cây cối.
Và chúng ta sống 100 năm là cao, nhưng có những loài cây sống ngàn năm tuổi. Bạn nói xem, chúng ta có nên gọi những cây đó là cụ không?
Hơn nữa, cây cối có thể sống mà không cần chúng ta. Chúng sẽ lấy cacbonic từ động vật và thải ra oxy.

Nhưng chúng ta không thể sống thiếu cây. Chúng ta cần oxy từ cây, nếu không thì chúng ta phải gắn bình oxy để thở. Hoặc chúng ta phải xuống nước, tìm một số sinh vật phù du (ví dụ như tảo lam – hay còn gọi là vi khuẩn lam) để xin oxy.
Bạn nói xem, ai mạnh mẽ hơn, ai bản lĩnh hơn?
Ai là chỗ dựa của ai? Và ai đang nhờ vả ai?
Rõ ràng là con người chúng ta đang nhờ vả cây cối.
Suốt cuộc đời này, chúng ta nợ cây cối một lời biết ơn và xin lỗi.
Đoạn này y như văn mẫu nhỉ, nhưng thật sự là vậy!
Thật ra, con người không phải tệ đến nỗi thua một cái cây. Con người vẫn có những khả năng đặc biệt mà cây cối không làm được.

Suy cho cùng, không có sinh vật nào là phát triển nhất hay ưu tú nhất trên hành tinh này. Các loài đều ngang nhau.
Bạn nói con người là sinh vật phát triển nhất, chẳng qua là vì bạn đem ra một vài tiêu chí có lợi cho con người rồi bạn tự kết luận vậy thôi.
Tất cả các loài sinh vật, cũng chẳng có loài nào có thể thống trị trái đất này. Các loài đều đang cùng nhau sinh trưởng.
Và nếu một loài nào đó bị tuyệt chủng thì nó cũng là chuyện nhỏ bé đến mức vô nghĩa đối với vũ trụ này!
Hà cớ gì, bạn ngồi đó và tự phong ta là “động vật bậc cao”.
Cho nên trái đất này không phải là của chúng mình. Trái đất này là của muôn loài.
Con người ăn cá và thấy đó là bình thường.
Vậy nên, khi con cá ăn người, mọi người cũng đừng hoảng loạn lên chứ!
Nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy trong cuộc sống này, con người bất tiện đến nhường nào! Con người vẫn bị các con vật khác ăn thôi, trong đó có cả vi khuẩn.
Vậy nên, đừng coi thường động vật và cây cối. Bạn gọi nó là cây nhưng với nó, nó là một sự sống chứ không phải là cây.
Bạn gọi nó là chó, là gà… nhưng với nó, nó đâu phải là chó, là gà.
Không chừng tụi nó đang đặt tên cho chúng ta là chó, là gà, là cây đấy!
Cho nên, đừng ngạo nghễ “ta đây quản lý và chinh phục, ta đây quyết định và làm chủ” đám súc vật, đám cây cối này. Bạn phải biết, cái cây có thể ngã chết bạn, con trâu có thể sổng chuồng và rượt đuổi bạn.
Cái này là thức ăn của cái kia. Mọi thứ đều có mối liên hệ với nhau. Đó là quy luật sinh tồn.
Và dù cho bạn có năng lực từ bi chan hòa khắp vũ trụ thì ngày mai, con gà vẫn mổ thóc, con chim vẫn bắt sâu, con cá vẫn ăn kiến… Chúng phải duy trì sự sống.
Và vi sinh vật ăn tất cả.
Xác chết trở thành phân cho đất.
Cây từ đó mọc lên.
Thân phận con người thật nhỏ bé, cuộc đời này thật đáng sợ, phải không?
***
Không hẳn như vậy. Khi bạn hiểu rằng bạn không bao giờ chết đi, chỉ là dòng năng lượng trong bạn quyết định rời khỏi thể xác này, cởi bỏ lớp áo này, để chúng mục rã thành đất, đóng góp cho đời, hiểu như thế, bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm.
Suy cho cùng, vạn vật “dã man sinh trưởng” không phải là câu chuyện để bạn ám ảnh mà là: để bạn thấy được con người đang đứng ở đâu giữa cuộc đời này.

Con người đứng cùng các loài động thực vật khác, không thấp hơn con voi và cũng không cao hơn vi khuẩn.
Hãy xem, con người mơ ước được bay. Con chim không cần mơ ước cũng bay một cách dễ dàng.

Con người không thể thở dưới nước nhưng con cá lại vô tư làm điều đó.
Con người không thể sống chui rúc trong bùn nhưng con lươn, con trùng… thì lại có thể.
Bạn nhìn ra chưa? Mọi loài đều có lợi thế và hạn chế riêng.
Khi bạn hiểu ra mọi loài khác cũng như mình, cũng là một sự sống như mình, bạn tự nhiên sẽ kết nối được với chúng. Đó chính là kết nối với tạo hóa, với vũ trụ này. Khi nó, bạn sẽ thấy rất tâm hồn rộng mở bởi sự công bằng chứ không còn là sợ hãi nữa.
Trước giờ, bạn cứ cho là bạn đẳng cấp, cho nên bạn cũng không biết gì về các đẳng cấp khác.
Con báo cheetah có thể chạy đến 120 km/ h. Con trai có thể bao bọc tổn thương để làm thành ngọc.
Một số loài cây, trước khi chết còn lấy hết sức để trổ hoa một lần nữa, để lại hạt giống cho đời.
Con giun suốt đời chui rúc để tạo ra chất mùn cho đất.
Con sò, con dẹm… ăn cặn bã dưới sông.
Con người, bạn đã làm được gì cho trái đất này?
***
Chào bạn. Mình là Nhi, người viết bài này, cũng là admin của kênh Youtube Phụng Nghi Đồng Tuyết Nhi.
Bạn có thể liên hệ mình qua sdt 0979 254 124.
Bạn cũng có thể thưởng cho mình ly sữa để tiếp tục viết văn qua stk Agribank 1800 259 157 122 (Đồng Tuyết Nhi).
Cảm ơn bạn.