Trong Đông y có hai vị thuốc với tên gọi rất trữ tình, đó là đại hồi hương và tiểu hồi hương.


Trùng hợp là, hai vị thuốc này cũng đều được dùng làm gia vị trong ẩm thực.
Đại hồi hương thường được dùng trong món bún bò quế, tiểu hồi hương thường được dùng trong món lẩu thái chua cay.
Vậy, hai loại này có thể điều trị các bệnh gì?
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Công dụng của đại hồi
Cây đại hồi hương có tên khoa học là Illicium verum, là cây thân gỗ.

Quả đại hồi hương có hình dáng như một bông hoa và có mùi thơm chua the đặc biệt, đem nấu cùng quế khâu để làm nước chan thì món bún bò quế càng thêm hương vị đậm đà!
Thường thì quả đại hồi hương có từ 7 đến 11 cánh nhưng theo kinh nghiệm dân gian thì loại 8 cánh là tốt nhất. Chính vì vậy, dân gian còn có tên gọi khác cho nó là “bát giác hồi hương”.

Trong y học cổ truyền, quả đại hồi hương được dùng với nhiều công dụng như:
- Làm ấm cơ thể, giúp ấm bụng, dễ tiêu.
- Giúp giảm đau bụng (trong trường hợp lạnh bụng, trướng bụng).
- Giúp ăn uống ngon miệng hơn.
- Giúp giải độc do ăn nhầm thịt, cá có độc.
Cách dùng làm thuốc: lấy 4 – 6 g đại hồi hương, bẻ nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống trong ngày (lưu ý không được dùng quá liều).
Ngoài ra, quả đại hồi hương còn được dùng trong các bài thuốc chữa bệnh như:
- Chữa chứng nhức lưng: Lấy quả đại hồi hương, móc bỏ hạt bên trong rồi đem nguyên quả, tẩm với nước muối và cho vào chảo, sao lên cho khô. Sau đó, xay nát quả đại hồi hương và để dành dùng nhiều lần (bảo quản nơi khô thoáng). Mỗi lần dùng, bạn lấy 6 – 10 g bột đại hồi hương, hòa với một ít rượu rồi uống. Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp thêm cách điều trị từ bên ngoài để mau khỏi hơn: hái 2 nắm lá ngải cứu tươi, hơ trên lửa (hoặc cho vào chảo rang lên) cho nóng ấm rồi cho vào miếng vải, chườm đắp lên lưng (chỗ nhức mỏi).
- Chữa bệnh phong thấp: lấy quả đại hồi hương, phèn chua và hạt tiêu (khối lượng ngang nhau), tất cả cùng nghiền nát (xay nát) rồi đổ một ít nước vào cho sệt sệt và thoa lên chỗ đau nhức (xoa bóp nhẹ nhàng).
Lưu ý khi dùng đại hồi hương
- Đại hồi hương có tính ấm, vì vậy, người thể trạng âm hư hỏa vượng không nên dùng.
- Dù làm gia vị ẩm thực hay làm thuốc thì cũng cần dùng đúng liều lượng, không nên dùng liên tục trong thời gian dài.
- Khi mua, bạn cần lựa chọn nhà thuốc uy tín, không mua hàng trôi nổi trên mạng vì hiện nay, có người đã trộn quả đại hồi hương với quả hồi núi (có độc, gây nôn mửa…) để bán nhằm mục đích trục lợi.
Công dụng của tiểu hồi hương
Cây tiểu hồi hương có tên khoa học là Foeniculum vulgare, thuộc dạng thân thảo, bẹ lá dày.

Quả tiểu hồi hương có kích thước nhỏ hơn đại hồi hương rất nhiều và trông như một hạt lúa nhỏ. Trong ẩm thực, tiểu hồi hương thường được kết hợp trong món lẩu thái để tạo nên hương vị đặc trưng.

Được biết, tiểu hồi hương có tính ấm và có các công dụng như:
- Làm ấm cơ thể, trừ khí lạnh.
- Giúp tan đàm, kích thích tiêu hóa.
- Điều trị khó tiêu, buồn nôn và đầy bụng (do lạnh bụng, tỳ vị hư hàn).
- Điều trị nhức lưng do suy thận.
- Giúp lợi niệu, giảm co thắt.
- Giúp lợi sữa ở phụ nữ sau sinh.
- Dùng để giải độc khi bị trúng thực (ngộ độc thực phẩm).
Cách dùng: lấy từ 3 – 6 g tiểu hồi hương, nấu lấy nước uống trong ngày (lưu ý không được dùng quá liều).
Ghi chú: Vì có tác dụng kích thích tiêu hóa nên sau khi uống tiểu hồi hương, bạn có thể bị trung tiện (“xì hơi”, “thả bom”).
Lưu ý khi dùng tiểu hồi hương
- Tương tự như đại hồi hương, tiểu hồi hương cũng có tính ấm nên người âm hư hỏa vượng, hay cảm thấy nóng bức, bốc hỏa… không nên dùng.
- Không dùng quá nhiều vì sẽ gây tác dụng phụ (thậm chí là động kinh).
- Cây tiểu hồi hương khác với rau thì là và cũng khác với cây hồi cần.
Tư liệu tổng hợp
- Hoa hồi (đại hồi hương), vị thuốc đến từ nhà bếp, https://caythuoc.org/hoa-hoi-qua-hoi-dai-hoi.html,
- Tiểu hồi hương điều trị đau xóc dưới sườn, lạnh bụng, khó tiêu, https://caythuoc.org/tieu-hoi-huong-dieu-tri-dau-xoc-duoi-suon-lanh-bung-kho-tieu.html
Xem thêm: Hậu phác có tác dụng gì?