Bên cạnh quả lựu với những lợi ích tuyệt vời thì hoa lựu, vỏ quả lựu và lá lựu cũng là những vị thuốc quý.
Nội dung chính ⇒
Lá lựu có tác dụng gì?
Y học cổ truyền có ghi lại nhiều bài thuốc từ lá lựu, trong đó có hai bài đáng chú ý sau:
– Giúp làm sạch các nốt đậu mùa: hái lá lựu tươi, rửa cho sạch bụi rồi nấu lấy nước, sau đó để nguội và dùng nước này để rửa ngoài da thường xuyên (mỗi ngày 3 lần).
– Giúp tan máu bầm (ngoài da) do té ngã: hái lá lựu tươi, rửa sạch, đâm nát nhuyễn rồi đắp lên chỗ bị sưng bầm.
Công dụng làm thuốc của hoa lựu
Hoa lựu được dùng trong nhiều bài thuốc, trong đó, dễ thực hiện nhất là bài thuốc điều trị nóng nhiệt.
Cách dùng: lấy hoa tươi hãm lấy nước uống như trà (mỗi lần uống 0,3 lạng).
Vỏ quả lựu có tác dụng gì?
Vỏ quả lựu có vị chát, giúp se chặt ruột nên có tác dụng đáng kể đối với chứng tiêu chảy. Ngoài ra, nó còn giúp điều trị bạch đới ở phụ nữ, cầm máu trong trường hợp băng huyết và tiểu ra máu.
Cách dùng như sau: Lấy vỏ lựu, gọt bỏ lớp màng xốp xộp bên trong, chỉ lấy phần vỏ ngoài, xắt nhỏ ra thành từng lát mỏng rồi phơi khô. Mỗi lần uống thì lấy từ 15 đến 30 g, cho vào ấm (nồi), nấu lấy nước và uống trong ngày.
Ngoài ra, vỏ quả lựu còn được dùng trong các trường hợp như:
– Chữa bệnh vảy nến: lấy vỏ quả (bỏ phần xốp), thái mỏng, phơi cho khô, sau đó nghiền cho nát mịn rồi trộn với dầu vừng (dầu mè) cho thành hỗn hợp hơi sệt sệt, sau đó thoa lên vùng da bị vảy nến.
– Chữa khí hư nhiều (ở phụ nữ) và chứng lòi dom: lấy 15 – 30 g vỏ quả lựu (đã phơi khô) và một ít đường kính, đem ninh cho chín mềm rồi ăn (mỗi ngày ăn 1 lần).
Lưu ý
Những ai đang bị kiết lỵ, đại tiện cứng hay táo bón thì không nên sử dụng các bài thuốc uống từ vỏ quả lựu và hoa lựu (vì nó sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn).
Quả lựu – trái cây tốt cho sức khỏe
Quả lựu có chứa các chất dinh dưỡng gì? Bạn có biết không? Đó là vitamin C, các vitamin nhóm B như vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B9 và nhiều vitamin khác. Ngoài ra, quả lựu chín còn chứa nhiều loại khoáng chất như Ca, Fe, P, Zn…
Vì vậy, lựu được xem là một trong những loại quả có tác dụng chống oxy hóa cao (nhờ chứa nhiều vitamin C). Ngoài ra, ăn lựu còn giúp đẹp da, chống lão hóa, tăng cường sức khỏe và giảm mỡ máu xấu (ngăn ngừa tim mạch).
Tư liệu tổng hợp
- Tạ Ngọc Ái (biên soạn), Trà và các bài thuốc, món ăn bổ dưỡng từ hoa, NXB Thanh niên, 2008, trang 102.
- Lá lựu có tác dụng gì, https://caythuoc.org/la-luu-va-vo-qua-luu-nhung-vi-thuoc-quy-dan-gian.html
- Cây lựu (quả thạch lựu), thực phẩm chống lão hóa, bệnh tim mạch và ung thư, https://caythuoc.org/cay-luu.html