Củ sen là loại thực phẩm quý – tinh hoa của cây sen. Xét về tính Âm – Dương thì củ sen mọc dưới nước (nước là Âm tính) nên nó thiên về Dương tính (theo quy luật cân bằng của tự nhiên). Vậy, củ sen có tác dụng gì và có tác hại không? Nếu có thì tác hại của nó là gì?
Nội dung chính ⇒
Củ sen ăn sống được không?
Củ sen có thể ăn sống nhưng bạn không nên ăn vì loại củ này mọc dưới bùn, dễ bị nhiễm các ký sinh trùng.
Với trường hợp cần dùng nước ép củ sen để điều trị bệnh thì bạn nên rửa sạch rồi mới gọt vỏ, sau đó ngâm nước muối và rửa lại với nước.
Củ sen có giúp giảm cân không?
Được biết, củ sen là một trong những thực phẩm giúp giảm cân, làm thon gọn vóc dáng và làm chậm lão hóa.
Củ sen có tác dụng gì, làm món gì ngon?
Làm món ăn: Được biết, củ sen là loại thực phẩm lành tính, giàu vitamin C và các khoáng chất như Kẽm, Ma giê, Sắt, Đồng…
Trong dân gian, củ sen được biết đến với tác dụng thanh nhiệt, bồi bổ ngũ tạng, giúp ăn uống ngon miệng, nhuận tràng và phòng ngừa táo bón. Bên cạnh đó, với những người thiếu máu do thiếu vitamin B12 thì ăn củ sen còn giúp cải thiện tình trạng bệnh, giúp da dẻ bớt xanh xao.
Trong ẩm thực, củ sen ngon nhất là xào, nấu chè, nấu canh, hấp… ăn vừa bùi, vừa ngọt, vừa thơm.
Nước ép: Trong dân gian, nước ép củ sen còn được xem như một phương thuốc giúp giải độc do ăn nhầm cua, ghẹ có độc; cải thiện tâm trạng, giúp bớt phiền muộn và điều trị chảy máu cam.
Không chỉ thế, nước ép này còn giúp điều trị ứ huyết sau sinh, hỗ trợ người bị cao huyết áp, bệnh gan và tiểu ra máu.
Liều lượng: khoảng 100 – 200 g tùy theo hướng dẫn của thầy thuốc (lưu ý rửa thật sạch và gọt vỏ trước khi ép lấy nước).
Bà bầu ăn củ sen được không?
Với củ sen thì phụ nữ mới mang thai (3 tháng đầu) không nên ăn. Sau 3 tháng, các mẹ bầu có thể ăn một lượng vừa phải (đã nấu chín) để cải thiện tâm trạng, tăng sức đề kháng, kiểm soát huyết áp, phòng ngừa thiếu máu và ngăn ngừa vàng da ở trẻ sau sinh.
Lưu ý: Nếu mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ thì không nên ăn.
Các bài thuốc làm đẹp và điều trị bệnh
- Điều trị nứt nẻ da tay, da chân: lấy một ít củ sen, rửa sạch, luộc chín rồi giã nát và đắp lên vùng da nứt nẻ (thực hiện 3 lần mỗi ngày).
- Giúp da tươi nhuận, giảm khô nhăn và nám: lấy 50 g gạo trắng, nấu thành cho gần chín rồi lấy 50 g củ sen tươi, đem rửa sạch, thái mỏng, bỏ vào nồi cháo, nấu cho chín mềm và tắt bếp. Nếu muốn món ăn ngon hơn thì bạn cho thêm một ít đường nhé!
Lưu ý khi dùng: tác hại của củ sen
- Người tỳ vị hư nhược, sợ lạnh, tiêu chảy, đau bụng kinh (do thể tạng hàn), hay lạnh tay chân… cần chế biến chín rồi mới ăn (không uống nước ép, không ăn gỏi sống…).
- Người bị loét dạ dày tá tràng không nên ăn.
- Khi nấu, không nên kết hợp với đậu nành hoặc gan động vật.
- Không nấu bằng nồi sắt.
- Nên rửa củ sen thật kỹ, gọt vỏ, sau đó ngâm trong nước muối và rửa lại bằng nước sạch rồi mới chế biến (để đảm bảo an toàn).
Cách làm gỏi củ sen
Đầu tiên, bạn rửa sạch củ sen rồi gọt vỏ, ngâm trong nước giấm pha loãng khoảng 20 phút rồi rửa lại một lần nữa, sau đó xắt thành từng lát mỏng (xắt ngang hay xéo đều được).
Tiếp theo, bạn bắt một nồi nước sôi, cho củ sen (đã xắt vào), luộc chín rồi vớt ra tô. Sau đó, bạn cho một ít tỏi (băm nát), dầu mè, nước tương và đường vào rồi vắt một miếng chanh vào cho vừa đủ chua. Tiếp theo, bạn lấy một ít hạt mè trắng, cho vào chảo, rang lên cho thơm rồi trộn cùng một ít ớt, một ít hành lá (đã rửa và xắt nhỏ), tất cả cùng rắc vào tô gỏi, trộn cho đều, nêm nếm lại cho vừa ăn là được.
Tư liệu tổng hợp
- Thiên Kim, Những phương thuốc làm đẹp từ rau củ quả, NXB Mỹ Thuật, 2009, trang 67.
- Đào Ẩn Tích, Thần nông bản thảo kinh, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2012, trang 175.
- Công dụng của củ sen, trang voh.
- Tác dụng của củ sen, trang voh.
- Củ sen có tác dụng gì, trang lamchame.
Xem thêm: Củ cải trắng có công dụng gì?