Củ riềng là loại gia vị làm thuốc khá quen thuộc với người Việt. Không chỉ mang lại hương vị cay thơm, củ riềng còn giúp kích thích tiêu hóa, làm giảm ợ hơi và nôn mửa.
Nội dung chính ⇒
Củ riềng, gia vị thân thiện với hệ tiêu hóa
Trước đây, nhiều gia đình thường trồng một bụi riềng quanh nhà. Những lúc cần làm mắm ruột đu đủ hay kho cá, kho thịt; các bà nội trợ lại đi nhổ một ít riềng về để vào cho thơm, cho dễ tiêu.
Đặc biệt là trong món mắm đu đủ chay, hương vị cay tê của sợi riềng thái mỏng sẽ làm bật lên cái ngon độc đáo của món ăn này!
Thế nhưng, nói đến công dụng củ riềng thì phải nói đến thịt chó và ca dao có câu:
“Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng“.
(xin lưu ý, Cây Hoa Lá không cổ vũ món ăn này)
Vì sao ăn thịt chó thì hay ăn kèm với củ riềng?
Đó là vì củ riềng có hương thơm đặc trưng giúp át đi mùi tanh của thịt chó. Tuy nhiên, một câu hỏi khác lại được đặt ra: sao không dùng lá chanh, hạt tiêu hay các gia vị khác để át mùi tanh mà phải dùng đến củ riềng?
Thật ra, thịt chó là loại thực phẩm rất khó tiêu. Ngược lại, củ riềng là gia vị số một giúp giải quyết các vấn đề về tiêu hóa. Vì vậy, ăn củ riềng chung với thịt chó là để cơ thể hấp thụ tốt hơn món ăn “nặng ký” này.
Dùng củ gừng hay củ riềng?
Theo lương y Hoàng Duy Tân, xét về tính ấm thì củ riềng hay hơn củ gừng, vì vậy, củ riềng còn được gọi là “cao lương khương” (“cao lương” có nghĩa là tốt hơn, “khương” là củ gừng).
Hiển nhiên, không phải lúc nào hai thứ này cũng có thể thay thế cho nhau, bởi:
– Củ gừng có tính ấm, vị cay và tính chất của nó là phát tán ra bên ngoài (nên ăn cháo gừng là đổ mồ hôi ngay, từ đó giúp giải cảm).
– Củ riềng cũng có tính ấm, vị cay nhưng tính của nó hướng vào bên trong, tập trung vào dạ dày, làm cho ấm bụng, dễ tiêu.
Củ riềng, lựa chọn hàng đầu khi bị khó tiêu
Nếu dùng củ riềng như một vị thuốc và muốn đạt được hiệu quả tối ưu thì không nên nấu theo kiểu thuốc sắc (vì củ riềng có chứa tinh dầu nên việc sắc nấu trong thời gian dài sẽ làm hao hụt tinh dầu).
Như vậy, với những người hay bị lạnh bụng và cần dùng củ riềng cho ấm bụng, dễ tiêu (hay những người đang gặp các vấn đề về co thắt dạ dày và vi khuẩn E.coli) thì có thể lấy củ riềng hãm uống như trà.
Các bước thực hiện:
Gọt vỏ ⇒ Giã nát ⇒ Đổ nước sôi vào ⇒ Hãm trong 30 phút và uống
Bên cạnh đó, nếu gặp phải tình trạng bị nấc hay ợ hơi (do khí “hỏa” trong dạ dày bốc lên) thì dùng củ riềng sẽ mang lại hiệu quả rất tốt. Theo nguyên lý âm dương, củ riềng mọc từ lòng đất nên mang tính âm, vì vậy, khi dùng củ riềng, tính âm của nó sẽ kéo khí “hỏa” xuống (“hỏa” trong cơ thể mang tính dương), như vậy, âm dương quân bình, khí sẽ không nghịch lên nữa (không gây ra ợ hơi nữa).
Ngoài ra, với những người tim tốt, dạ dày tốt nhưng khí bị ngăn nghẹn ở ngực gây khó chịu (thậm chí phải lấy tay đấm vào cho đỡ) và về lâu, khí nghịch lên đến cổ thành chứng “mai hạch khí” thì dùng củ riềng cũng rất hay.
Liều lượng: 10 g củ tươi mỗi ngày.
Củ riềng và phương pháp dùng huyệt đạo
Theo lương y Hoàng Duy Tân, những người bị nấc hay nôn mửa nhưng lại không uống được củ riềng thì có thể lấy một lát củ riềng đặt lên huyệt Nội quan để kích thích.
Thực hiện: Lấy củ riềng tươi, cắt một lát rồi đặt lên huyệt Nội quan, sau đó dùng miếng keo dán cố định lại.
Để xác định vị trí của huyệt Nội quan thì từ lằn chỉ cổ tay, chúng ta lấy ba ngón tay đo lên (xem thêm hình dưới đây để xác định vị trí huyệt Nội quan).
Củ riềng giúp giảm co thắt dạ dày
Biểu hiện: người bệnh dù không quá no hoặc không quá đói nhưng vẫn ôm bụng than đau dữ dội vì bị co thắt dạ dày (khi ôm bụng và cụp người xuống thì thấy đỡ đau).
Cách chữa trị: lấy 20 g củ riềng tươi (thái mỏng) và 10 g củ cỏ gấu (củ cỏ gấu tươi đem sao lên cho hết lông bên ngoài rồi xắt nhỏ ra), hãm cả hai thứ trong 30 phút và chắt lấy nước uống.
Nếu không dùng tươi, người bệnh cũng có thể sao khô hai vị này lên rồi tán bột, mỗi buổi uống một thìa (ngày uống hai lần sáng và tối).
Củ riềng điều trị lang ben
Theo kinh nghiệm dân gian, có rất nhiều cách để trị lang ben, trong đó có cách dùng củ riềng.
Bài thuốc này khá đơn giản. Bạn chỉ cần lấy củ riềng tươi, gọt vỏ, giã cho dập rồi đổ thêm một ít giấm vào và đem đun sôi. Khi nước giấm đang sôi, các bạn lấy đũa gắp một miếng bông gòn nhúng vào cho thấm nước rồi thoa lên da ngay khi miếng bông gòn còn ấm nóng. Thông thường, sau khoảng 2 ngày, vùng da bị bệnh sẽ hết ngứa và sau 5 ngày thì sẽ bắt đầu thuyên giảm.
Vài nét về cây riềng
Cây riềng thuộc họ Gừng. Ở nước ta, có ít nhất hai loại riềng thường được nhắc đến là:
- Cây riềng thông thường (được đề cập trong bài viết này), hay còn gọi là cao lương khương, tiểu lương khương (nghĩa là cây riềng củ nhỏ). Cây có tên khoa học là Alpinia officinarum (1).
- Cây riềng nếp, hay còn gọi là đại lương khương, đại cao lương khương (tức cây riềng củ to). Cây có tên khoa học là Alpinia galanga (2).
Củ riềng nếp đôi khi cũng được dùng làm thuốc thay thế cho củ riềng thông thường (so về kích thước thì củ riềng nếp to hơn nhưng nếu so về dược tính thì củ riềng nếp không hay bằng củ riềng thông thường).
Hồng đậu khấu là gì, có công dụng gì?
Ngoài củ riềng thì cây riềng còn cho một vị thuốc khác nữa là quả riềng. Trong Đông y, quả của cây riềng thông thường và cây riềng nếp đều được gọi là “hồng đậu khấu” (quả đã phơi, sấy khô và khi dùng thì bóc bỏ vỏ).
Tuy nhiên, khi nhắc đến “hồng đậu khấu” (hay hồng khấu, sơn khương tử), người ta thường hiểu là quả riềng nếp vì nó thông dụng hơn.
Công dụng: Quả riềng nếp có chứa tinh dầu, tinh bột và các protit. Vị thuốc này có vị cay, giúp giải độc rượu, điều trị nôn mửa, lạnh bụng, đau bụng và đi tả.
Liều lượng: mỗi ngày dùng từ 3 – 6 g, sắc lấy nước uống. (4).
Ngoài ra, trong trường hợp gặp khí lạnh ở rừng núi sinh ra rét cơn, ăn uống khó tiêu, buồn nôn, đau bụng, thổ tả thì dùng hạt riềng tán nhỏ, uống từ 6 – 10 g mỗi ngày sẽ giúp bệnh tình thuyên giảm (3).
Lưu ý
1. Củ riềng và hồng đậu khấu có tính ấm nên hợp với các bệnh do thể tạng hàn (trường hợp nhiệt quá thịnh gây ra buồn nôn và các triệu chứng khác thì không nên dùng) (3).
2. Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.
***
Củ riềng cay hơn củ gừng nhưng cũng thơm hơn củ gừng. Vì vậy, mẹ tôi hay làm mắm ruột từ củ riềng, thính, đu đủ, dưa leo, khóm… Món này rất thơm ngon, lại dễ tiêu hóa.
Xem thêm: Video phỏng vấn lương y Hoàng Duy Tân về vị thuốc cao lương khương (củ riềng)
Xem thêm: Củ kiệu điều trị bệnh đau tức ngực, viêm mũi mạn tính
Tư liệu tham khảo
- Củ riềng có công dụng gì?, https://vi.wikipedia.org/wiki/Ri%E1%BB%81ng
- Riềng nếp có tác dụng gì, https://vi.wikipedia.org/wiki/Ri%E1%BB%81ng_n%E1%BA%BFp
- Nhiều tác giả, Chữa bệnh bằng cây lá quanh nhà, NXB Văn hóa dân tộc, trang 62.
- Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược, NXB Y học, 2000, trang 248.