Củ cải trắng không chỉ là món ăn mà còn là vị thuốc quý điều trị nhiều loại bệnh. Khi bị va chạm bầm giập ngoài da, bạn chỉ cần giã nát một ít củ cải tươi, đắp lên rồi bó lại là vết máu bầm sẽ dần dần tan hết. Vậy, củ cải trắng có tác dụng gì?
Một điều đặc biệt của củ cải trắng là lúc còn sống có vị cay, tính mát nhưng đem nấu lên thì lại có vị ngọt, tính bình.
Nội dung chính ⇒
Củ cải trắng làm món gì? có tác dụng gì?Củ cải trắng có tác dụng gì?
Từ củ cải trắng, bạn có thể chế biến thành nhiều món ăn như luộc, xào, làm gỏi, kho, nấu canh, …
Tác dụng của củ cải trắng
Không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, củ cải trắng còn có nhiều dược tính quý có thể làm thuốc.
Nhìn chung, công dụng chữa bệnh của củ cải trắng tập trung vào:
- Một số bệnh về đường hô hấp như: ho, ho ra máu, suyễn, mất tiếng, hen, đau tức ngực, đàm…
- Một số bệnh về đường tiêu hóa như khó tiêu, táo bón, ợ chua, chướng bụng, đau vùng thượng vị, trĩ, lòi dom, buồn nôn…
- Một số bệnh về tiết niệu (do thấp nhiệt) như tiểu buốt, nước tiểu ít, nước tiểu đục, tiểu dắt…
- Một số bệnh về chuyển hóa như béo phì, tiểu đường…
- Một số công dụng đối với máu huyết như hoạt huyết, chỉ huyết (tức cầm máu) trong trường hợp đại tiện ra máu, tiểu tiện ra máu và ho ra máu do lao phổi.
- Giúp giải độc khi bị ngộ độc rượu, hàn the, ngộ độc nhân sâm, cà… và ngộ độc khí độc như khí gas, than…
Trong củ cải trắng có chứa các chất dinh dưỡng gì?
Củ cải trắng còn tươi chứa rất nhiều nước (hơn 90 %) và nhiều chất dinh dưỡng như chất đạm, đường, Can xi, Phốt pho, Sắt, Man gan, vitamin B1, B2, C…
Các bài thuốc chữa bệnh từ củ cải trắng
Củ cải trắng có mặt trong nhiều bài thuốc điều trị bệnh như:
1. Điều trị táo bón, miệng khô đắng
Cách dùng rất đơn giản: bạn chỉ cần lấy củ cải trắng xào với tỏi rồi ăn như món ăn thông thường là được.
2. Điều trị khàn tiếng, mất tiếng
Khi bị mất tiếng, khàn tiếng; bạn có thể lấy một ít củ cải trắng rửa sạch, xay nát rồi vắt lấy nước uống từ từ. Nước này có vị cay, làm thông cổ họng nhưng hơi khó uống (vì mùi hơi hăng).
3. Điều trị vàng da do viêm gan và thủy thũng
Với các bệnh này, bạn có thể lấy 400 g củ cải trắng, rửa sạch, xắt nhỏ rồi nấu lấy nước uống (nấu còn 60 ml thì chắt ra và uống như trà hàng ngày).
4. Hỗ trợ người bị tiểu đường
Lấy 50 g gạo, 50 g nếp cùng nấu thành cháo rồi cho củ cải trắng vào (khoảng 200 g củ cải, gọt vỏ, xắt nhỏ) rồi đợi chín thì nhắc xuống. Cháo này bạn ăn lúc còn ấm nóng và nên ăn nhiều ngày liên tiếp (mỗi ngày ăn 2 lần).
5. Điều trị bí tiểu do tích nhiệt
Lấy 50 g gạo, nấu cho thành cháo rồi cho củ cải trắng (200 g, gọt vỏ, xắt thành miếng nhỏ) và củ hành tây (100 g, xắt nhỏ) vào, sau đó nêm nếm cho vừa ăn, đợi củ cải chín mềm thì tắt bếp.
Cháo này bạn ăn vào lúc đói và ăn 2 lần mỗi ngày.
6. Điều trị chóng mặt do cao huyết áp
Lấy củ cải trắng, ép lấy 100 ml nước ép, sau đó cho thêm 40 g đường vào và uống (mỗi ngày uống 2 lần). Tuy nhiên, bài thuốc này hơi khó uống nên ngày nay, dân gian thường dùng nhiều cây thuốc khác thay thế.
7. Điều trị lở loét miệng
Lấy củ cải trắng xay nát, ép lấy 100 ml nước rồi hòa thêm chút nước cho loãng ra, sau đó dùng ngậm và súc miệng thường xuyên trong ngày.
8. Hỗ trợ điều trị ung thư phổi
Với trường hợp bệnh nhân ung thư phổi bị ho ra máu, bạn có thể lấy củ cải trắng xay nát, ép lấy 50 ml nước rồi hòa với 15 g đường phèn, cùng cho vào chén, đem chưng cách thủy rồi uống (mỗi ngày uống 1 lần).
Ăn nhiều củ cải trắng có tốt không?
Không nên ăn nhiều củ cải trắng vì sẽ gây khó tiêu và lợi tiểu quá mức.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng không nên dùng nhiều củ cải trắng (nếu có ăn thì chỉ ăn 1 lần mỗi tuần và hầm hoặc nấu canh ăn, không nên dùng sống).
Lưu ý trong kết hợp: Không ăn củ cải trắng cùng với lê, nho, táo (bom)… vì các loại này kỵ nhau (nếu dùng nhiều và thường xuyên có thể dẫn đến suy tuyến giáp, bướu cổ…).
Ngoài ra, cũng không nên dùng củ cải trắng với nhân sâm vì chúng sẽ triệt tiêu công dụng nổi trội của nhau; không nên kết hợp củ cải trắng cùng nấm mèo (mộc nhĩ) vì có thể gây viêm da (2).
Tư liệu tổng hợp
- Tuệ Minh – Dương Thiên, Cây thuốc nam thông dụng trị liệu trong gia đình, NXB Đồng Nai, trang 105.
- Tiểu đường có ăn được củ cải trắng không? Tác dụng của củ cải trắng, https://metaherb.vn/tieu-duong-co-an-duoc-cu-cai-trang-khong.html