Nghe tên “Bạch cập”, nhiều người có cảm giác đó là tên của một loài động vật. Tuy nhiên, “Bạch cập” lại là tên của một loài hoa thuộc họ Lan. Hơn nữa, củ của loại cây này còn được dùng làm thuốc. Vậy, bạch cập có tác dụng gì?
Bạch cập là cây gì?
Lan bạch cập có tên khoa học là Bletilla striata, là một loài lan thân thảo, có hoa màu tím rất đẹp và có củ dùng làm thuốc (thực chất là thân rễ của cây) (1).
Trữ lượng lan bạch cập ở nước ta còn khá hạn chế. Vì thế, lan bạch cập từng được đưa vào danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam để khuyến khích bảo vệ và nhân giống thêm.

Củ lan bạch cập có chứa tinh dầu, tinh bột và chất nhầy.
Củ lan bạch cập chữa lành vết thương hiệu quả
Củ bạch cập được biết đến là loại thảo dược giúp cầm máu và chữa lành vết thương hiệu quả. Nếu bị mụn nhọt (chưa vỡ mủ), tay chân nứt nẻ hay bị thương chảy máu do dao cắt, bạn có thể nghiền nhỏ củ bạch cập tươi rồi đắp lên da (nếu dùng củ khô thì tán mịn rồi hòa với nước).

Nếu bị phỏng, bạn có thể lấy củ bạch cập giã nát, hòa với dầu mè (dầu vừng) rồi thoa lên vùng da phỏng.
Củ lan bạch cập bổ phổi, tiêu đờm
Củ bạch cập có vị đắng, hơi ngọt chát, không có mùi, có tính bình hoặc hơi hàn và giúp bổ phổi, tiêu đờm, điều trị ho ra máu rất tốt.
Cách dùng: lấy 4 – 12 g củ bạch cập khô, tán bột uống (hoặc sắc uống).
Bạch cập chữa bệnh ho lao, ho lâu năm ra máu
Nếu bị ho lao và trong đờm có máu, có thể lấy 24 g củ bạch cập và 12 g củ tam thất, tán thành bột mịn rồi trộn lại, sau đó chia ra uống nhiều lần (mổi lần uống 3 g bột, ngày uống 2 lần và uống bằng nước ấm).

Nếu bị ung phổi, ho ra máu đặc, ho lâu năm ra máu hoặc trong đờm có lẫn máu thì lấy củ bạch cập tán nhỏ rồi uống 3 g mỗi ngày (uống khi sắp đi ngủ và uống với nước cháo gạo nếp).
Củ bạch cập như thế nào là tốt?
Củ bạch cập thường có dáng tròn dẹp hoặc tròn dài và bạch cập ở Việt Nam thường là củ tròn, ít khi có 3 đầu nhọn như bạch cập ở Trung Quốc.
Củ bạch cập tốt là loại củ to, mập, vỏ ngoài sáng, có nhiều đường vân vòng, sạch rễ con, bên trong trong suốt, lớp thịt bên trong trắng nhầy khi tươi và rắn chắc khi khô.
Quy trình làm khô củ bạch cập
Vào mùa đông, đào lấy củ bạch cập, rửa sạch, cắt bỏ các rễ con và phần cổ rễ, chỉ chừa lại phần củ nguyên, đem đồ qua hơi nước cho tới khi ruột lõi không còn màu trắng thì cạo bỏ lớp vỏ và tiếp tục phơi khô.
Khi dùng bạch cập làm thuốc cần lưu ý điều gì?
1. Không dùng bạch cập cùng với ô đầu.
2. Không dùng bạch cập trong trường hợp ung nhọt đã vỡ.
3. Bạch cập nên dùng ở dạng tán bột sẽ tốt hơn thuốc sắc.
4. Người có chứng thực hỏa ở phế, vị không nên dùng bạch cập.
5. Người bị ho do cảm lạnh không nên dùng bạch cập (vì bạch cập tính hơi hàn).
6. Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.
Tư liệu tổng hợp
- Bạch cập, https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A1ch_c%E1%BA%ADp.
- Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 749.
- Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 126.
- Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược, NXB Y học, 2000, trang 15.
- Bạch cập, http://www.baophuyen.com.vn/portals/0/quangcao/TRACUUDONGDUOC/TUDIEN/THUOC/BACHCAP.HTM.